MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hàng Thái Lan lấn sân: Doanh nghiệp nội lúng túng

Cùng với sự thâm nhập của các đại gia vào chuỗi siêu thị của Việt Nam, nhiều sản phẩm hàng hóa “made in Thailand” cũng đã chen chân vào thị trường trong nước, có mặt tại nhiều chợ truyền thống, chợ cóc trên cả nước.

Theo Bộ Công thương, hiện hàng Thái Lan đã có ở hơn 9000 chợ trên cả nước và được người tiêu dùng Việt Nam đón nhận. Như vậy, đối với các DN Việt, nỗi lo hàng Thái Lan lấn sân đã quá rõ ràng.

Thâm nhập từ chợ cóc đến siêu thị

Được sự hậu thuẫn của các nhà phân phối Thái Lan, nhiều sản phẩm “made in Thái Lan” đã đặt chân vào nhiều hệ thống siêu thị ở Việt Nam. Một trong số những đại gia tên tuổi được nhắc đến nhiều nhất thời gian qua phải kể đến Tập đoàn BJC với hàng loạt các thương vụ mua bán, sáp nhập với các hệ thống bán lẻ của Việt Nam. Đình đám nhất phải kể đến thương vụ mua Metro của BJC, tiếp đến là việc tập đoàn này mua cổ phần của Family Mart trong liên doanh với Công ty Phú Thái và mở chuỗi cửa hàng tiện lợi B’smart…

Từ những thương vụ này, cơ hội để các nhà phân phối Thái Lan mở rộng quy mô tại Việt Nam ngày một lớn hơn. Và kéo theo đó là sự xâm nhập của các sản phẩm, hàng hóa đến từ đất nước này vào thị trường Việt Nam.

Giờ đây, hàng hóa Thái Lan có mặt không chỉ ở các siêu thị mà đã len lỏi vào cả các khu chợ truyền thống, chợ cóc, vỉa hè ở Việt Nam.

Dạo quanh các khu phố tại Hà Nội, dễ dàng bắt gặp những cửa hàng tiện lợi bán hàng Thái Lan. Với lợi thế về giá cả, mẫu mã, đặc biệt chất lượng tốt hơn hẳn so với các sản phẩm cùng chủng loại xuất xứ từ Trung Quốc, hàng Thái Lan đã được người tiêu dùng Việt Nam ngày càng ưa chuộng hơn.

Chị Nguyễn Thanh Hà, người dân ở Mỹ Đình (Hà Nội) cho biết, không phải là tâm lý sính ngoại nhưng sự thật là hàng Thái Lan nổi trội hơn hẳn hàng Việt Nam về chất lượng và mẫu mã, nhất là các sản phẩm đồ gia dụng, đồ nhựa, mỹ phẩm… nên chị thường xuyên tìm đến các cửa hàng tiện lợi của Thái Lan để mua hàng.

Chị Hà chỉ là một trong số rất nhiều người có tâm lý thích mua hàng Thái Lan đơn giản bởi chất lượng tốt và giá cả hợp lý, mẫu mã đẹp. Nắm được tâm lý này, nhiều cửa hàng tiện lợi bán hàng Thái Lan đã được mở ra tại nhiều tuyến phố ở Hà Nội. Theo chia sẻ của một chủ cửa hàng tiện lợi bán hàng Thái Lan trên phố Tây Sơn, Đống Đa, Hà Nội, cửa hàng mới mở được hơn một năm nhưng đã thu hút được một lượng khách lớn.

Trước đây chúng tôi có nhập cả hàng Trung Quốc nhưng hầu như không bán được nên chuyển hẳn chỉ kinh doanh hàng Thái Lan”. Thực tế cho thấy, hàng Thái Lan được người tiêu dùng Việt ưa chuộng bởi giá chỉ cao hơn các sản phẩm Việt từ 10 - 20%, nhưng lại rẻ hơn nhiều so với hàng hóa xuất xứ từ châu Âu mà chất lượng lại không thua kém.

Thách thức lớn

Không chỉ ở Hà Nội, hàng Thái Lan cũng đã thâm nhập vào nhiều tỉnh thành khác trên cả nước. Tại Đà Nẵng, chỉ tính từ đầu năm đến nay, các cửa hàng chuyên kinh doanh hàng Thái Lan mọc lên ngày một nhiều.

Chị Trần Thùy Trang, một chủ chửa hàng chuyên kinh doanh hàng Thái Lan ở quận Hải Châu, TP.Đà Nẵng cho hay, các sản phẩm Thái Lan được tiêu thụ rất nhanh, đặc biệt là các đồ gia dụng như nước rửa chén, xà bông thơm, sửa rửa mặt, khăn mặt, khăn tắm… Theo chị Trang, mặc dù giá cả cao hơn 15-20% so với hàng Việt Nam, nhưng từ lâu hàng Thái Lan đã được đánh giá cao về mặt chất lượng, mẫu mã nên tiêu thụ nhanh hơn so với các sản phẩm cùng loại xuất xứ từ các quốc gia khác.

Có thể thấy, với hàng loạt những ưu điểm nổi trội về chất lượng, giá cả, mẫu mã, hàng Thái Lan đang dần dần thay thế hàng Trung Quốc, thâm nhập nhiều hơn vào thị trường Việt Nam và được người tiêu dùng Việt Nam tin tưởng lựa chọn. Đáng chú ý, số liệu của Bộ Công thương cho biết, trong số các mặt hàng nhập khẩu tiêu thụ tại thị trường trong nước, tính về số lượng thì hàng xuất xứ từ Thái Lan đang đứng thứ hai sau hàng Trung Quốc.

Hiện sản phẩm may mặc, đồ dùng gia dụng do Thái Lan sản xuất đã có mặt tại gần 9.000 chợ trên cả nước và chiếm ưu thế so với những sản phẩm nhập khẩu từ các quốc gia khác, nhất là hàng điện tử, điện lạnh chiếm tới 70% thị phần, mặt hàng trái cây chiếm gần một nửa… Riêng tại Đà Nẵng, những mặt hàng “made in Thái Lan” chiếm khoảng 40% thị phần.

Những con số nói trên thực sự đang trở thành thách thức lớn đối với các DN Việt Nam, đặc biệt, khi làn sóng hội nhập đang ngày một mạnh mẽ, các hiệp định Thương mại tự do được ký kết… hàng loạt các dòng thuế bằng 0, nguy cơ hàng hóa nước ngoài trong đó có hàng Thái Lan lấn sân thị trường trong nước đã hiển hiện ngày một rõ rệt.

Ngược lại với sự sôi động của làn sóng hàng Thái Lan, hàng hóa trong nước vẫn chưa có nhiều cải thiện về mẫu mã, giá cả… Điều này, theo giới chuyên gia kinh tế sẽ trở thành rào cản khiến các DN Việt khó có thể giữ được sân nhà vì không thể cạnh tranh được với hàng Thái. Theo ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội các siêu thị Hà Nội, hiện nay, vấn đề giá cả không phải là tiêu chí hàng đầu của người tiêu dùng nữa, thay vào đó là chất lượng, mẫu mã, nên các sản phẩm chất lượng tốt, mẫu mã đẹp bao giờ cũng thu hút người mua.

Chính vì lẽ đó, các DN Việt Nam cần phải lấy tiêu chí chất lượng, mẫu mã là tiêu chí đầu tiên chủ động cải tiến mẫu mã sản phẩm nâng cao chất lượng mới có thể cạnh tranh…

Còn theo TS. Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, không lâu nữa, hàng Thái Lan sẽ nhanh chóng thay thế hàng Trung Quốc tại thị trường Việt Nam và trở thành đối thủ cạnh tranh trực tiếp với hàng Việt, bởi vậy, yêu cầu đặt ra đối với các DN Việt chính là phải tập trung đẩy mạnh việc nâng cao chất lượng sản phẩm, chủ động xây dựng hệ thống phân phối nếu không muốn bị người Thái lấn sân.

Theo Minh Phương

Đại đoàn kết

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên