MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bánh mứt kẹo không có nguồn gốc: Những món hàng quen mà sợ

27-01-2013 - 08:08 AM |

Cứ gần đến Tết năm nào cũng vậy. Hàng hóa ê chề, đủ loại trên trời dưới biển. Đặc biệt là bánh mứt kẹo, cái thứ không thể thiếu trong mỗi gia đình vào những ngày Tết.

 Lạ là nhiều loại bánh mứt kẹo, ô mai giá cả quá rẻ, có loại kẹo mềm có hơn chục nghìn một cân, bánh ngọt có mấy nghìn một gói… Đi tìm câu trả lời cho cái sự lạ này, chúng tôi đã đến nhưng nơi sản xuất các loại bánh kẹo rẻ tiền này. Và sau chuyến đi, thì không ai còn dám nghĩ đến chuyện mua bánh kẹo rẻ tiền nữa.

Giá rẻ giật mình

Ghé vào cửa hàng ở phố Hàng Buồm, bà chủ không hề có ý e dè, thậm chí giới thiệu nhiệt tình nguồn gốc các loại bánh-mứt-kẹo, kể cả hàng của Trung Quốc. Các loại kẹo dẻo, mềm, kẹo hoa quả có vỏ bọc sặc sỡ nhiều màu đều là hàng của Trung Quốc, ăn ngon, dẻo thơm, để được đến Tết sang năm mà không lo bị chảy nước, giá chỉ 35.000 đồng/kg. Còn các loại bánh, kẹo, mứt do các làng nghề truyền thống sản xuất giá nhỉnh hơn chút - từ 60.000- 90.000 đồng/kg, có loại chỉ hơn chục nghìn một kg. Các loại mứt được vun đầy bày trong chậu hoặc túi giấy không được che đậy, bày bán ở vỉa hè nườm nượp người, xe cộ qua lại.

Trên các chợ bán buôn, các loại bánh quy, bánh sữa kem với nhãn toàn tiếng Trung Quốc, không có nhãn phụ, không ghi ngày sử dụng giá chỉ từ 25.000 - 35.000 đồng/kg, các loại kẹo dẻo, bắp dẻo, rau câu có giá từ 30.000 - 40.000 đồng/kg, kẹo đậu phộng, kẹo me được chào giá cao hơn, từ 60.000 - 80.000 đồng/kg. Các loại hạt như hạt dưa, hạt hướng dương cũng có giá từ 55.000 - 70.000 đồng/kg tùy loại.

Hiện hạt bí tại chợ Đồng Xuân, Hà Nội có giá 170.000 đồng/kg loại nhỏ, loại nhỡ 180 nghìn đồng/kg, loại to nhất 200.000 đồng/kg (tăng từ 50 đến 60.000 đồng/kg so với năm ngoái). Hạt hướng dương sấy chỉ có giá 55.000 đồng/kg , hạt hướng dương trắng tẩm gia vị có giá 60.000 đồng/kg, hướng dương sống có giá 55.000 đồng/kg. Một số loại hạt cao cấp như hạt dẻ cười, hạt điều, hạt sen sấy có giá từ 270.000 đồng đến 300.000 đồng tùy từng loại. Đặc biệt các loại bánh kẹo mứt có giá cực rẻ, 3.000 đồng đã có thể mua được một gói bánh bích quy.

Trong khi đó, tại các cơ sở có đăng ký VSATTP, hoặc các nhà máy lớn, các hãng bánh kẹo uy tín như Kinh Đô, Hà Nội, Tràng An... giá bánh mứt kẹo cùng loại cao hơn hàng chợ từ 3 đến 5 lần. Vấn đề tại sao hàng chợ lại có thể rẻ như vậy?

Những bánh mứt kẹokhông bảo chứng

Nằm sát nội ô Hà Nội là làng mứt nổi tiếng Xuân Đỉnh với hàng trăm hộ dân cùng hàng chục doanh nghiệp làm mứt Tết. Làng thơm mùi đường, mùi va ni, mùi chua của các loại hoa quả. Mỗi năm hàng trăm tấn mứt, bánh kẹo đã được sản xuất từ đây. Nhưng đi vào từng công đoạn sản xuất trong các “xưởng” thực ra là các nhà tạm hoặc đơn giản hơn là những gian bếp của các hộ dân, mới thấy ở đây quan tâm đến an toàn ATVSTP thật ra là quan tâm đến đợt kiểm tra của các chức năng chứ không ai quan tâm đến sản phẩm của mình gây hại cho người tiêu dùng như thế nào.

Công đoạn chuẩn bị nguyên liệu có thể coi là mất vệ sinh tuyệt đối. Bí đao được gọt vỏ, thái nhỏ, ngâm nước vôi và phơi cho se trên những tấm bạt rách nát, bẩn thỉu ở bất kỳ chỗ trống nào, không che đậy. Các loại hoa quả khác để làm mứt cũng vậy. Bụi và ruồi là bạn của các loại nguyên liệu này, chưa kể các loại chuột bọ khác. Quan trọng hơn hầu hết các phụ gia để sản xuất đều là phụ gia không có nguồn gốc. Và cuối cùng là nơi sản xuất hoàn toàn không đảm bảo vệ sinh với những dụng cụ cáu bẩn không được cọ rửa thường xuyên, công nhân không được kiểm tra sức khỏe cũng như vệ sinh cá nhân đúng quy định.

Làng La Phù (huyện Hoài Đức - Hà Nội) là một trong những “thiên đường bánh kẹo”, các sản phẩm ở đây rất đa dạng phong phú về chủng loại, giá cả... Con đường làng trung tâm xã La Phù rộng rãi nhưng thời điểm này luôn luôn tắc nghẽn bởi những chiếc xe tải tấp nập vào lấy hàng, còn phía trong các xưởng hoạt động bí mật, cửa sắt đóng kín mít tách biệt với bên ngoài. Nguyên - hương liệu làm kẹo đều là hàng của Trung Quốc, hóa chất tất cả được nhập từ những mối hàng quen trên chợ Đồng Xuân, được đóng thành từng bao tải lớn màu trắng không nhãn mác địa chỉ sản xuất, thời hạn sử dụng... Bên ngoài mỗi bao chỉ vẻn vẹn có dòng chữ ghi tên từng loại cho người pha chế dễ nhận biết, và hầu hết được vận chuyển về xưởng vào ban đêm.

Hiện tại toàn xã Dương Liễu (Hoài Đức, Hà Nội) có hơn 100 cơ sở sản xuất thực phẩm, bao gồm cả loại hình doanh nghiệp, công ty liên kết lẫn sản xuất hộ gia đình. Ở đây sản xuất tất cả các loại bánh mứt kẹo thị trường có nhu cầu với tất cả nhãn mác khách hàng muốn, kể cả các loại nhãn hàng sang trọng nổi tiếng thế giới. Trên bãi sông Đáy, từng dãy nhà kho lớn với hàng trăm bao bột, can dầu, tinh dầu phẩm màu... tất cả đều không có nhãn mác, tương tự như các nơi khác hầu hết là các nguyên liệu nhập lậu từ Trung Quốc. Ở đây còn nổi tiếng bởi có một đại lý bán dầu ăn làm nguyên liệu sản xuất bánh kẹo với giá rẻ giật mình hơn 20.000 đồng một lít…

Nhưng đó chỉ mới là các làng nghề sản xuất tập trung, trên cả nước còn có hàng nghìn hộ sản xuất cá thể, có và không có đăng ký kinh doanh tham gia sản xuất bánh- mứt- kẹo phục vụ Tết Nguyên đán và có thể nói không thể kiểm tra VSATTP tại các cơ sở này.

Và bánh mứt kẹo Trung Quốc nhập lậu

Dạo qua những điểm chuyên kinh doanh bánh-mứt-kẹo như Hàng Buồm, Hàng Giầy, chợ Đồng Xuân, các loại bánh kẹo bày bán hầu hết bao bì, ngoài vỏ đều in chữ Trung Quốc. Một số loại đựng trong các bao nylon cũng chỉ có mảnh giấy nhỏ in tên một số cơ sở nhỏ lẻ sản xuất, nhưng không hề có thành phần, nguyên liệu, phụ gia, hạn dùng... Thậm chí, một số loại tồn đọng từ năm trước vỏ nhàu nhĩ, bám đầy bụi bẩn... Khi được hỏi xuất xứ các loại hạt và bánh kẹo này, hầu hết các chủ sạp đều cho rằng, kẹo được sản xuất trong nước, tuy nhiên, nhiều nhãn bánh mứt toàn tiếng Trung Quốc, tiếng Thái Lan, không hề có nhãn phụ bằng tiếng Việt ghi thông tin cần biết về sản phẩm.

Cổng sau chợ Đồng Xuân là “thủ phủ” của các loại hạt. Tại đây, người tiêu dùng có thể “vô tư” chọn cho mình những loại hạt “nhấm nháp” phù hợp với sở thích của gia đình vào dịp Tết: sen sấy, hạt điều sấy, hạt bí, hạt dẻ cười, hạt hướng dương, hạt dẻ rừng…

Theo các tiểu thương tại đây, so với các năm trước, năm nay hạt bí vẫn là lựa chọn của nhiều gia đình vì giá cả phù hợp và đây được coi là hàng Việt Nam “xịn”. Tuy nhiên theo dư luận, hạt bí hiện nay Trung Quốc cũng đã sản xuất, giá lại còn rẻ hơn Việt Nam. Từ Tết 2010, hạt dưa đã được đưa vào danh sách “hàng cấm” nên đến Tết năm nay trên các quầy hàng ở Hà Nội vắng hẳn loại hạt có màu đỏ may mắn này. Tuy nhiên nếu khách hàng cần mua, chỉ cần nói nhỏ với chủ quầy thì vẫn có thể mua bao nhiêu cũng có, dĩ nhiên phải đặt tiền lấy hàng sau.

Một chủ cửa hàng tại phố Hàng Giầy xởi lởi giới thiệu: “Hàng nhà chị đều là loại đặc biệt, lấy chỗ quen biết, giá cả phải chăng, hướng dương hạt to, đều loại đen giá 60.000 đồng/kg, loại trắng đắt hơn 10.000 đồng/kg. Nếu không ưng hướng dương thì lấy hạt bí giá cao hơn nhưng cũng toàn loại đặc biệt cả, đảm bảo để bao lâu cũng không sợ mốc. Hạt dẻ là hàng Cao Bằng xịn đấy nhé”. Tuy nhiên theo điều tra của người viết, hầu hết các loại hạt này đều là hàng Trung Quốc. Ngày nào cũng có hàng chục ô tô chuyên chở hàng hóa từ biên giới về vì vậy hàng bán trong chợ Đồng Xuân đa phần là hàng Trung Quốc. Đừng thấy người ta giới thiệu hàng Việt chất lượng cao mà vội tin, toàn hàng Trung Quốc cả đấy. Đến ở Cao Bằng còn ít khi mua được hạt dẻ Cao Bằng, thì lấy đâu hàng mà bán ở chợ Đồng Xuân nhiều thế.

Nguy hại cho người tiêu dùng

Như vậy câu trả lời về việc tại sao hàng chợ lại có giá rẻ giật mình đã có. Giá rẻ vì sử dụng nguyên liệu không đảm bảo chất lượng, quy trình sản xuất không tuân thủ các quy định về VSATTP, sử dụng các phụ gia cấm.

Thực trạng bánh kẹo không rõ nguồn gốc bày bán tại các chợ là nguy hiểm. Theo các chuyên gia về VSATTP, các loại bánh, kẹo này chủ yếu là hàng nhập tiểu ngạch từ Trung Quốc hoặc sản xuất gia công tại Việt Nam nên không được các cơ quan chức năng kiểm soát về chất lượng. Các nguyên liệu sản xuất các loại bánh, kẹo này thường không đảm bảo yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm, sử dụng phẩm màu công nghiệp, đường hóa học, chất bảo quản không được phép sử dụng...

Vì thế, ăn những loại bánh, kẹo cân có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, ngộ độc cho người sử dụng. Chính những người bán những loại bánh, kẹo này tiết lộ, không hiểu các loại kẹo được sử dụng chất bảo quản gì mà bán không hết để Tết sang năm vẫn đẹp mã, không hề chảy nước. Người mua hàng không thể biết kẹo mới hay cũ. Trước tình trạng trên, lời khuyên của các chuyên gia thị trường là hãy chọn sản phẩm chất lượng của những thương hiệu uy tín trong nước. Người tiêu dùng không nên vì giá rẻ mà mua hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ cũng như không đảm bảo chất lượng, VSATTP.

Theo Việt Trần
ANTĐ

hangnt

Trở lên trên