Cận Tết: Sức mua "lạnh", giá cả lại tăng "nóng"
Dù đến hôm qua (16.1), nghĩa là chỉ còn 2 tuần là tết nhưng sức mua trên thị trường vẫn nguội lạnh. Trái ngược, giá cả hàng hóa lại tiếp tục tăng lên với lý do giáp tết.
Hàng tết chất đống...
Ghi nhận của chúng tôi tại các chợ, cửa hàng trên địa bàn Hà Nội cho thấy, lượng hàng hóa phục vụ tết đã được bày bán ngày một nhiều và khá đa dạng. Hàng nào cũng tích trữ lượng lớn hàng hóa tết, từ vàng mã, bánh mứt kẹo, quần áo, nồi niêu xoong chảo; thôi thì đủ cả không thiếu thứ gì.
Chị Vũ Lan bán hàng khô tại chợ Ngọc Hà (quận Ba Đình) cho biết, giờ hàng hóa tết chất đống là đúng thời điểm, vì chỉ còn 2 tuần nữa là Tết Nguyên đán, sức mua sẽ chỉ tăng mạnh vào 2 tuần này mà thôi, ai đắt hàng thì sẽ bán hết, không sẽ phải ra giêng mới bán được. Theo chị Hà, giá cả 2 tuần này sẽ tăng lên là khó tránh khỏi, vì "làm ăn buôn bán cả năm chỉ chờ có lúc này mới "kiếm" được tí chút, hàng nhiều thì nhiều, còn giá tăng sẽ vẫn cứ tăng"-chị Hà tiết lộ.
Tại chợ này, các mặt hàng khô như tôm khô, hạt dẻ, hạt dưa, nấm… tiếp tục nhích tăng thêm từ 5.000-10.000 đồng/kg, chưa kể trước đó, giá đã tăng khoảng 10-20% so với ngày thường. Chỉ tay vào số nấm đông cô, chị Hà cho biết, chị đã bán với giá tăng hơn 20.000 đồng/kg so với cách đây một tuần. Như giá nấm hương đã leo lên mức 400.000 đồng/kg, tôm khô ngon cũng lên đến 800.000 đồng/kg. Giá các loại hạt như hạt bí, hạt điều, hướng dương tăng khoảng 10%; các loại mứt hạt sen, mứt dừa, mứt bí tăng khoảng 10-15%. Riêng mặt hàng dầu ăn, nước mắm, bột ngọt cũng tăng từ 5-10%.
Tại chợ Đồng Xuân, giá cả của nhiều mặt hàng cũng đã bắt đầu tăng. Bà Hoàng Loan-tiểu thương tại chợ Đồng Xuân cho biết, phải đến 23 tháng Chạp (Tết ông Công ông Táo) thì sức mua mới có khả năng tăng mạnh, giá cả hàng hóa còn có thể tăng thêm khoảng 5-10% nữa.
Tại các chợ khác, như chợ Mơ (Hai Bà Trưng), chợ Kim Liên (Đống Đa)... theo ghi nhận, giá nhiều mặt hàng cũng đã bắt đầu tăng. Tăng rõ nhất là rau, củ quả đã tăng từ 3 - 5%; riêng thực phẩm như thịt lợn, bò, thủy hải sản có thời điểm đã tăng tới 7- 10% so với cách đây 1 tháng...
Đào, quất phố cũng "hét" giá...
Cùng với hàng hóa thiết yếu tết thì các loại hoa tết năm nay cũng đã "hét" giá khá mạnh dù người mua mới chỉ xem và ngắm là chính. Thời tiết tết năm nay được dự báo là rét nên người bán đào, quất "vỉa hè, góc chợ" tỏ ra lạc quan về giá. Anh Trần Hồng Anh quê Hưng Yên bán đào tại đầu phố Vũ Thạnh "hét" một cành đào khá đẹp là 400.000 đồng, nhưng tiết lộ nếu ai trả giá 200.000 thì sẽ bán.
Anh Phạm Văn Dũng-chủ vườn đào Dũng Nga ở Nhật Tân chia sẻ: Năm nay đào cho hoa đẹp nên giá có thể tăng từ 5 -10% so với năm ngoái. Vườn đào nhà tôi đã có khoảng 90% gốc đào khách đã đặt. "Nhiều chủ vườn đào đã bán đào sớm cho người bán dạo, thôi thì giá phụ thuộc vào việc bán-mua, nhưng đa số người bán đào dạo mua đào không quá đắt, có cành chỉ vài chục nghìn, nếu khéo bán thì họ có thể bán vài trăm"-anh Dũng nói.
Khác với đào, quất năm nay có vẻ kém hơn, quả nhỏ và không đều như mọi năm, nhưng giá thời điểm này cũng không rẻ. Quất phố sẽ đông từ ngày 20 tháng Chạp. Sớm thì người bán thách giá vài trăm một cây, cũng có cây quất phố cả triệu. "Với đào quất thì chơi là chính nên người bán không bán được giá thì cũng vui vẻ "để đấy" chứ không chịu hạ giá"-anh Trần Hữu Mai-một chủ vườn quất ở Phủ Tây Hồ cho biết.
"Năm nay, tôi đoán người mua có xu hướng gia tăng chọn mua loại quất nghệ thuật, được trồng sẵn trong bình gốm hoặc đất nung nên dễ thích nghi với thời tiết. Những bình quất này khá nhỏ, gọn, có thể đặt trang trí trên bàn, nhưng giá của một bình quất trung bình đã là 2 triệu đồng"-anh Mai nói.
Sở Công Thương TP. Hà Nội cho biết, tổng giá trị hàng hóa mà các doanh nghiệp sản xuất, dự trữ và cung ứng cho thị trường trong 2 tháng trước, trong và sau tết là hơn 7.500 tỷ đồng, tăng hơn 40% so với tết năm ngoái. Với nguồn hàng hóa này, hy vọng năm nay, giá cả tại thủ đô sẽ không quá leo thang một cách bất thường.
Theo Mai Nguyễn