Đã thu hồi 80% lượng sữa nhiễm khuẩn
Đến chiều 6-8, vẫn chưa có kết quả kiểm nghiệm chất lượng sữa nhiễm khuẩn của New Zealand từ Viện Kiểm nghiệm Vệ sinh An toàn Thực phẩm Quốc gia.
- 07-08-2013Người tiêu dùng hoang mang vì thực phẩm bẩn, sữa nhiễm khuẩn
- 06-08-2013Sữa nghi nhiễm khuẩn vẫn tràn lan trên các phố bán hàng xách tay
- 06-08-2013Doanh nghiệp nháo nhào níu chân khách mua sữa
- 06-08-2013Vi khuẩn C. botulinum trong sữa có thể gây tử vong
- 06-08-2013Thu hồi sữa nghi nhiễm khuẩn: Người tiêu dùng có được hỗ trợ, đền bù?
Một cuộc đua khác của các hãng sữa
Rõ ràng, sự việc sản phẩm sữa có nguy cơ nhiễm khuẩn độc đang gây tác động rất lớn đến tâm lý người tiêu dùng khiến các hãng sữa nội lẫn ngoại như “ngồi trên đống lửa”, bởi vừa phải rà soát lại toàn bộ kho hàng từ khâu nhập liệu đến sản xuất, phân phối; vừa phải gửi thông cáo báo chí đến giới truyền thông cập nhật tình hình và trấn an dư luận, giữ uy tín thương hiệu.
Ông Đỗ Thái Vương, Giám đốc đối ngoại của Abbott Nutrition Việt Nam, cho biết tính đến hết ngày 5-8-2013, công ty đã thu hồi 11.653 thùng trong lô sữa nghi nhiễm khuẩn trên thị trường gần 90% lượng hàng đã bán ra và tiếp tục thu hồi hết trong thời gian sớm nhất có thể.
Ông T., chủ một cửa hàng bán lẻ ở quận Gò Vấp (TP.HCM), kể nhân viên của Abbott đã hướng dẫn nếu người tiêu dùng nào đến đổi sản phẩm mà số lô trùng khớp với lô hàng bị nhiễm thì cửa hàng ghi nhận thông tin của khách hàng, sau đó nhân viên Abbott đến tận nhà khách hàng để thực hiện trả đổi. Trường hợp khách hàng không đổi được sản phẩm tại điểm mua thì liên hệ trực tiếp qua điện thoại 19001519, Abbott sẽ cử nhân viên trực tiếp đến nhà.
Đặc biệt, với trường hợp khách hàng đã sử dụng phải sản phẩm bị nghi nhiễm khuẩn độc, ông Vương khẳng định: “Nếu kiểm tra sức khỏe mà bác sĩ kết luận nguyên nhân là do sử dụng sữa của Abbott thì hãng sẵn sàng chịu trách nhiệm”.
Hôm qua (6-8), bà Đặng Thị Tú Anh, đại diện Công ty Danone Việt Nam, cho biết qua kiểm tra, Danone Việt Nam phát hiện một lô hàng duy nhất số 300513R1 là sản phẩm Dumex Gold bước 2 loại 800 gr cho trẻ 6-12 tháng, sản xuất vào ngày 30-5-2013, là có nguy cơ nhiễm Clostridium Botulinum do sử dụng nguyên liệu do Fonterra (New Zealand) cung cấp. Có 615 thùng đã được nhập về Việt Nam và chuyển giao đến nhà phân phối từ ngày 22-7-2013 đến ngày 1-8-2013.
Danone Việt Nam cho biết khách hàng đã mua sản phẩm trùng khớp với số hiệu trên được đổi miễn phí. Ghi nhận tại một số cửa hàng nhỏ ngày hôm qua cho thấy vẫn còn bày bán sản phẩm Dumex Gold bước 2. Các chủ cửa hàng cho biết họ chưa hề nghe nhân viên tiếp thị đến thông báo gì.
Cùng ngày, các hãng sữa khác cũng đồng loạt lên tiếng.
Đại diện Mead Johnson khẳng định không có bất kỳ sản phẩm nào bị ảnh hưởng bởi hãng không mua đạm cô đặc Fonterra. Ông Vũ Quốc Tuấn, Giám đốc Đối ngoại Nestlé Việt Nam, cũng khẳng định tương tự. Cục An toàn thực phẩm còn cho biết các hãng sữa Meiji, Vinamilk, Nutifood, TH True Milk đều báo cáo nguyên liệu đạm cô đặc nhập về không liên quan đến Fonterra (New Zealand).
Nguy cơ không quá
nghiêm trọng
Như vậy, chỉ có hai loại sản phẩm của 11 lô sản phẩm là sữa Similac Gain Plus Eye-Q dành cho trẻ từ một đến ba tuổi và sữa Dumex Gold cho trẻ từ sáu đến 12 tháng tuổi là yêu cầu phải thu hồi tại Việt Nam.
Theo ông Trần Quang Trung, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, số lượng hai loại sữa trong các lô sản phẩm nêu trên tại nước ta không nhiều vì mới đưa về Việt Nam khoảng tháng 6, tháng 7 năm 2013. “Lúc này các cửa hàng còn tập trung bán các lô sữa cũ; có cửa hàng còn chưa kịp đưa lên quầy giới thiệu sản phẩm mới nên lượng người mua và sử dụng lô sản phẩm này không nhiều lắm. Các công ty sữa đang rất tích cực thu hồi sản phẩm sữa nhiễm khuẩn. Trong vòng 48 tiếng, đã thu hồi được 80% các sản phẩm đưa ra thị trường” - ông Trung nói.
Bên cạnh đó, ông Trung cho rằng sản xuất sữa bột phải qua quá trình sấy khô nên nguy cơ gây hại của khuẩn này trong sữa bột không quá nghiêm trọng. Ông khuyến cáo: “Quý phụ huynh đã cho con sử dụng hai loại sản phẩm này thì phải rất chú ý đến tình trạng của trẻ. Nếu bị nhiễm, trẻ có thể bị rối loạn viêm dạ dày, ruột với các biểu hiện rối loạn tiêu hóa, nôn, tiêu chảy nhiều lần và có thể gây khó nuốt, đồng tử hơi giãn và nghiêm trọng nữa là có dấu hiệu liệt”.
Thông thường vi khuẩn Clostridium Botulinum ủ bệnh sau 24 tiếng, muộn quá là 36 tiếng. Với trẻ dưới một tuổi, sức đề kháng còn yếu nên có thể bị sớm hơn. “Thực ra từ khi xảy ra sự cố đến nay, các nước trên thế giới chưa có báo cáo nào về việc xảy ra trường hợp bị bệnh do sử dụng các sản phẩm này. Vì vậy, một số người Việt Nam đã cho các con mình sử dụng các lô sản phẩm này không nên quá lo lắng” - ông lưu ý.
Bên cạnh đó, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng, cho biết Hội sẽ theo sát vụ việc này để tiếp nhận phản hồi của người tiêu dùng và sẵn sàng đứng ra bảo vệ quyền lợi xứng đáng cho người tiêu dùng nếu họ thực sự bị xâm hại.
Theo Luật Bảo vệ người tiêu dùng, có hai hệ thống cơ quan đứng ra tiếp nhận và giải quyết khiếu nại tố cáo. Đó là hệ thống cơ quan nhà nước bao gồm Cục Quản lý cạnh tranh, Sở Công Thương các địa phương và các chi hội tiêu chuẩn bảo vệ người tiêu dùng.
Thông tin thêm về đạm cô đặc Đạm cô đặc (whey protein concentrate) là sản phẩm có nguồn gốc từ sữa, được tách ra trong quá trình sản xuất pho mát. Đạm cô đặc chứa 30%-80% protein tùy thuộc vào sản phẩm. Đạm cô đặc sau khi được tách ra từ quá trình sản xuất pho mát được loại bỏ bớt một số thành phần như đường, natri, cholesterol, carbohydrate và chất béo sau đó được cô đặc và sấy khô. Đạm cô đặc có giá trị dinh dưỡng rất cao, được xem như tiêu chuẩn vàng về dinh dưỡng và rất dễ tiêu hóa. Những sản phẩm có nguồn gốc đạm cô đặc được sử dụng rộng rãi trong công nghiệp thực phẩm. Theo PGS-TS LÂM XUÂN THANH, Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, ĐH Bách Khoa Hà Nội Huy Hà |
Theo T.Uyên – T.Ngọc – H.Hà