MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp mía đường trong nước: Bất lực chống đường lậu

24-07-2013 - 09:35 AM |

Đường tồn kho đến mức báo động, trong khi đường lậu mặc sức thao túng thị trường. Chưa bao giờ DN mía đường lâm vào khốn khó như hiện nay khi vẫn chưa có phương án đối phó triệt để với đường nhập lậu.

Hàng trăm nghìn tấn đường lậu tràn vào VN mỗi năm, song số lượng đường bị bắt giữ chỉ vài trăm tấn.

Đường lậu thao túng

Theo thông báo của ông Nguyễn Thành Long - Chủ tịch Hiệp hội Mía đường VN (VSSA), hơn 500.000 tấn đường đang tồn kho tại các nhà máy đường là số liệu thực tế chứ không phải là số liệu báo cáo để xin chính sách. “Đường tồn kho lớn do niên vụ mía đường năm nay, nguồn cung thừa so với nhu cầu sử dụng. DN thương mại không bán được đường nên không thể tiếp tục lấy đường trong nhà máy. Vòng luẩn quẩn này đang tiếp diễn. Trong khi đó, đường lậu Thái Lan vẫn tràn sang VN mỗi ngày.” – ông Long nói. 

Theo thông tin từ Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), 6 tháng đầu năm 2013 chỉ bắt giữ được khoảng 700 tấn đường lậu từ TL. Lượng đường lậu bị bắt giữ trong vòng 3 năm qua chỉ đạt con số tổng cộng gần 1.300 tấn. Trong khi đó, lượng đường nhập lậu từ nước này được VSSA ước tính không dưới 500.000 tấn mỗi năm. 

Các cán bộ chủ chốt VSSA đều lần lượt đưa ra những dẫn chứng cho thấy lý do khiến đường TL dễ dàng thao túng thị trường VN vì giá rẻ hơn. Theo đó, trong chuỗi giá trị 1kg đường, người sản xuất đường ở nước này không phải nhập khẩu các chất phụ gia như VN, mức lãi suất vay vốn ngân hàng chỉ 3,5 – 5%/năm, giá phân bón cũng không chịu mức quá cao như ở VN. 

Cục trưởng Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NNPTNT) Đoàn Xuân Hòa cũng cho biết: “VN chưa thể đủ sức cạnh tranh với ngành đường TL. Họ có ba chế độ quota A, B và C. Quota C là khi đường đã đủ cung ứng trong nước và XK, DN có thể tự do buôn bán không cần tính thuế. Lượng đường này dễ dàng nhập vào VN như một nguyên lý dễ hiểu là “nước chảy chỗ trũng”. Giải phóng hàng tồn kho nhanh nhất của TL chính là thẩm lậu sang VN”.

Loay hoay giải pháp 

Ông Nguyễn Văn Lộc - Phó Chủ tịch (PCT) VSSA - khẳng định, ngay cả trong thời điểm khó khăn nhất, các nhà máy vẫn đảm bảo giá mía thu mua thấp nhất cho nông dân là 900 – 1.000đ/kg mía. “Nhà máy đường đã bảo hộ cho nông dân, nhưng chưa ai “bảo hộ” cho chính các nhà máy, trong khi bản thân họ mới là đối tượng chịu rủi ro cao nhất” – ông Lộc nói. 

Để tháo gỡ khó khăn trước mắt, ông Đỗ Thanh Liêm – PCT VSSA đề nghị: “Bộ Công Thương cho phép xuất khẩu 200 ngàn tấn đường, tuy nhiên đây chỉ là cách tháo gỡ khó cho đường RS chứ không cho đường tinh luyện RE vì sợ thiếu cung cho thị trường nội địa. Thực tế lượng đường xuất khẩu chưa được một nửa chỉ tiêu cho phép. Đường RS vẫn còn tồn trong kho. Vì vậy đề nghị bộ tiếp tục gia hạn cho xuất khẩu đến tháng 12.2013, kéo dài thời gian cấp nhập khẩu 75.000 tấn đường theo hạn ngạch tới cuối tháng 9 mới thực hiện”.

Với cuộc chiến chống đường lậu, ông Đỗ Thanh Lam - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường - Bộ Công Thương cho biết, phương thức, thủ đoạn buôn lậu ngày càng tinh vi, trong khi lực lượng chức năng khá mỏng, vì vậy phải làm tốt công tác điều tra, trinh sát, đồng thời làm rõ phương thức thủ đoạn của đối tượng buôn lậu, từ đó có phương thức xử lý. 

“Bên cạnh đó, làm thế nào phối hợp tốt giữa các lực lượng chức năng, xây dựng cơ chế chính sách trong vấn đề xử lý vi phạm, có hình thức xử lý răn đe kịp thời, làm tốt công tác giáo dục chính trị, làm tốt nhiệm vụ được giao, không nhũng nhiễu, tiêu cực. Sự vào cuộc chặt chẽ của DN và VSSA cũng là yếu tố quan trọng để cơ quan chống buôn lậu làm tốt hơn phần việc của mình” – ông Lam nói.

Theo Dương Hà

khanhnt

Báo lao động

Trở lên trên