Đội mác “Made in Vietnam” để móc túi khách hàng
Nhiều sản phẩm may mặc không rõ xuất xứ hoặc của Trung Quốc đang được bán trên thị trường với cái tên “Made in Vietnam”.
Lợi dụng sự tin tưởng của người tiêu dùng với các mặt hàng thương hiệu “made in Vietnam”, đang có không ít cửa hàng trà trộn hàng nhái, hàng kém chất lượng để tăng giá bán và thu hút khách hàng.
Chị V.T.H, nhân viên văn phòng trên phố Bà Triệu, mấy năm trở lại đây đều chọn mua các sản phẩm thời trang “made in Vietnam” cho cả gia đình. Do kiểu dáng đẹp, giá cả phù hợp nên các sản phẩm bày bán trong những cửa hàng “Made in Vietnam” luôn được chị tin tưởng bởi chất liệu tốt và an toàn hơn hàng Trung Quốc.
Trong một lần gần đây, chị có mua chiếc áo len ở một cửa hàng “Việt Nam xuất khẩu” phố Nguyễn Bỉnh Khiêm với giá 300.000 đồng. Chị cho biết chiếc áo này chẳng biết của hãng nào, mác phía bên cạnh sườn áo đã có dấu hiệu bị cắt.
Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau đó, một đồng nghiệp của chị lại cho biết đã thấy 1 chiếc áo y hệt của chị, cùng chất liệu, màu sắc cũng như kiểu dáng ở một cửa hàng chuyên bán đồ Quảng Châu (Trung Quốc) trên phố Nguyễn Khuyến. Chiếc áo ở cửa hàng này cũng không hề có mác ở cổ áo giống như chiếc của chị Hạnh, mác ở sườn áo có in “Made in China” và mức giá chỉ 220.000 đồng.
Để giải đáp cho những nghi hoặc của mình, chị V.T.H đã quay lại cửa hàng trên phố Nguyễn Bỉnh Khiêm để kiểm tra lại và hy vọng mình đã nhầm. Tuy nhiên, toàn bộ lố áo cùng kiểu với chiếc áo mà chị đã mua đều bị cắt nhãn mác. Chị V.T.H hỏi chủ cửa hàng lý do tại sao mác lại bị cắt, người chủ cửa hàng trả lời khá gay gắt rằng, “em hỏi thế thì chị trả lời sao? Nó xuất thì nó cắt đi chứ sao” và “hàng xuất thì thường xuyên cắt mác, vì nhiều khi hàng xuất là hàng ăn trộm ăn cắp nên cắt mác mới mang được ra ngoài, chứ không có mà xuất sang tận nước nào rồi, chứ chả có hàng ở đây đâu mà bán.”
Cũng tại cửa hàng này, một lô áo len khác lại có đầy đủ nhãn mác. Song nếu chỉ nhìn những thông tin được in trên mác thì cũng không hiểu chiếc áo này có xuất xứ như thế nào.
Đem câu chuyện của mình chia sẻ với những người khác, đồng nghiệp của chị V.T.H cho biết chị cũng gặp trường hợp tương tự. Mấy hôm trước chị đến một cửa hàng “Việt Nam xuất khẩu” trên mặt phố Giảng Võ và mua một chiếc áo dạ được người bán giới thiệu là hàng “Việt Nam xuất Anh”. Tuy nhiên, khi về đến nhà, kiểm tra kỹ thì thấy mác áo nhỏ bên cạnh sườn áo lại in “Made in China” (?!).
Lừa người Việt Nam dùng hàng… Trung Quốc
Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã chính thức bước sang năm thứ năm. Nhìn lại 4 năm qua, hàng Việt đã dần dần đi vào cuộc sống và được người dân tự nguyện chấp nhận. Nhiều người đã thực sự yên tâm khi nhìn thấy dòng chữ “Made in Vietnam” hay “Việt Nam xuất khẩu” có mặt đâu đó trên các tuyến phố, và xem đây là một giá trị đảm bảo của sản phẩm.
Nhưng cũng chính vì tâm lý muốn bán được nhiều hàng và phục vụ được nhu cầu ưa chuộng hàng “made in Vietnam” ngày càng tăng của người tiêu dùng mà nhiều chủ cửa hàng quần áo đã “phù phép” các sản phẩm không rõ xuất xứ, sau đó gắn mác “xịn” lên những sản phẩm này, rồi treo biển “Made in Vietnam”.
Chị T, một chủ shop bán hàng online khá nổi cho biết, “hàng xuất xịn thường hiếm và không đủ mẫu, thông thường các shop sẽ lấy hàng lên (hàng Việt Nam làm nhái các mẫu quốc tế) hoặc hàng Trung Quốc để trộn vào rồi bán. Bên Quảng Châu còn có nguyên xưởng gia công quần áo và sản xuất nhãn mác “Made in Vietnam”.”
Những chiếc mác “xịn” này, không cần sang Trung Quốc cũng có thể dễ dàng tìm thấy ngay tại phố Hàng Bồ, khu phố chuyên bán phụ kiện may mặc trên địa bàn Hà Nội. Mác quần áo của các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới được ưa chuộng tại Việt Nam đều có tại đây. Chỉ với giá 50.000 đồng khách hàng đã có thể mua 1 tập nhãn mác khoảng 100 chiếc. Với số mác này, các chủ buôn đã có thể biến quần áo của mình thành hàng “hiệu”.
Trước tình trạng hàng giả hàng nhái ngày càng trở nên phổ biến như hiện nay, nếu các doanh nghiệp sản xuất hàng có thương hiệu trong nước và các cơ quan chức năng không sớm vào cuộc ngăn chặn tình trạng trên, thì trong tương lai rất gần người tiêu dùng Việt sẽ mất niềm tin vào thương hiệu “Made in Vietnam”./.
Theo Thùy Anh