Đũa tẩm hoá chất: dùng một lần, hại cả đời
Để chống nấm mốc và làm đũa trắng, cơ sở sản xuất sử dụng nhiều cách như sấy khô, dùng hoá chất. Sấy khô ít được sử dụng vì giá thành cao, mất nhiều thời gian nên dùng hoá chất là cách phổ biến hơn.
Thêm một nỗi lo cho người dân đang ngập chìm giữa bao thực phẩm độc hại: kết quả kiểm tra trong tháng 7 này của chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM với mẫu đũa tre loại dùng một lần đã phát hiện hoá chất sodium sunfite có hàm lượng 87,4 – 183,2ppm, và sulfure dioxide với hàm lượng 44,4 – 93ppm.
Kết quả trên đã làm nỗi lo về thông tin cách nay vài tháng quay lại: đũa dùng một lần sản xuất từ Trung Quốc sử dụng các chất gây ung thư.
Vô tư mua bán
Trong vai một dân buôn ở miền Tây Nam bộ lên TP.HCM mua sỉ đũa dùng một lần về bán lẻ cho các quán ăn bình dân, chúng tôi tìm đến chợ Bà Chiểu và chợ Tân Định. Một tiểu thương trong chợ Bà Chiểu cho biết đũa dùng một lần hiện bán chạy là hàng nhập vì rẻ, kiểu dáng đa dạng, kích thước đều, mẫu mã bắt mắt, để lâu không bị mốc meo như hàng trong nước…
Vừa nói, tiểu thương này vừa lấy trên kệ hàng xuống một số đũa đã đóng gói sẵn, trên bao bì in tiếng Trung Quốc. “Loại này em nhìn đẹp không? Chỉ có 18.000 đồng một gói 50 đôi, mấy tiệm ăn họ chuộng dữ lắm”, chị tiểu thương đon đả. Khi chúng tôi nói đũa của Trung Quốc vừa bị phát hiện tẩm hoá chất độc hại thì chị gạt ngang: “Hàng Trung Quốc cũng có năm bảy loại. Hàng chị lấy toàn của chỗ uy tín. Chị bán ở đây cả chục năm trời, có chết ai đâu”.
Tại chợ Tân Định, đũa dùng một lần đóng sẵn từ 5 – 10 kg/gói, bán với giá 30.000 – 60.000 đồng/gói. Trên bao bì không có thông tin địa chỉ nơi sản xuất, hạn sử dụng… Theo lời nhân viên bán hàng, đũa dùng một lần hiện được các quán ăn, nhà hàng, đám cưới… chọn mua cho thực khách dùng vì vừa rẻ, vừa tiện, khỏi tốn công rửa. Mỗi ngày tiệm bán được từ vài trăm tới hàng ngàn đôi. Gần đây, một số chị em còn mua về xài trong nhà.
Bà Trần Thị Thu Giang, chủ một quán cơm bình dân trên đường Nguyễn Đình Chiểu cho hay trước đây bà sử dụng loại đũa gỗ, song nhiều thực khách đề nghị sử dụng đũa dùng một lần để đảm bảo vệ sinh. Mỗi ngày tiệm bà tiêu thụ hơn 200 đôi đũa dùng một lần, do một cơ sở sản xuất ở Bình Dương cung cấp. “Từ ngày bán cơm tôi toàn sử dụng loại đũa này, tiện lợi vì không phải rửa, khách dùng xong là bỏ. Còn về mặt an toàn thì tôi chịu, có được biết gì đâu”, bà Giang nói.
Ngửi rồi hãy gắp
PGS.TS Trần Đáng, nguyên cục trưởng cục Vệ sinh an toàn thực phẩm (bộ Y tế) cho biết, các chất như: sodium sunfite, sulfure dioxide… về nguyên tắc không được sử dụng trong chế biến thực phẩm và những sản phẩm tiếp xúc với con người qua đường miệng, bởi “tuy hoá chất tồn dư trên đũa dùng một lần có thể không nhiều để xảy ra ngộ độc cấp tính, nhưng nó sẽ dẫn đến tổn thương mạn tính”.
Cũng theo PGS Đáng, hoá chất có gốc lưu huỳnh như sulfure dioxide có thể gây rối loạn tại chỗ đường tiêu hoá, rối loạn vi khuẩn đường ruột, gây loét niêm mạc đường tiêu hoá... Nếu sử dụng thường xuyên, độc chất có thể ngấm vào máu và tích luỹ, dẫn tới rối loạn chức năng gan, thận, cơ quan tạo máu... là một trong những nguyên nhân gây bệnh mạn tính và ung thư.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, viện Công nghệ sinh học – công nghệ thực phẩm, đũa dùng một lần thường được làm từ loại tre có chất lượng không tốt (tre non, tre tồn dư…), khả năng chịu ẩm mốc rất kém. Để chống nấm mốc và làm đũa trắng, cơ sở sản xuất sử dụng nhiều cách như sấy khô, dùng hoá chất. Sấy khô ít được sử dụng vì giá thành cao lại mất nhiều thời gian nên dùng hoá chất là cách phổ biến hơn.
Trong đó, lưu huỳnh là chất dễ sử dụng bởi giá rẻ, dễ mua, cách làm đơn giản... Đũa dùng một lần khi khử bằng lưu huỳnh sẽ giải phóng sulfure dioxide. Để đũa có mùi thơm át mùi hoá chất, người ta bỏ thêm vào đũa ngũ vị hương tạo mùi.
Ông Thịnh lưu ý: “Sản phẩm càng trắng thì càng độc bởi liều lượng hoá chất tẩy lớn. Nếu có cơ sở sản xuất nào đó sử dụng cả chất tẩy trắng, tẩy nấm mốc của bên công nghiệp để dùng trong lĩnh vực thực phẩm như sodium sunfite thì sẽ nguy hiểm vô cùng vì đây là chất khử rất mạnh”. Vì đũa dùng một lần sử dụng trực tiếp, không qua bất kỳ khâu rửa, hấp, tẩy nào nên nguy cơ hấp thụ hoá chất tồn dư trên đũa là rất cao.
“Nhận diện đũa dùng một lần sấy lưu huỳnh rất dễ: bóc lớp nylông bên ngoài đũa đi sẽ ngửi thấy mùi hăng hắc rất khó chịu. Nếu có nhu cầu đũa dùng một lần, nên chọn loại đũa màu trắng ngà, không đốm đen, bao bì bảo quản không rách thủng và nên mua một tuần trước khi dùng, ở những địa chỉ đã được giám sát về chất lượng”,PGS Thịnh khuyên.
Theo Linh An – Hoàng Tuấn