MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hạn chế đội giá

09-05-2013 - 11:15 AM |

Một trong những nguyên nhân dẫn đến việc hàng hóa tăng giá là do quá trình lưu thông có quá nhiều khâu trung gian. Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hội siêu thị Hà Nội đã có cuộc trao đổi với Đại Đoàn Kết.

PV: Ông đánh giá thế nào về sức mua hàng hoá tiêu dùng của người dân trong thời điểm hiện nay?

Ông Vũ Vinh Phú: Theo Bộ Công thương, thị trường nội địa Việt Nam doanh thu bán lẻ đạt 636.000 tỷ đồng, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm 2012, nhưng loại trừ yếu tố giá chỉ tăng 4,5%, thấp hơn 4,7% cùng kỳ năm 2012. Tổng cầu xã hội giảm, tồn kho tăng đã làm cho nền kinh tế rơi vào khó khăn. Mặc dù Chính phủ đã có những chính sách về kích cầu đầu tư tiêu dùng nhưng tác dụng chậm. Mặt khác, trong quý 1/2013 một số mặt hàng như dịch vụ y tế, nước sạch, năng lượng tăng giá mạnh đã làm cho sức mua tiêu dùng xã hội thêm khó. 

 Giá tăng cao như hiện nay, có ý kiến cho là do hàng hoá qua nhiều khâu trung gian. Ý kiến của ông về vấn đề này?  

- Đúng vậy. Một điểm khiến giá cả tăng cao đó là hàng hoá phải qua quá nhiều khâu trung gian. Giá cả nơi sản xuất thấp, nhưng ra thị trường bán lẻ đã đội lên nhiều chục lần. Người sản xuất và người tiêu dùng bị thiệt, hưởng lợi là khâu trung gian. Đơn cử như thịt lợn hơi trước đây người nông dân bán ra thịt hơi với giá 45-47.000 đồng/kg, đến bán lẻ là 100.000 đồng/kg. Nay thịt hơi bán 35.000 đồng/kg, thì thịt bán lẻ vẫn ở mức 90-100.000 đồng/kg. Đường ăn hiện nay tồn kho lên đến gần 500.000 tấn, giá tại nhà máy bán ra cho các đại lý là 13.000 đồng/kg, đến tay người tiêu dùng lên tới 22-23.000 đồng/kg. Song các siêu thị hầu như không mua được trực tiếp từ các nhà máy, mà phải mua qua 2-3 khâu đại lý.  

 Theo ông giải pháp nào để hạn chế tình trạng này?

- Như tôi đã nói, hàng hoá từ người sản xuất đến người tiêu dùng phải trải qua một chặng đường khá dài, có mặt hàng có thể lên tới 3-4 khâu trung gian (đại lý cấp 1 là tổng đại lý, cấp 2 là đại lý tỉnh, cấp 3 là đại lý huyện – quận và đến cửa hàng bán lẻ), mỗi khâu trung gian được hưởng lợi 15%, nếu cộng lại qua 4 khâu sẽ chi phí 60%, khiến giá hàng hoá đến tay người tiêu dùng đội lên rất cao. Nếu hàng hoá sản xuất trong nước giá thành cao sẽ không thể cạnh tranh được với hàng ngoại và đồng thời bị hàng lậu "thôn tính” ngay trên sân nhà. 

Để hạn chế được khâu trung gian, theo tôi, trước hết Nhà nước cần vào cuộc và tạo chuỗi sản xuất, phân phối quốc gia. Trước mắt, giao cho một số tập đoàn mạnh phụ trách một số chuỗi sản xuất – bán lẻ bao gồm các mặt hàng thiết yếu như: gạo, thịt, dầu ăn, rau, đường, thuốc chữa bệnh. Phải quản lý từ khâu sản xuất đến khâu bán lẻ, quan trọng phải đi thẳng từ nhà sản xuất đến bán lẻ ít qua trung gian. Đi đôi với đó là tổ chức tốt dự trữ quốc gia những mặt hàng trên để chúng ta có thể chủ động can thiệp những lúc thiên tai, dịch bệnh… tránh bị các khâu trung gian nâng giá bán lẻ trên thị trường.  

Thứ hai, giao dịch mua bán hàng hoá công khai, minh bạch. 

Thứ ba, Nhà nước nên giảm thuế VAT bán lẻ xuống còn 3-5%, tuỳ theo các loại hàng hoá cụ thể. Ví dụ một vỉ trứng giá 40.000 đồng/chục quả, cộng thêm 10% VAT vỉ trứng đã đội lên 44.000 đồng/chục quả. 

Thứ tư, Nhà nước khuyến khích sản xuất lớn tạo năng suất cao, chất lượng cao, khi đó giá cả sẽ được hạ thấp xuống và khi hàng hoá được lưu thông trên thị trường người dân không phải chịu mức giá cao nữa.  

Theo Minh Trang

khanhnt

Đại đoàn kết

Trở lên trên