MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hương liệu độc hại “bủa vây” người tiêu dùng

02-07-2013 - 15:20 PM |

Bất chấp cảnh báo về tác động nguy hại tới sức khỏe người tiêu dùng, nhiều địa điểm tại TPHCM (khu vực chợ Kim Biên, đường Phùng Hưng, Trịnh Hoài Đức…) vẫn bán tràn ngập hương liệu trôi nổi, thuộc danh mục cấm.

Trong khi nhiều điểm kinh doanh sai phạm rành rành thì các cơ quan chức năng lại cho rằng rất khó phát hiện và xử phạt.

Một muỗng bột thay chục ký thịt

Theo chia sẻ của một chủ quán bún bò Huế trên đường An Dương Vương, quận Bình Tân, chúng tôi tìm đến chợ Kim Biên mua hương liệu tạo mùi (riêu cua, bò, heo…). Dò hỏi nhân viên giữ xe, người này chỉ thẳng tới đoạn cuối khu vực lồng chợ, nơi tập trung hàng loạt cửa hàng san sát, cách nhau chưa đầy sải tay nhưng xếp ngồn ngộn hóa chất, hương liệu phụ gia thực phẩm. Ghi nhận cho thấy, phần lớn các loại hương liệu đều ở dạng bột hoặc dung dịch, chiết sẵn trong can nhựa, bao tải không nhãn mác. Khách có nhu cầu, người bán sẽ tự động chiết, rót sang lọ, chai nhựa hoặc túi ni lông (đựng bột hương liệu). 

Dừng chân trước sạp Y., một người đàn ông dáng vẻ gầy gò hỏi trống không: “Cần mua gì”, đôi mắt nhìn khách vẻ ngờ vực. Thấy người mua đảo mắt như tìm kiếm thứ gì đó, ông này gắt: “Nói mau đi, mua gì mà cũng không biết à?”. Lúng túng, chúng tôi nói đại lấy hương riêu cua, bún bò, hàn the, bột tẩy trắng.

“Hàn the hết rồi, hôm sau mới có; bột tẩy trắng qua khu hóa chất”- nói rồi người đàn ông thoăn thoắt vào trong xách hai can nhựa (loại 5 lít) ghi “hương riêu cua”, “hương bò” bằng bút lông. Chưa kịp mở ra kiểm tra, mùi bò thơm nồng, riêu cua béo ngậy sộc thẳng vào mũi khiến mọi người hắt xì liên tục. “Không sao đâu, hương liệu đậm đặc nên dễ dị ứng. Ra khỏi khu này là hết liền “ - ông chủ sạp trấn an. 

Tại sạp V.L, hương cà phê, sầu riêng, chanh… hòa với nhau thơm… nhức mũi. Chủ sạp chào mời: “Em cần loại hương nào”. Lấy cớ mở quán nước bán cho sinh viên, chúng tôi nói cần tìm hương cà phê, hương cam, hương sâm bí đao. Giá bán lẻ mỗi thứ lần lượt 30.000 đồng/ml hương cam, 35.000 đồng/ml hương cà phê, 35.000 đồng/ml hương sâm. Để có mối hàng, chị này tư vấn chúng tôi nên mở thêm quán bún bò hoặc bún riêu, vừa dễ bán vừa dễ làm. Hương liệu, gia vị chỉ cần đến chợ Kim Biên là đủ, không phải mất nhiều thời gian mua xương làm ngọt nước cho mất công.

“Để nước lèo ngon chỉ cần cho vài giọt màu điều, hương riêu cua, cùng vài muỗng chất tăng vị (có tên Fujimori, công thức viết tắt I+G, ghi nhãn mác tiếng Anh, nơi sản xuất Nhật Bản - không phải là bột ngọt, giá khoảng 400.000 đồng/kg) là có ngay món bún ngọt lịm, thơm ngậy cho hàng chục người ăn. Nếu nấu hàng chục ký thịt, xương cũng thua đứt một muỗng bột mua tại chợ này”.

Sau khi quyết định “mua hương liệu về mở quán nước”, chúng tôi ghé vào một cửa hàng chuyên doanh nước tẩy, bột giặt ngay bên cánh trái chợ Kim Biên. Tại đây, người bán cho biết có loại bột tẩy chúng tôi cần tìm. Khi hỏi có tẩy được màu của quả dừa sau gọt vỏ, anh thanh niên bán hàng khẳng định chắc nịch: “Tẩy thứ gì cũng được, từ quần áo tới đồ ăn. Sau tẩy, sản phẩm có màu sắc trắng tươi, trông rất bắt mắt”.

Nói rồi anh ta chỉ tay vào những bao loại 50kg đựng bột trắng ngà, mùi hăng hắc rất khó chịu. Bản thân 
anh này vừa cân bán cho khách vừa phải đeo khẩu trang kín mít và thỉnh thoảng nhăn mặt do mùi quá khó chịu.

Quản lý nửa vời

Trên thực tế, hiện các hóa chất, hương liệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ được bán rất nhiều tại khu chợ Kim Biên, đường Vạn Tượng, Phan Văn Khỏe (quận 5, TPHCM)…Thậm chí, tiểu thương cố tình lén lút buôn bán cả hóa chất công nghiệp lẫn hương liệu thực phẩm, dù giấy phép đăng ký kinh doanh là hương liệu thực phẩm. 

Trao đổi về thực trạng hương liệu bày bán tràn lan, thiếu sự kiểm soát, bà Lưu Thị Kim Nhung, Trưởng ban quản lý chợ Kim Biên, khẳng định các tiểu thương đang kinh doanh tại khu vực lồng chợ (17 sạp) đều hoạt động đúng mục đích. Nếu phát hiện tiểu thương bán “chui” các mặt hàng cấm, ban quản lý chợ sẽ xử lý ngay. Tuy nhiên, một số đối tượng hoạt động khá tinh vi, giao hàng tận nơi cho người mua; nhận tiền cọc trước, sau đó mới giao hàng… nên rất khó phát hiện. 

Ông Tôn Quang Trí, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho biết việc buôn bán, kinh doanh hóa chất tại khu vực chợ Kim Biên trong thời gian qua khiến dư luận rất quan tâm; có nhiều ý kiến khác nhau trong việc kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh tại đây. Vấn đề ở chỗ, các hóa chất buôn bán không thuộc danh mục cấm nên cơ quan chức năng không dễ xử lý.

Ông Châu Minh Vũ, Phó Chủ tịch UBND phường 13, quận 5, thừa nhận chính quyền địa phương có làm hết sức cũng chỉ giải quyết được phần ngọn như: kiểm tra hành chính việc kinh doanh, đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ… Ngược lại, muốn kiểm tra, xử lý dứt điểm thực trạng kinh doanh hóa chất độc hại, trôi nổi phải có sự phối hợp chặt chẽ của các ban ngành chức năng.

Theo ông Vũ, UBND quận 5 có chủ trương không cấp giấy phép cho các hộ kinh doanh hóa chất đăng ký mới, nhưng ngược lại Sở Kế hoạch - Đầu tư TPHCM vẫn cấp phép cho một số hộ có nhu cầu. Chính điều này vô hình trung tạo nên sự chồng chéo trong việc quản lý, giám sát ngành nghề kinh doanh hóa chất vốn nhạy cảm này.

Nhiều ý kiến cho rằng, bệnh nhân mua thuốc thì được dược sĩ, bác sĩ hướng dẫn, còn người tiêu dùng mua hóa chất, hương liệu độc hại như hàn the, bột tẩy công nghiệp để tẩy trắng thực phẩm… về sử dụng lại không được hướng dẫn cụ thể. Nên chăng cần có những buổi tập huấn, nâng cao trình độ nghiệp vụ cho tiểu thương; đồng thời đẩy mạnh việc phối hợp quản lý giữa các cơ quan chức năng để đưa việc kinh doanh hóa chất vào đúng khuôn khổ.

Theo Thi Hồng

khanhnt

Sài Gòn giải phóng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên