Mĩ phẩm nam - Thị trường tiềm năng trong thế kỷ 21
Các hãng làm đẹp đã bắt đầu coi đây là thị trường tiềm năng khi mảng kinh doanh cho nữ giới đã bão hòa.
Trong 20 năm qua, thị trường hóa mĩ phẩm thế giới tăng trưởng trung bình 4,5% mỗi năm, với biên độ dao động từ 3% đến 5,5%, và dự kiến sẽ tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng này trong những năm tới.
Thị trường mĩ phẩm và sản phẩm vệ sinh bao gồm 5 phân khúc chính: chăm sóc da, chăm sóc tóc, trang điểm, nước hoa và sản phẩm vệ sinh. Để đáp ứng nhu cầu của tất cả mọi người, hóa mĩ phẩm cũng được chia làm hai loại: cao cấp và bình dân. Ước tính hiện khoảng 72% doanh thu đến từ phân khúc bình dân, 28% còn lại đến từ phân khúc cao cấp.
Xu hướng loại sản phẩm
Trong thập kỷ đầu của thế kỷ 21, cơ cấu doanh số sản phẩm có sự thay đổi đáng kể. Trong giai đoạn 1998-2010 tổng doanh số tiêu thụ sản phẩm làm đẹp và vệ sinh cá nhân đã tăng gấp đôi, từ 116,1 tỷ USD lên 382,3 tỷ USD. Sản phẩm vệ sinh cá nhân vẫn duy trì vị trí là phân khúc chiếm thị phần lớn nhất và là động lực chính của tăng trưởng toàn thị trường hóa mĩ phẩm toàn cầu, song sản phẩm chăm sóc da vượt sản phẩm chăm sóc tóc để trở thành phân khúc có thị phần lớn thứ 2.
Trong những năm tới, dự báo chăm sóc da sẽ là phân khúc có tiềm năng tăng trưởng khả quan nhất. Đây sẽ tiếp tục là yếu tố quyết định sự tăng trưởng của thị trường mĩ phẩm toàn cầu trong vài năm tới. Các sản phẩm bình dân và sản phẩm hữu cơ đã và sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ thị phần.
Bảng doanh số bán lẻ mĩ phẩm chia theo sản phẩm
Loại sản phẩm | 1998 | 2010 |
Chăm sóc da | 16,4% | 23,0% |
Chăm sóc tóc | 20,8% | 17,3% |
Tạo màu | 13,5% | 12,3% |
Mùi thơm | 12,9% | 10,4% |
Sản phẩm vệ sinh | 31,2% | 30,6% |
Các sản phẩm khác | 5,2% | 6,4% |
Tổng doanh số (tỷ USD) | 166,1 | 382,3 |
Đặc biệt, mĩ phẩm nam trở nên phổ biến, nhất là tại châu Á. Xét về quy mô thị trường, mỹ phẩm nam giới vẫn còn kém xa nữ giới (107 tỷ USD). Nhưng về tốc độ tăng trưởng, thị trường này lại gấp đôi, với 9,4%. Ngày nay, có 80% nam giới tại châu Á quan tâm đến bản thân hơn và mong muốn cải thiện ngoại hình của mình bằng mỹ phẩm. Nam giới gần đây mới bắt đầu chọn các sản phẩm như tinh dầu hay xà phòng dưỡng ẩm làm sạch sâu. Nhưng các hãng làm đẹp đã bắt đầu coi đây là thị trường tiềm năng khi mảng kinh doanh cho nữ giới đã bão hòa.
Xu hướng thị trường
Tiêu thụ hóa mĩ phẩm chủ yếu tập trung ở các thị trường phát triển (chủ yếu là Hoa Kỳ, Nhật Bản và Pháp), song các nền kinh tế mới nổi thuộc khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu với tốc độ tăng cao nhất, và dự kiến châu Phi và Brazil sẽ lọt vào tốp những thị trường hóa mĩ phẩm chủ chốt trong tương lai. Từ khi bước sang thế kỷ 21, thị trường hóa mĩ phẩm các nước mới nổi (BRIC – Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc) có tốc độ tăng trưởng cao nhất. Năm 2010 chỉ riêng 4 quốc gia này chiếm 21% tổng doanh thu của ngành hóa mĩ phẩm thế giới, và thị phần của họ dự báo sẽ tăng lên 25% vào năm 2015 (tính theo giá trị). Hiện hầu hết các hãng sản xuất hóa mĩ phẩm quốc tế lớn đều đang tập trung tăng cường sự hiện diện ở các nước BRIC.
Bảng doanh số bán lẻ mĩ phẩm toàn cầu chia theo khu vực
Khu vực | 1998 | 2007 |
Châu Á | 22,0 | 25,9 |
Châu Âu | 35,2 | 37,3 |
Mỹ Latinh | 11,1 | 12,9 |
Bắc Mỹ | 23,5 | 20,4 |
Các nước khác | 8,1 | 3,6 |
Với dân số gần 90 triệu, trong đó một nữa là phụ nữ có mong muốn làm đẹp hơn khi điều kiện kinh tế đang phát triển, Việt Nam là thị trường rất tiềm năng đối với ngành mỹ phẩm do người tiêu dùng chi tiền cho mỹ phẩm bình quân chỉ 4 USD/người/năm, quá ít so với Thái Lan là 20 USD/người.
Hiện có khoảng 430 doanh nghiệp mỹ phẩm trong nước nhưng thị phần lại chủ yếu nằm trong tay một số hãng nước ngoài như L’Oréal, Shiseido, Clarins... Hiện có khoảng 100 nhãn hiệu mỹ phẩm tại Việt Nam, tuy nhiên 90% là nhập khẩu.
Xu hướng tiêu thụ
Do tầm quan trọng gia tăng trong thời gian gần đây của thị trường Mỹ Latinh, các công ty mĩ phẩm đã tập trung vào dòng sản phẩm bình dân. Đặc biệt, trong lĩnh vực nước hoa thì các sản phẩm bình dân chiếm đa số trong các sản phẩm mới. Dòng sản phẩm bình dân cũng được các hãng nổi tiếng khai thác ở các quốc gia phát triển, nơi vốn có truyền thống sử dụng các sản phẩm cao cấp, như Nhật Bản. Điều này cũng thể hiện sự thay đổi thói quen của người tiêu dùng, với suy nghĩ mới là các sản phẩm bình dân cũng có chất lượng tốt và phù hợp với cả những người giàu có, đặc biệt trong dòng mĩ phẩm tạo màu và các sản phẩm chăm sóc da. Nhu cầu những sản phẩm cao cấp mà vẫn có giá bình dân sẽ ngày càng gia tăng.
Dòng sản phẩm làm trắng da cũng đang trở thành trào lưu mới, với giá thành rẻ. Hiện nay, chị em phụ nữ đang chú trọng nhiều vào việc có một sản phẩm làm trắng hiệu quả. Tuy nhiên, những sản phẩm làm trắng tự nhiên và an toàn sẽ là yêu cầu trong thời gian tới. Tốc độ tăng trưởng của phân khúc sản phẩm làm trắng – hiện chiếm tới hơn 70% giá trị thị trường kem dưỡng da mặt – song vẫn được đánh giá là khá lạc quan so với tình hình chung. Tại Việt Nam, phân khúc thị trường mỹ phẩm trắng da cũng rất phát triển. Thị trường kem dưỡng da của Việt Nam có tới 70% là sản phẩm làm trắng da.
Trong số những sản phẩm cải tiến mới xuất hiện những năm gần đây, có hai xu hướng phổ biến: Sản phẩm tiết kiệm thời gian và sản phẩm lâu bền. Các sản phẩm tiết kiệm thời gian là những sản phẩm đáp ứng nhu cầu hàng ngày của người tiêu dùng bận rộn trong thời đại hiện nay, khiến họ không chỉ quan tâm tới việc tiết kiệm tiền mà còn tiết kiệm cả thời gian làm đẹp mỗi ngày. Kết quả là, rất nhiều nghiên cứu đã được tiến hành để cho ra những sản phẩm như vậy, như đánh bóng móng tay khô nhanh, hay các sản phẩm sữa tắm, dầu gội 3 trong 1, sữa rửa mặt tạo bọt dùng cả trong việc cạo râu… Những sản phẩm này đặc biệt phổ biến trong lĩnh vực chăm sóc da và chống nắng.
Những sản phẩm lâu bền thường là mĩ phẩm, có chất lượng cao và bền màu, như son môi không trôi, sơn móng tay, dưỡng ẩm và chăm sóc da 24 giờ…Những sản phẩm này phổ biến với tính năng chuyên chăm sóc da.
Các xu hướng khác
Phương thức phân phối sản phẩm làm đẹp và vệ sinh cá nhân đang có sự thay đổi, với sự phát triển của bán hàng qua mạng, đạt trên 11 tỷ USD trong năm 2010.
Một xu hướng mới nữa là phát triển bền vững. Khi giới thiệu các sản phẩm mới, người sản xuất mĩ phẩm ngày càng chú trọng nhấn mạnh rằng sản phẩm của họ thân thiện với môi trường, sản phẩm hữu cơ…
Vân Chi