MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nước ngọt có ga: Cân nhắc lộ trình khi áp thuế

17-07-2014 - 20:18 PM |

"Đánh" hay "không đánh" thuế Tiêu thụ đặc biệt nước ngọt có ga không cồn vẫn tiếp tục là đề tài tranh luận sôi nổi.

Trong bản dự thảo có điều chỉnh sau khi tiếp thu góp ý được công bố đầu tháng 7-2014, Bộ Tài chính đã đề xuất thêm phương án tạm thời chưa thu thuế TTĐB để tiếp tục nghiên cứu, song, cơ quan này vẫn cung cấp thêm nhiều luận cứ để chứng minh sự cần thiết phải áp thuế cho mặt hàng này.

Vẫn phải "đánh thuế"

Nước ngọt có ga là nước uống có đường hoặc chất tạo ngọt đã được sục khí CO2 bão hòa nhằm tạo cảm giác cay nồng, dễ chịu khiến người uống có cảm giác “đã” khát. Đây là loại thức uống được ưa chuộng phổ biến trên thế giới đặc biệt đối với trẻ em nên một lượng rất lớn nước ngọt có ga không cồn được tiêu thụ hàng năm.

Trong nước ngọt có ga, ngoài một phần nước tinh khiết hoặc một số loại có thêm nguyên liệu tự nhiên, phần còn lại là đường hoặc chất tạo ngọt, chất công nghiệp như hương vị, chất màu, chất bảo quản. Mặc dù những chất công nghiệp này có hàm lượng tiêu chuẩn kỹ thuật cho phép nhưng do có ga nên khiến người dùng dễ uống, dẫn đến hấp thụ một lượng đường lớn được vào cơ thể vượt xa mức mà cơ thể cần đến.

Ông Phạm Đình Thi - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính cho biết: Nhiều tổ chức sức khỏe, chuyên gia y tế quốc tế đã cảnh báo nếu sử dụng nước ngọt có ga quá mức sẽ gây ra tác hại đối với sức khỏe. Ông Thi cung cấp nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới cho thấy việc lạm dụng sản phẩm này dẫn đến béo phì và tiểu đường. Thống kê tại 75 quốc gia, nếu tăng 1% mức tiêu thụ nước ngọt có ga theo đầu người thì gây nên 4,8 người thừa cân; 2,3 người béo phì; 0,3 người tiểu đường trên 100 người trưởng thành.

Theo Quỹ Nâng cao sức khỏe Victoria, Australia, nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng sử dụng nước ngọt có ga gắn liền với tăng cân và béo phì và nhiều ảnh hưởng xấu khác đến sức khỏe bao gồm tim mạch và tiểu đường. Các nhà khoa học Thụy Điển cũng đã từng công bố một nghiên cứu trên Tạp chí Dinh dưỡng lâm sàng Mỹ, trong đó theo dõi sức khỏe của 8.000 đàn ông tuổi từ 45 đến 73 trong 15 năm và dẫn đến kết luận là trong nước ngọt có ga tiềm ẩn chất gây ung thư; đường trong thức uống giải phóng ra insulin- chất nuôi dưỡng các khối u...

Hơn thế nữa, ở nước ta, nhằm triển khai thực hiện “Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011-2020 tầm nhìn đến năm 2030” ngày 17-1-2013 Bộ Y tế đã có Quyết định số 189/QĐ-BYT ban hành “10 lời khuyên dinh dưỡng hợp lý đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030”, trong đó khuyến nghị để có chế độ dinh dưỡng hợp lý thì “không hút thuốc lá, hạn chế uống rượu, bia, nước có ga và ăn, uống đồ ngọt”.

Cùng với những nghiên cứu đã được công bố trước đó, Bộ Tài chính khẳng định việc lạm dụng nước ngọt có ga không cồn có tác hại tới sức khỏe người dùng, đặc biệt là trẻ em - thế hệ tương lai, do vậy việc áp thuế TTĐB với mặt hàng này để hạn chế tiêu dùng là cần thiết.

Nguy cơ khiếu kiện?

Với 88% thị phần nước giải khát có ga được bán tại Việt Nam, một số tổ chức đại diện phía DN bày tỏ lo ngại việc áp dụng thuế cho sản phẩm này nhằm vào yếu tố "nước ngoài". Điều này vi phạm cam kết của Việt Nam "hoàn toàn tuân thủ nguyên tắc đối xử quốc gia về thuế TTĐB" khi gia nhập Tổ chức Thương mại quốc tế WTO.

Giải đáp vấn đề này, Bộ Tài chính cho hay: Theo cam kết WTO, đối với thương mại, chính sách thuế cần đảm bảo nguyên tắc không phân biệt đối xử giữa hàng NK và hàng sản xuất trong nước; không trợ giá hàng XK; đối với đầu tư, không phân biệt đối xử giữa nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư trong nước trong việc thành lập và hoạt động. 

Theo nguyên tắc không phân biệt đối xử này, việc thu thuế TTĐB đối với nước ngọt có ga không vi phạm cam kết vì thuế TTĐB là thuế gián thu, người mua là người trả thuế, người bán là người nộp thay do vậy việc thu thuế TTĐB đối với nước ngọt có ga hay đối với bất kỳ hàng hóa, dịch vụ chịu thuế TTĐB nào đều không nhằm vào nhà sản xuất hay nhà đầu tư, không phân biệt đối xử giữa các nhà đầu tư.

Ông Ngô Hữu Lợi - Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính cho biết thêm, dự thảo Luật đã đưa ra mức thuế suất thống nhất giữa hàng sản xuất trong nýớc và hàng nhập khẩu mà không có sự phân biệt đối xử nên càng không vi phạm các cam kết WTO. Thực tế, không ít DN thuộc các nhà đầu tư trong nước sản xuất mặt hàng nước ngọt có ga không cồn và cũng có lượng tiêu thụ khá cao như các sản phẩm của công ty cổ phần nước giải khát Chương Dương, Công ty Bia, nước giải khát Sài Gòn Tây Đô; Công ty Tân Hiệp Phát…

Hiện nay, nhiều mặt hàng đang chịu thuế TTĐB như ô tô, xe máy có dung tích 125cm3, điều hòa nhiệt độ có công suất dưới 90.000 BTU đều do DN có vốn đầu tư nước ngoài sản xuất, lắp ráp. Các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Lào đều thu thuế TTĐB đối với ô tô, xe máy; Thái Lan, Lào thu thuế đối với nước ngọt có ga và ở những nước này hầu hết thị phần ô tô, xe máy, nước ngọt có ga đều thuộc về các DN FDI nhưng chưa có nước nào bị kiện về phân biệt đối xử hay vi phạm cam kết WTO.

Bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam:

Cần có lộ trình

Nước uống có ga được sử dụng nhiều ở các nước phát triển kèm theo thức ăn nhanh. Thói quen ăn uống này là một trong những nguyên nhân dẫn đến căn bệnh béo phì mà hiện nay Mỹ và các nước phát triển đang gánh chịu. Theo xu hướng hội nhập, các sản phẩm này đang được sản xuất, tiêu thụ ngày càng tăng ở Việt Nam cũng như các nước đang phát triển. Để Việt Nam, trong tương lai không phải gặp lại tình trạng hiện hành như các nước phát triển, bên cạnh các giải pháp tuyên truyền, giáo dục việc sử dụng công cụ thuế nhằm định hướng tiêu dùng, giảm lạm dụng, tránh việc sử dụng nước ngọt ở nước ta là rất cấp thiết.

Đương nhiên, khi đưa sản phẩm này vào diện chịu thuế, về nguyên tắc, việc tăng thuế sẽ có thể tác động đến giá cả sản phẩm nhưng tác động không nhiều vì thuế tăng không đáng kể. Nếu các DN thực hiện tiết kiệm chi phí sản xuất kinh doanh thì có thể không cần tăng giá khi tăng thuế.

Tuy nhiên, để DN có thời gian chuẩn bị, Ban soạn thảo nên xây dựng lộ trình, chưa áp dụng ngay vào thời điểm1-7-2015.

 

Luật gia Vũ Xuân Tiền - Ủy viên Ban chấp hành Hội Luật gia Hà Nội:

Cân nhắc tránh khiếu kiện

Việc bổ sung nước ngọt có ga không cồn vào diện chịu thuế TTĐB sẽ thuyết phục hơn nếu chứng minh được rằng, sử dụng sản phẩm này ở mức bình thường cũng có ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Không xét đến việc sử dụng quá mức vì với bất kỳ sản phẩm nào sử dụng quá mức đều có hại và Luật thuế không có chức năng điều tiết mức độ sử dụng dịch vụ, hàng hóa của con người. Nếu không có chứng minh đầy đủ, có sức thuyết phục thì nên cân nhắc để tránh khiếu kiện của các DN FDI đang chiếm lĩnh thị trường của hàng hóa này.

 

Ông Nguyễn Hùng Long - Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế:

Không khuyến khích

Cho đến nay, việc nghiên cứu, đánh giá tác động của việc sử dụng nước ngọt tới sức khỏe người tiêu dùng chưa toàn diện và có hệ thống. Các kết quả nghiên cứu đưa ra chưa thống nhất. Tuy nhiên, một số kết quả nghiên cứu cho thấy tác hại của việc lạm dụng như: tăng nguy cơ béo phì dẫn đến nguy cơ đái tháo đường type2; sâu răng; giảm hấp thụ một số vi chất dinh dưỡng; sỏi thận…

Về khía cạnh sức khỏe, việc tiêu thụ các sản phẩm nước ngọt là không khuyến khích. Nhà nước cần có lộ trình và biện pháp hợp lý, thích hợp trong kiểm soát, hạn chế tiêu thụ các sản phẩm này như: hướng dẫn dinh dưỡng, cảnh báo sức khỏe, áp thuế... 

H.V (ghi)


Cân nhắc áp thuế Tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt


Theo Hồng Vân

khanhnt

Báo hải quan

Trở lên trên