Quản lý vật tư nông nghiệp: Còn tình trạng “kiểm” xong để đấy
Công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp (VTNN) cũng như an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản mặc dù rất được Bộ NN&PTNT ráo riết triển khai, nhưng hiệu quả vẫn chưa được như mong đợi.
Một trong những nguyên nhân là do xử lý chưa đến nơi đến chốn.
Trong 6 tháng đầu năm 2014, các địa phương đã lấy 823 mẫu thủy sản nuôi để phân tích dư lượng các vi sinh vật, hóa chất độc hại, kết quả phát hiện 4 mẫu thủy sản (chiếm 0,48%) có dư lượng hóa chất vượt giới hạn tối đa cho phép tại khu vực Nam bộ, giảm so với năm 2013 (0,65%); lấy 363 mẫu nhuyễn thể 2 mảnh vỏ để phân tích chỉ tiêu tảo độc, độc tố, Cadimi, kết quả phát hiện 7 lượt mẫu NT2MV tại vùng thu hoạch tỉnh Nam Định, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Ninh Bình, Bình Thuận dương tính với Salomnella, chiếm 0,16%, giảm so với năm 2013 (0,2%). Trong 21.791 mẫu nông lâm thủy sản, phát hiện 570 mẫu vi phạm các tiêu chí vi sinh vật và hóa chất, kháng sinh (chiếm 2,62%). |
Vẫn nhiều cơ sở loại C
Theo báo cáo của Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Nafiqad), trong 6 tháng đầu năm, lực lượng chức năng đã lấy 702 mẫu VTNN để kiểm tra. Kết quả, tổng mẫu vi phạm về tiêu chuẩn công bố là 112 mẫu (chiếm 15,95%).
Trong tổng số 3.751 cơ sở sản xuất, kinh doanh VTNN được thanh, kiểm tra, cũng có tới 817 cơ sở vi phạm (chiếm 21,78%). Điều đáng bàn hơn là trong việc triển khai Thông tư 14/2011/TT-BNNPTNT quy định việc kiểm tra, đánh giá cơ sở sản xuất kinh doanh VTNN và sản phẩm nông lâm thủy sản, số cơ sở sản xuất, kinh doanh VTNN xếp loại C vẫn ở mức cao.
Thậm chí có những mặt hàng như phân bón đã xuất hiện tình trạng, “kiểm” xong để đấy. Điều này biểu hiện khá rõ qua việc, mặc dù năm 2013 cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón xếp loại C khá nhiều nhưng trong 6 tháng đầu năm 2014, không có cơ sở nào được tái kiểm để xử lý triệt để hơn. Đối với thuốc thú y, chỉ có 1 cơ sở xếp loại C được tái kiểm.
Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến về quản lý chất lượng VTNN và an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản do Bộ NN&PTNT tổ chức mới đây, ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN&PTNT Hậu Giang cho rằng: Từ con số báo cáo của Nafiqad cho thấy, việc xử lý các cơ sở xếp loại C chưa ổn. Có quá ít các cơ sở xếp loại C được tái kiểm. Hiện nay, đã có đầy đủ quy định để xử lý các cơ sở loại C nên cần làm quyết liệt hơn.
Ví dụ, sau 3 lần kiểm tra mà cơ sở không có biến chuyển gì thì phải rút giấy phép kinh doanh. Liên quan tới vấn đề này, đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Hưng Yên bổ sung: Mức xử phạt hành chính hiện nay đối với các cơ sở vi phạm còn nhẹ. Do đó, phải nhanh chóng nâng mức xử phạt lên để đủ sức răn đe. Việc thu hồi giấy phép chỉ là biện pháp cuối cùng nếu xử phạt vẫn kém hiệu quả.
Xung quanh vấn đề này, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát nhấn mạnh: Hành lang pháp lý để xử lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh VTNN, an toàn vệ sinh thực phẩm vi phạm đã có. Do vậy, trong 6 tháng cuối năm, cơ quan chức năng cần làm quyết liệt theo hướng kết hợp tăng cường xử phạt, công khai thông tin và thậm chí rút giấy phép.
Các địa phương cũng cần nghiên cứu thông tin phân loại A, B, C gắn vào sản phẩm để nhân dân biết và lựa chọn. Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng đề nghị các địa phương tập trung triệt phá hàng lậu, hàng kém chất lượng, đặc biệt là tập trung vào thuốc BVTV giả, ngoài luồng đang trôi nổi trên thị trường.
Khuyến khích người dân tham gia
Theo Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Thế, Cục trưởng An ninh Nông nghiệp nông thôn (A86 - Bộ Công an): Hiện nay, đã có nhiều văn bản để quản lý lĩnh vực VTNN, an toàn vệ sinh thực phẩm, nhưng lại thiếu những văn bản ở cấp cao (Nghị định, Luật).
Trong thực tế, dân chưa có niềm tin vào những việc mà cơ quan chức năng đang làm nên sử dụng gì, ăn gì người dân đều hoài nghi. Ông Thế kiến nghị, để tạo chuyển biến trong quản lý an toàn VTNN cũng như vệ sinh thực phẩm nông, lâm, thủy sản, nên huy động sức mạnh của hệ thống chính trị, nhất là chính quyền và cấp ủy ở địa phương, đồng thời khuyến khích người dân tham gia.
“Dân có đủ niềm tin để báo chính quyền địa phương về những cơ sở, hành vi vi phạm thì tình hình mới chuyển biến được. Thuốc giả, kém chất lượng… không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn liên quan đến nòi giống, tương lai của dân tộc chúng ta”, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Thế nhấn mạnh.
Đồng tình với quan điểm này, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, hiện nay các văn bản mới chỉ nặng về hành chính, tạo cơ sở cho cơ quan Nhà nước làm mà chưa có chính sách động viên, khuyến khích nhân dân tham gia. Điều này cần sớm thay đổi.
“Bên cạnh đó, thời gian tới, đối với một số sản phẩm có nguy cơ cao, Bộ sẽ tập trung quản lý theo chuỗi, trong đề án xác định rõ vùng, gói kỹ thuật phổ biến cho dân. Hiện tại, Bộ NN&PTNT đang xây dựng 2 đề án theo chuỗi đối với rau ở TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội”, Bộ trưởng Cao Đức Phát nói.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, liên quan tới công tác đấu tranh chống buôn lậu, Bộ sẽ có báo cáo lên Thủ tướng, gửi Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ Công Thương, đặc biệt là tình hình buôn lậu thuốc BVTV. Động thái này nhằm tăng cường chỉ đạo, phối hợp quyết liệt giữa các bộ, ngành, đơn vị để tạo được những chuyển biến thực sự trong cuộc chiến chống buôn lậu.
Tính đến ngày 8-7, đã có 54/63 tỉnh gửi báo cáo tình hình triển khai Thông tư 14. Kết quả cho thấy, với các cơ sở kinh doanh phân bón, tỷ lệ các cơ sở được kiểm tra, đánh giá phân loại lần đầu và định kỳ xếp loại A, B đạt 84,09% cao hơn năm 2013 (779%), không có cơ sở xếp loại C được tái kiểm. Đối với thuốc thú y, tỷ lệ cơ sở được kiểm tra, đánh giá phân loại lần đầu và định kỳ xếp loại A, B đạt 74,67% thấp hơn năm 2013 (88,1%); chỉ có 1 cơ sở xếp loại C được tái kiểm và cơ sở này đạt loại B. Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV, tỷ lệ các cơ sở được kiểm tra, đánh giá phân loại lần đầu và định kỳ xếp loại A, B đạt 82,53%, thấp hơn năm 2013 (89,9%); chỉ có 48,57% cơ sở xếp loại C được tái kiểm, tăng hơn năm 2013 (27,4%) và tỷ lệ cơ sở tiếp tục xếp loại C là 11,76% giảm so với năm 2013 (40,6%). (Theo thống kê của Nafiqad, Bộ NN&PTNT) |
Theo Đức Quang