MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

'Thịt bò Kobe chỉ có ở Nhật và Macau'

20-04-2012 - 11:48 AM |

Tác giả Larry Olmsted giải thích trên Forbes rằng, Macao là nơi duy nhất trên thế giới được nhập khẩu đặc sản này của Nhật. Vì thế, thịt bò mang tên Kobe được bày bán ở Mỹ là hàng giả.

Sau khi đã thưởng thức món ăn trứ danh này tại Nhật Bản, Larry Olmsted khẳng định rằng, không ai có thể mua được thịt bò Kobe trên đất Mỹ, dù họ có vào khách sạn hay nhà hàng hạng sang đi chăng nữa. Lý do là theo luật pháp Nhật, thịt bò Kobe chỉ có thể được sản xuất tại quận Hyogo (Kobe là thủ phủ của quận này). Tuy nhiên, không có một cơ sở nào ở đây được Bộ Nông nghiệp Mỹ cấp phép nhập khẩu.

Theo Hiệp hội Quảng bá và Phân phối thịt bò Kobe của Nhật, "Thịt bò Kobe" là thương hiệu đã được đăng ký bảo hộ. Macao là nơi duy nhất trên thế giới được nhập khẩu loại thịt bò trên và việc này cũng chỉ mới bắt đầu từ năm ngoái. Còn tại Mỹ, trước năm 2010, người ta có thể nhập khẩu thịt bò đã bỏ xương. Nhưng từ đó trở đi, việc nhập thịt bò từ Nhật, dù là vì mục đích thương mại hay tiêu dùng cá nhân, cũng đều là bất hợp pháp.

Tuy nhiên, những món ăn từ thịt bò Kobe vẫn xuất hiện nhan nhản trên các TV show của Mỹ. Có cả tá cửa hàng burger tại Las Vegas quảng cáo món đặc sản này, và người tiêu dùng cũng có thể tìm trên Google một loạt shop online sẵn sàng đem hàng đến tận nhà thực khách với mức giá cao ngất ngưởng. Các bài nhận xét trên New York Times về những nhà hàng sang trọng khu Manhanttan cũng hết lời khen ngợi món thịt bò Kobe. Thậm chí, chẳng có số báo nào của các tạp chí ẩm thực nổi tiếng là không đề cập đến đặc sản này.

Nguyên nhân của việc này rất đơn giản. Mặc dù thương hiệu "Thịt bò Kobe", "Thịt Kobe" hay "Gia súc Kobe" được bảo hộ tại Nhật Bản, nhưng tại Mỹ, nó lại hoàn toàn không có ý nghĩa gì. Trong quy định của Bộ Nông nghiệp Mỹ năm 2010, tất cả thịt bò đến từ Nhật Bản “đều được gọi là thịt bò Kobe” và “là mặt hàng cấm”.

Đây là vấn đề rất nghiêm trọng bởi các thực khách cầu kỳ luôn sẵn sàng chi rất nhiều tiền để được thưởng thức món thịt bò Kobe ngon trứ danh. Mặt trái của ngành công nghiệp thực phẩm tại Mỹ đã làm cho người ta lầm tưởng rằng mình đang trả một khoản tiền lớn để thưởng thức món Kobe thực thụ.

Tất cả lời đồn về việc những con bò Kobe được mát xa, uống bia và nghe nhạc cổ điển vẫn còn là bí mật. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn rằng quy trình nuôi bò tại đây cũng phải tuân theo những tiêu chuẩn rất nghiêm ngặt. Bò được nuôi phải là dòng Taijima-gyu thuần chủng và chưa giao phối lần nào. Ở đây, người ta còn có luật cấm bò Nhật lai với bò Mỹ. Những con gia súc này phải được sinh ra, ăn cỏ và uống nước tại chính quận Hyogo. Nuôi một con bò Kobe lấy thịt tốn thời gian hơn các loại gia súc khác rất nhiều. Đó cũng là một phần lý do tại sao đặc sản này lại đắt đỏ đến thế.

Thịt bò Kobe phải được chế biến tại Hyogo và vượt qua một kỳ kiểm tra nghiêm ngặt của chính phủ. Theo thống kê, hiện cả thế giới chỉ có khoảng 3.000 con bò Kobe, và dĩ nhiên, không có con nào ở ngoài Nhật Bản. Quy trình chế biến cũng nghiêm túc đến nỗi khi bán thịt, kể cả nhà hàng hay cửa hiệu đều phải đánh mã vạch 10 chữ số để người mua biết được thịt đó được lấy từ con bò nào.

Trong khi đó, ở Mỹ, nếu khách hàng gọi món thịt Kobe, có lẽ cũng chẳng ai biết được thịt này là từ con bò nào mà ra. Mà có khi, chính họ cũng chẳng hiểu thế nào thì được gọi là thịt bò Kobe. Vấn đề nằm ở chỗ chính phủ cho phép người dân gọi rất nhiều thứ là thịt bò Kobe. Và thực khách thì vẫn cứ hào phóng chi tiền để được thưởng thức đặc sản mà chẳng hề biết mình đang ăn đồ giả.

Việc sử dụng tràn lan từ thịt bò Kobe tại Mỹ có hẳn hai giai đoạn. Từ xưa đến nay, các nhà hàng và nhà phân phối tại đây vẫn luôn quen gọi tất cả thịt bò đến từ Nhật Bản là Kobe và đề tên lên trên thực đơn, dù nó chẳng phải là Kobe thật. Còn hai năm trở lại đây, khi Mỹ không nhập thịt bò Nhật nữa, thì người ta lại quay sang gọi tất cả loại thịt bò đến từ khắp các nước là Kobe. Nhiều món còn chẳng giống chút nào so với phiên bản thật. Vì thế, tác giả Larry Olmsted khẳng định, nếu không phải đang ở Nhật, thì chắc chắn món Kobe mà thực khách đang ăn là đồ giả.

Theo Hà Thu
VNexpress

hangnt

Trở lên trên