Thực phẩm bẩn: Kiểm tra xong lại… yên tâm bán tiếp!
Ở các nước, bộ máy giám sát quản lý thực phẩm rất nhỏ gọn và cũng chỉ kiểm soát chất lượng theo tỉ lệ nhất định nhưng nếu phát hiện vi phạm sẽ bị phạt rất nặng. Không như Việt Nam, cứ qua một đợt kiểm tra thì nhà sản xuất vi phạm lại… yên tâm bán tiếp!
- 19-01-2016Ám ảnh thực phẩm bẩn dịp Tết
- 12-01-2016Thực phẩm Tết: Quyết liệt chống hàng ‘bẩn’, bảo đảm nguồn cung sạch
- 11-01-2016Thực phẩm bẩn tràn lan tại TPHCM: Dân lo, cơ quan chức năng nói yên tâm
Dịp Tết Nguyên Đán cận kề nhưng người dân lại bất an khi cứ vài ngày, cơ quan quản lý lại phát hiện những lô hành thịt heo, chân giò thối chuẩn bị đưa ra thị trường, mứt Tết làm cạnh tranh vệ sinh…
Đáng nói, tình trạng này sẽ còn dài dài khi số lượng vụ vi phạm chỉ như “bắt cóc bỏ dĩa” và truyền thống tập quán của người dân chủ yếu mua hàng ở các cửa hàng nhỏ, chợ truyền thống vốn rất khó kiểm soát hết chất lượng thực phẩm.
Siêu thị cũng “không còn an toàn”
Ngay cả siêu thị, nơi vốn được người tiêu dùng tin tưởng sẽ mua được hàng chất lượng, gần đây cũng bị phát hiện một số vụ việc thực phẩm kém chất lượng. Vì sao?
Muốn bán được hàng, các đơn vị phải cạnh tranh với nhau bằng giá nhưng ở Việt Nam, rất nhiều người bán hàng cạnh tranh bằng cách… giảm chất lượng. Với siêu thị, nếu bán sản phẩm chất lượng đúng giá thì phải cao hơn khoảng 30% so với mặt bằng bên ngoài chợ. Nhưng, siêu thị vốn phải đóng thuế đầy đủ, thuê mặt bằng tốn kém hơn mà giờ cạnh tranh cũng tìm cách bán giá rẻ nhiều hơn để thu hút người tiêu dùng.
Trong khi đó, siêu thị muốn bán hàng giá rẻ phải yêu cầu chiết khấu cao từ nhà sản xuất thì ban đầu doanh nghiệp cung cấp hàng có thể làm đúng chất lượng, nhưng những đợt hàng tiếp theo sẽ khó đảm bảo kiểm soát 100% chất lượng. Đây là nguy cơ có thật khi hàng không đạt chất lượng trà trộn vào.
Gần đây, tôi thấy có hiện tượng người dân tìm đến những bạn bè trồng rau sạch để mua, tìm đến gia đình hàng xóm ở quê mổ heo mua để tủ lạnh ăn dần vì sạch. Không ít người cũng tận dụng cơ hội này rao bán thực phẩm sạch qua mạng xã hội, online hoặc nhờ người thân quen giới thiệu. Nhưng quy mô thực phẩm sạch dạng này rất rất nhỏ.
Vì sao cơ quan quản lý không kiểm soát thực phẩm bẩn? Theo công bố mới đây của Sở Công thương thì trên 85% thịt gà được kiểm tra, thịt heo 80% và rau an toàn là hơn 70%... nhưng tỉ lệ kiểm tra hàng hóa thực tế theo xác suất.
Ngay ở các chợ đầu mối tại TP HCM, hàng hóa muốn vào chợ cũng có sự kiểm soát nhưng thực tế có rất nhiều cách thức vận chuyển hàng vào các chợ đầu mối, và việc trà trộn hàng kém chất lượng các đơn vị khó giám sát được.
Làm thực phẩm sạch: Phải chấp nhận lỗ ban đầu
Trong bối cảnh thực phẩm bẩn “tung hoành”, người dân hoang mang lẽ ra là cơ hội rất lớn cho thực phẩm sạch và những nhà sản xuất nhưng dường như thị trường này không phát triển so với kỳ vọng.
Quan sát trong nhiều năm qua, tôi thấy doanh nghiệp làm thực phẩm sạch (rau sạch, trái cây sạch và thực phẩm sạch…) đòi hỏi yêu cầu quá nhanh từ thị trường. Họ nghĩ rằng thị trường sẽ chấp nhận ngay nên không tính toán cẩn thận và không kiên trì, để rồi thất bại và quay sang đổ lỗi cho người tiêu dùng quay lưng.
Ở nước ngoài, những doanh nghiệp sản xuất thực phẩm sạch ban đầu đều chấp nhận lỗ (thậm chí lỗ trong nhiều năm), đầu tư bài bản để tìm kiếm khách hàng và sản xuất với quy mô đủ lớn để hòa vốn, sau đó có lời. Còn Việt Nam, không ít doanh nghiệp mới làm thì quảng bá rầm rộ nhưng sau đó không đầu tư lâu dài lại muốn có lời ngay, mất kiên trì. Như vừa rồi, báo chí đăng thông tin một công ty cung cấp rau Đà Lạt nhưng thực chất là lấy rau ở Đồng Nai.
Làm ăn kiểu chụp giựt sẽ khó bền vững. Quan trọng hơn, không bao giờ được giảm giá để giành thị phần, bởi khi không cạnh tranh được rồi tìm cách hạ chất lượng để bán giá rẻ chẳng khác nào tự giết mình.
Đừng quá trông chờ vào nhà nước
Một góc nhìn khác, sẽ có người hỏi vì sao cơ quan quản lý không tăng cường bộ máy giám sát, kiểm tra kiểm soát để giảm nguy cơ thực phẩm bẩn cho người dân?
Nếu chúng ta cứ tiếp tục gia tăng kỳ vọng vào vai trò giám sát của nhà nước sẽ không phải là kinh tế thị trường. Bởi khi gia tăng giám sát phải “đẻ” thêm bộ máy nhưng cũng không đồng nghĩa với sẽ thêm an toàn. Như mặt hàng nông sản, chính cơ quan quản lý nhà nước đã thừa nhận có sự chồng chéo khi có tới 3 bộ cùng quản lý, giám sát. Bộ máy giám sát nhiều hơn sẽ thêm gánh nặng cho ngân sách và nhà sản xuất. Nhất là với cách thức Việt Nam đang làm, cứ mỗi lần có sự cố hoặc phát hiện vụ việc vi phạm thì đồng loạt thanh kiểm tra nhưng sau đó thì lại đâu vào đấy.
Trong khi đó, ở các nước, bộ máy quản lý của họ rất nhỏ và cũng chỉ kiểm tra theo tỉ lệ nhất định nhưng ngược lại họ phạt rất nặng nếu phạt hiện và tận dụng sự tố giác của chính người tiêu dùng. Khi họ nhận được một đơn tố cáo sẽ lập tức kiểm tra, nếu phát hiện phạt nặng. Cách làm này giảm nhẹ bộ máy (vì bộ máy không cần giám sát thường xuyên mà sử dụng toàn hộ hệ thống quan sát của người tiêu dùng) mà vẫn có thông tin, chủ động xử lý. Chứ không phải như chúng ta, cứ qua một đợt kiểm tra thì nhà sản xuất lại vi phạm và… yên tâm bán tiếp!
Cũng phải nói thêm, ở nước ngoài, gần như tất cả các hệ thống bán hàng từ sản xuất đến khâu tiêu thụ đầu cuối đều nằm trong chuỗi, có những tập đoàn, doanh nghiệp quản lý chuỗi đó. Khi một mắt xích có vấn đề sẽ ảnh hưởng cả chuỗi nên họ tự ý thức việc phải đảm bảo an toàn, như rau từ trang trại của nông dân đến doanh nghiệp sản xuất đều tiêu chuẩn chất lượng như nhau.
Người tiêu dùng cũng chọn lọc công ty uy tín để mua, rất nhiều thành phần sẽ giám sát theo kinh tế thị trường. Do đó, nếu Việt Nam cứ giao hết cho cơ quan quản lý vừa nặng gánh lại gia tăng bộ máy giám sát mà chưa chắc hiệu quả.
Người lao động