MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thực phẩm Nhật tiếp cận người tiêu dùng Việt

17-08-2014 - 12:32 PM |

Thay vì mua thực phẩm Nhật xách tay, hiện nay người VN dễ dàng tìm thấy sản phẩm Nhật với xuất xứ, nhãn phụ rõ ràng tại các siêu thị, cửa hàng.

Các nhà kinh doanh cho biết bánh kẹo, gia vị, mì gói, sữa dành cho trẻ em hay thực phẩm đông lạnh như cá, lươn, bạch tuộc... đang được người tiêu dùng chọn mua nhiều.

Tăng mạnh dù giá cao

“Lực đỡ” cho hàng Nhật vào VN

Hiện nay, Chính phủ Nhật Bản đang có nhiều hỗ trợ cho doanh nghiệp ngành thực phẩm Nhật Bản ra nước ngoài.

Theo ông Yasuzumi Hirotaka - giám đốc điều hành Tổ chức Thúc đẩy ngoại thương Nhật Bản tại TP.HCM (JETRO TP.HCM), trước đây hầu như có rất ít doanh nghiệp Nhật Bản đến Jetro TP.HCM để tìm hiểu cơ hội đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực thực phẩm và nông nghiệp. Tuy nhiên, từ tháng 5 năm ngoái đến tháng 5-2014, đã có gần 30 trường hợp doanh nghiệp Nhật Bản đến cơ quan này để tìm hiểu thông tin liên quan, đó là chưa kể các doanh nghiệp tự xúc tiến hoặc thông qua kênh đầu tư khác.

Là tín đồ hàng Nhật từ nhiều năm nay, chị Bích Lan (ngụ quận Phú Nhuận, TP.HCM) trở thành mối quen của các trang mạng chuyên bán hàng xách tay từ Nhật.

“Từ ngày có con nhỏ, tôi hay mua các sản phẩm của Nhật như bánh gạo, bánh quy hay gia vị chế biến cho bé ăn giặm hay ruốc cá hồi, người lớn thì mua các loại kẹo, đồ uống, thực phẩm chức năng. Thực phẩm Nhật được nhiều bà mẹ VN tin dùng cho con vì an toàn lại đóng gói khá khoa học, tiện dụng” - chị Lan cho biết.

Nhưng gần đây, những món hàng trên chị Lan có thể tìm thấy ở các kệ siêu thị, cửa hàng quen thuộc của người Việt. Điều đặc biệt là giá các sản phẩm này không chênh nhiều so với hàng xách tay mà có thể yên tâm hàng rõ nguồn gốc, có tem nhãn phụ tiếng Việt.

Ngoài các siêu thị chủ yếu phục vụ người Nhật đang sinh sống, làm việc ở TP.HCM trên tuyến đường Lê Thánh Tôn, Thái Văn Lung (Q.1), khu vực quận 7... nhiều loại thực phẩm đông lạnh xuất xứ từ Nhật cũng đã có mặt tại siêu thị quen thuộc của người Việt như Big C, chuỗi cửa hàng Family Mart. Siêu thị Maximark Cộng Hòa có hẳn kệ riêng dành cho các sản phẩm sản xuất ở Nhật Bản, thương hiệu Nhật Bản với nhiều loại gia vị, gạo, mì, rong biển, bánh kẹo, sữa...

Ông Phan Thành Tân - giám đốc Công ty Akuruhi (Lê Thánh Tôn, quận 1, TP.HCM), chuyên kinh doanh và phân phối thực phẩm Nhật Bản cho các siêu thị, nhà hàng khách sạn - cho biết siêu thị này đưa vào hoạt động từ năm 2010, ban đầu chủ yếu phục vụ khách hàng là người Nhật. Tuy nhiên hiện nay 70% khách của siêu thị này là người VN.

Khách chủ yếu mua các sản phẩm chế biến sashimi (món ăn sống), nước tương, mù tạt, mì ống, rong biển, kem, bánh kẹo, sữa... Giá các mặt hàng này tương đối cao như gia vị Nhật từ 45.000-110.000 đồng/gói, mì 65.000-170.000 đồng/gói loại 250-300g, hay thực phẩm đông lạnh như bạch tuộc, cá tuyết, lươn, cua giá từ vài trăm ngàn đến hơn triệu đồng/kg. Dù vậy, lượng hàng công ty đưa ra thị trường VN những tháng đầu năm 2014 đã tăng gần 30% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đại diện siêu thị Aeon VN cũng cho biết thời gian đầu mở cửa, với mục đích chính là tìm hiểu và đánh giá thái độ cũng như sức tiêu thụ của thị trường VN, các sản phẩm mang thương hiệu Nhật tại siêu thị này chỉ chiếm tỉ lệ khoảng 5% trong ngành hàng thực phẩm. Tuy nhiên sau một thời gian hoạt động, các sản phẩm từ Nhật được nhiều người Việt ưa chuộng.

“Những mặt hàng có nguồn gốc từ trà xanh (matcha) như bánh kẹo, thức uống, bánh gạo và các loại gia vị Nhật Bản là những mặt hàng được ưa chuộng nhất tại Aeon ở thời điểm này, do hương vị vừa mang đặc trưng của ẩm thực Nhật Bản, vừa phù hợp khẩu vị người Việt” - đại diện siêu thị Aeon VN chia sẻ.

Doanh nghiệp trong nước sốt ruột

Theo các nhà kinh doanh, có rất nhiều nguyên nhân thực phẩm Nhật đang trở nên được ưa chuộng và thịnh hành ở VN. Cùng với làn sóng đầu tư từ Nhật Bản, việc các nhà hàng Nhật nở rộ ở VN thời gian gần đây giúp ẩm thực Nhật gần gũi hơn với người Việt.

Nhiều người sau khi có dịp thưởng thức ở các nhà hàng Nhật đã tìm đến các siêu thị mua nguyên liệu chính gốc về tự chế biến. Mặt khác, so với vài năm trước đây, hàng Nhật bây giờ cũng rẻ hơn nhờ thuế suất giảm, thu nhập người dân VN cải thiện.

“Một chai nước tương trước kia phải chịu thuế đến 50% giờ hạ còn 20-25%, nhiều mặt hàng khác thuế chỉ còn 5-10% đã làm cho giá thực phẩm Nhật không còn cao như trước” - ông Tân nói.

Tuy vậy, so với hàng nhập khẩu từ Thái Lan, Indonesia hay Malaysia, điểm hạn chế của hàng Nhật vẫn là giá khá cao, nên các sản phẩm này chỉ phù hợp túi tiền của khách hàng giới trung lưu.

Nhưng theo các nhà nhập khẩu, quan trọng là thuyết phục được người tiêu dùng này cảm thấy hợp khẩu vị, ngon, an toàn. Chẳng hạn như cá thu đao Nhật đang được bày bán khá nhiều trong các nhà hàng Nhật được nhiều thực khách Việt ưa thích dù có giá cao hơn cá thu đao Đài Loan nhờ vị ngon hơn, béo hơn.

Cùng với các hiệp định thương mại được ký kết giữa hai nước, thuế suất xuất nhập khẩu nhiều mặt hàng được dỡ bỏ, tiến về mức 0% trong thời gian tới, thực phẩm Nhật vào VN đang được kỳ vọng sẽ có giá rẻ hơn, cạnh tranh hơn so với hiện nay.

Theo các doanh nghiệp trong nước, hàng hóa Nhật Bản hiện chủ yếu đánh vào tầng lớp thu nhập cao, doanh nghiệp Nhật cũng khá cẩn trọng khi bước vào thị trường VN nên thời gian đầu chưa gây được khó khăn cho hàng hóa trong nước. 

Tuy nhiên, người tiêu dùng VN đang có xu hướng tìm đến những thực phẩm vừa ngon vừa an toàn cho sức khỏe, trong khi thế mạnh của thực phẩm Nhật Bản là chất lượng cao, mẫu mã đa dạng, tiện dụng, nên về lâu dài nếu doanh nghiệp trong nước không cải thiện kỹ thuật, bao bì, chất lượng sẽ dễ bị “lép vế” ngay tại sân nhà.

Nông sản Nhật đi con đường cao cấp


Theo Như Bình

khanhnt

Tuổi trẻ

Trở lên trên