Thuốc Việt thua trên sân nhà
Điều đáng ngại là thuốc giá rẻ Ấn Độ, Trung Quốc, Pakistan đang lên ngôi, trong khi nhiều thương hiệu thuốc Việt lao đao!
- 31-10-2013Bịt “lỗ hổng” trong đấu thầu thuốc
- 06-10-2013Tình trạng đẩy giá thuốc chữa đau mắt
- 30-09-2013Kinh nghiệm quản lý giá thuốc tại châu Âu
Thống kê đấu thầu thuốc vào các cơ sở y tế công lập năm 2013 từ các địa phương, Bộ Y tế đánh giá đã có phần tiết kiệm đáng kể kinh phí từ 20% - 30%. Điều này không có nghĩa mua thuốc ít đi mà giá thuốc trúng thầu giảm đúng như yêu cầu của Thông tư 01/2012/TTLT-BYT-BTC (Thông tư 01) về đấu thầu thuốc là “chọn giá đánh giá thấp nhất”. Tuy nhiên, điều đáng ngại là thuốc giá rẻ Ấn Độ, Trung Quốc, Pakistan cũng lên ngôi, trong khi nhiều thương hiệu thuốc Việt lao đao!
“Đại gia” thua trên sân nhà
Cầm danh mục thuốc trúng thầu năm 2013 vào các cơ sở y tế công lập của Cần Thơ, một lãnh đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam ngao ngán: “Thuốc Ấn Độ gần như chiếm hầu hết trong nhóm thuốc nhập khẩu, còn thuốc sản xuất trong nước thì chào thua”. Quả thực, qua thống kê cho thấy trong số cả ngàn loại thuốc trúng thầu được Sở Y tế tỉnh Cần Thơ công bố theo Quyết định số 164/QĐ-SYT ngày 5-2-2013 thì có hơn 200 loại thuốc được sản xuất bởi các nhà máy của Ấn Độ.
Trong khi đó, mặc dù là địa bàn truyền thống “sân nhà” nhưng một số công ty dược trong nước được mệnh danh là “đại gia” có số lượng trúng thầu lớn các năm trước thì nay có số lượng trúng thầu khá khiêm tốn như Công ty cổ phần dược phẩm Hậu Giang chỉ trúng thầu khoảng gần 90 loại thuốc, Công ty Dược phẩm Imexpharm chỉ khoảng 52 loại thuốc cung ứng vào các bệnh viện của Cần Thơ.
“Thuốc Ấn Độ giá rẻ làm sao cạnh tranh nổi. Trong khi các bệnh viện áp theo quy định mới thì cứ giá rẻ là chọn”, một bác sĩ nằm trong hội đồng đấu thầu thuốc cho biết.
Theo đánh giá của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, qua so sánh cho thấy hàng loạt thuốc có nguồn gốc Trung Quốc, Ấn Độ giảm giá 20% - 166% so với giá trúng thầu năm 2012. Theo Thông tư 01/2012/TTLT-BYT-BTC về hướng dẫn đấu thầu mua thuốc trong các cơ sở y tế có hiệu lực từ 1-6-2012, thuốc được chọn phải “có giá đánh giá thấp nhất” so với thuốc cùng loại, cùng hàm lượng, nồng độ. Do đó, nhiều thương hiệu thuốc Việt không thể cạnh tranh nổi về giá.
Không chỉ Cần Thơ mà kết quả trúng thầu thuốc vào nhiều cơ sở y tế công lập năm 2013 theo Thông tư 01 mà Bảo hiểm xã hội Việt Nam công bố cho thấy nhiều loại thuốc Ấn Độ, Trung Quốc, Pakistan trúng thầu rất lớn. Khảo sát kết quả trúng thầu của các đơn vị trong năm 2013, Cục Quản lý Dược cho biết, 120 mặt hàng thuốc Ấn Độ và 15 mặt hàng thuốc Trung Quốc cùng tên thương mại, dạng bào chế, nồng độ hàm lượng, nhà sản xuất (cùng là một loại thuốc) trúng thầu.
Tuy nhiên, điều đáng ngại là mới đây, Cục Quản lý dược công bố đợt khảo sát về chất lượng thuốc và cho biết nhiều doanh nghiệp Ấn Độ có thuốc vi phạm chất lượng. Theo ông Nguyễn Việt Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược, từ ngày 1-1-2011 đến 23-8-2013, cục đã phát hiện 37 công ty của 10 quốc gia có thuốc vi phạm chất lượng. Trong đó, 25 công ty dược phẩm của Ấn Độ có sản phẩm vi phạm chất lượng.
Thuốc Việt lép vế
Mặc dù được Công ty IMS Health (chuyên cung cấp thông tin, dịch vụ và công nghệ cho ngành công nghiệp chăm sóc sức khỏe toàn cầu) đánh giá cao về chất lượng, giá cả phù hợp và đã được chứng nhận tương đương sinh học (tương đương thuốc gốc) nhưng không ít loại thuốc sản xuất trong nước chịu thua trong cuộc chạy đua đấu thầu vào các cơ sở y tế công lập. Thuốc điều trị nhiễm khuẩn vừa và nặng có tên M. do một công ty dược trong nước sản xuất là một ví dụ. Loại thuốc này được giới điều trị đánh giá đáp ứng tốt hơn các loại thuốc tương tự nhập ngoại và năm 2012 đã chiếm đáng kể thị phần trong điều trị nội trú.
PGS-TS Trương Văn Tuấn, Chủ tịch Hội Dược sĩ bệnh viện TPHCM, trăn trở: “Với tiêu chí “chọn giá đánh giá thấp nhất” của Thông tư 01 đã khiến thương hiệu thuốc Việt không cạnh tranh nổi tuy chất lượng được đánh giá cao. Đó là thiệt thòi cho người bệnh bởi không được tiếp cận thuốc chất lượng, trong khi so sánh cặn kẽ, chưa hẳn giá đã cao so với thuốc nhập ngoại”. Một số thương hiệu thuốc Việt như Pythinam 500 (một loại kháng sinh mạnh) cũng do trong nước sản xuất có chất lượng được đánh giá ngang ngửa thuốc ngoại nhập, có giá cả hợp lý so với thuốc ngoại nhưng cũng lép vế trên sân nhà.
Theo Bộ Y tế, đấu thầu thuốc vào bệnh viện luôn đặt yếu tố tiêu chuẩn kỹ thuật trên hết, tức là chú trọng chất lượng thuốc trước khi chọn giá. Tuy nhiên, thực tế hầu hết các cơ sở y tế đều chọn trúng thầu với thuốc giá rẻ. Điều đó có nghĩa, nhiều loại thuốc sản xuất trong nước có chất lượng hơn hẳn thuốc nhập ngoại nhưng giá “nhỉnh” hơn cũng bị loại! Phát biểu trong buổi làm việc với Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM mới đây, ông Lê Văn Tăng, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu - Bộ KH-ĐT, cho rằng cần có rào cản các loại thuốc của Pakistan, Ấn Độ khi những loại thuốc này trong nước sản xuất tốt.
Hiện nay ngành dược trong nước đã cơ bản cung cấp đủ thuốc cho bệnh viện, thị trường, nên quan trọng không phải chạy theo số lượng mà hướng đến chất lượng, hiệu quả điều trị. PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, không ít công ty dược có uy tín về chất lượng đã rớt thầu ở nhiều bệnh viện trong đợt đấu thầu năm 2013.
“Theo Thông tư 01, thang điểm không phân biệt thuốc chất lượng cao hay thấp. Bởi những công ty dược đạt thang điểm từ 70 - 100 đều nằm trong diện được chấm thầu như nhau. Điều này đồng nghĩa, các loại thuốc của Ấn Độ, Trung Quốc, Pakistan sẽ được “lên sàn” đấu chung với thuốc của Mỹ, Bỉ, Italia và Pháp... Và xét về giá, thuốc của các nước châu Âu, kể cả Việt Nam khó lòng cạnh tranh nổi”, PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan nhìn nhận.
Theo các chuyên gia dược học, mục tiêu mang tính cốt lõi là qua việc đấu thầu thuốc làm sao thúc đẩy sản xuất thuốc trong nước phát triển, ngày càng hội nhập, có khả năng cạnh tranh, từng bước tham gia vào chuỗi giá trị dược phẩm của các nước trong khu vực và trên thế giới, đáp ứng mục tiêu phát triển ngành dược Việt Nam theo chiến lược quốc gia giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do Chính phủ đề ra. Đó mới chính là yêu cầu có tính mục tiêu quốc gia trong việc đấu thầu thuốc.
Theo Tường Lâm