Tín hiệu tốt cho xuất khẩu đồ gỗ
Trong khi nhiều ngành hàng XK gặp khó khăn thì ngành chế biến gỗ vẫn có sự tăng trưởng đáng kể do nhu cầu từ các thị trường dần phục hồi, mục tiêu XK 5,5 tỷ USD trong năm 2013 có khả năng đạt được.
Số liệu thống kê của Bộ NN&PTNT cho thấy, tháng 8-2013, XK gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt 432 triệu USD, đưa giá trị XK 8 tháng năm 2013 đạt trên 3,34 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2012.
Trong 7 tháng,
ngoại trừ thị trường Đức (giảm 14,4%) và Pháp (giảm 2,2%), XK gỗ và sản phẩm gỗ
sang các thị trường tiêu thụ lớn hầu hết đều tăng trưởng mạnh. Thị trường Hoa Kỳ
tăng 7,2%; Trung Quốc tăng 14,7%; Nhật Bản tăng 20,3% và Hàn Quốc tăng 48,2% so
với cùng kỳ năm ngoái.
Tương đương với mức tăng này, hiện tại, Hoa Kỳ vẫn là thị
trường dẫn đầu về kim ngạch, đạt trên 1 tỷ USD, chiếm 36,7% thị phần, với các sản
phẩm chính như ghế, giường bằng gỗ thông, bàn, tủ… Sản phẩm đồ gỗ của Việt Nam
cũng XK sang thị trường Trung Quốc đứng thứ 2 sau Hoa Kỳ với kim ngạch đạt
491,3 triệu USD. Đứng thứ 3 là thị trường Nhật Bản – thị trường tiềm năng trong
XK sản phẩm gỗ của Việt Nam với 441 triệu USD.
Bên cạnh các thị trường XK gỗ truyền thống như Mỹ, Nhật, EU,
Bộ Công Thương mới đây thông tin Canada trở thành thị trường NK đồ gỗ nội thất
tiềm năng với các sản phẩm mà DN Việt Nam có thể khai thác như mặt hàng ghế
khung gỗ, đồ nội thất dùng trong phòng ngủ, đồ nội thất phòng khách và phòng
ăn. Theo bộ này, với tăng trưởng kinh tế khả quan so với các nước khác, nhu cầu
tiêu dùng đồ gỗ của nước này cần được quan tâm. Hiện Canada đang dẫn đầu về NK
mặt hàng nội thất phòng ngủ từ Việt Nam.
Ông Nguyễn Tôn Quyền, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến gỗ và lâm sản Việt Nam (Vietfores) cho hay, thông thường từ tháng 9 đến tháng 12 mới là vụ XK chính của ngành gỗ tuy nhiên năm nay có sự khác biệt hơn.
Đầu tháng 8-2013, sản xuất đồ gỗ XK đã tăng, nhiều DN đơn hàng cao hơn hẳn so với cùng kỳ năm 2012. Nhiều DN đã ký đủ đơn hàng cho năm 2013, thậm chí có những DN đã từ chối nhận đơn hàng giao ngắn hạn bởi không đủ năng lực, tài chính, nguyên liệu. Yếu tố giúp thị trường hồi phục, ngoài nguyên nhân chính do nhu cầu thế giới tăng trưởng trở lại, làn sóng rời Trung Quốc của các thương nhân Nhật Bản cũng đã tạo cơ hội cho DN chế biến gỗ của Việt Nam đón nhận thêm được hợp đồng mới.
Với những tín hiệu tích cực từ thị trường, mục tiêu XK 5,3 tỷ USD của ngành chế
biến gỗ hoàn toàn có thể đạt được, ông Quyền nhận xét như vậy. Con số này cũng
tương đương với mức dự báo của Bộ NN&PTNT, tốc độ tăng trưởng kim ngạch XK
gỗ chế biến cả năm 2013 khoảng 10 đến 15%, kim ngạch ước đạt 5,5 tỷ USD.
Còn theo ông Lê Văn Khoa, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.
HCM, ngành chế biến gỗ có mức tăng trưởng ấn tượng và đang được đánh giá là
ngành có nhiều tiềm năng phát triển. Ông Khoa dẫn chứng, mặc dù nguyên liệu
cũng phải đi nhập nhưng ngành này vẫn có mức xuất siêu cao, đạt 3 tỷ USD trong
năm 2012. Hơn nữa, Việt Nam đang đứng thứ sáu thế giới, đứng thứ hai châu Á và
đứng đầu Đông Nam Á về XK đồ gỗ.
Cũng bởi thế nên khi được mời tham gia ý kiến cho đề án “Ưu
tiên phát triển các DN thuộc các lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh cao giai đoạn
2013-2020” do Bộ Công Thương xây dựng, ông Khoa cho rằng, nên đưa ngành chế biến
gỗ vào diện được ưu tiên phát triển. Không chỉ do vị thế hiện tại Việt Nam đã đạt
được mà trong tương lai, các nước vẫn tiếp tục gia tăng sử dụng sản phẩm gỗ. “Nếu
xác định đây ngành hàng cạnh tranh thì vấn đề thiếu nguyên liệu của ngành gỗ có
thể khắc phục được”, ông Khoa nói.
Như vậy gỗ và các sản phẩm gỗ là mặt hàng đóng góp đáng kể trong tổng kim ngạch XK hàng hóa của Việt Nam. Tuy nhiên, các sản phẩm đồ gỗ XK của Việt Nam hiện mới tập trung ở các dòng sản phẩm trung cấp trở xuống, thiếu các dòng sản phẩm cao cấp. Đây chính là điểm yếu của các DN Việt Nam so với nước láng giềng Trung Quốc.
Theo đánh giá của Hiệp hội Chế biến gỗ và thủ công
mỹ nghệ TP. HCM, hiện các DN chế biến gỗ Trung Quốc có thể gia công các sản phẩm
nội thất có giá thấp hơn đến 20% so với Việt Nam. Do vậy, để đáp ứng nhu cầu thị
trường các DN Việt Nam cần phải đổi mới trang thiết bị, nâng cao năng lực thiết
kế và chất lượng sản phẩm nếu không muốn mất dần khách hàng và thị trường.
Theo Phan Thu