MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vàng thau đừng lẫn lộn

23-10-2014 - 16:49 PM |

Có một chuyện vui rằng, một người đi bán rau (tạm coi đó là rau) nhưng mãi không có ai mua vì người bán hàng nghĩ rằng thôi rau nhà trồng được nên bán giá rẻ hơn một chút cũng không sao.

Nhưng những người hỏi mua khi nghe giá mà người bán hàng đưa ra thì lại tỏ ra nghi ngờ: chắc là rau này “có vấn đề” gì đó nên mới bán rẻ thế… Kết quả là sọt rau “tạm thời” bị ế…

Nếu như trước đây, tâm lý sính hàng ngoại, thích các mặt hàng có mẫu mã đẹp, nhất là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu cho đời sống hàng ngày thì thời gian gần đây, điều này lại có vẻ như đang đi theo chiều hướng ngược lại. Người tiêu dùng chuyển sang sử dụng các mặt hàng trong nước sản xuất hoặc có “xuất xứ” từ các vùng quê mà đơn giản hơn người tiêu dùng gọi là “sạch”.

Và cũng từ tâm lý này, đã xuất hiện tình trạng “đội lốt” lẫn nhau: hàng nước ngoài đội lốt hàng trong nước; hàng kém chất lượng đội lốt hàng “nhà dùng”. Cũng chính từ đây xuất hiện không ít chuyện tưởng như bịa kiểu như thả sâu vào rau nhằm chứng minh với người tiêu dùng đây là rau sạch; trồng rau, trồng lúa, trồng đậu, nuôi gà, nuôi lợn, nuôi cá một khoảnh riêng cho nhà ăn, còn để bán một chỗ riêng… Hay như việc các bà nội trợ cứ phải tìm các loại rau củ, cá tôm “xâu xấu” mà mua. Mũm mĩm, nuột nà quá là nghi ngờ ngay…

Rộng hơn nữa, đó là hàng loạt các mặt hàng nhập khẩu - chủ yếu theo đường tiểu ngạch đã tìm mọi cách phù phép trở thành hàng Việt. Và chạy theo tâm lý tiêu dùng, xuất hiện nhan nhản cửa hàng Made in Việt Nam. Người tiêu dùng tín nhiệm dùng hàng Việt một thời gian mới "tá hóa" chất lượng một số mặt hàng không phải vậy. Hệ quả là các mặt hàng trong nước phải chịu tiếng oan, bị người tiêu dùng tẩy chay thậm chí là không thể cạnh trạnh được. Cái mất lớn nhất đó là mất lòng tin với người tiêu dùng. Câu chuyện còn là nhà quản lý ở đâu khi những mặt hàng như vậy được lưu hành ?

Có một thời gian, câu nói “Hãy trở thành người tiêu dùng thông thái” được coi là “kim chỉ nam” để các bà nội trợ, các anh chồng, chị vợ đảm đang áp dụng. Nhưng thông thái làm sao được khi mà tình trạng một số mặt hàng “đội lốt” diễn ra tràn lan và tinh vi như vậy? Người tiêu dùng có ai không muốn mình thông thái đâu…Pháp luật bảo vệ người tiêu dùng đã có nhưng phải được thực thi trong cuộc sống. Phải lên tiếng trong những trường hợp cụ thể, kịp thời và thường xuyên.

Trở lại chuyện của người bán rau. Anh này tức quá mới hét giá thật cao. Và kết quả ngoài sức tưởng tượng: sọt rau của anh bán hết veo trong chốc lát.

Câu chuyện có thể có trong đời sống hàng ngày hoặc cũng có thể đó là hư cấu nhưng sâu xa hơn là thông điệp mà nó mang lại: hãy tạo dựng và củng cố niềm tin, đừng bao giờ để mất niềm tin với bất kỳ ai và trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Và rằng cuối cùng thì vàng vẫn là vàng, còn thau vẫn là thau không trộn lẫn mãi được.



Theo Minh Vân

hangnt

Người đại biểu nhân dân

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên