Xử lý bún "bẩn": Người tiêu dùng chưa yên tâm
Cách thức xử lý vi phạm và mức phạt tiền của cơ quan chức năng TP.HCM đối với một số cơ sở sản xuất bún tươi, bánh phở có sử dụng chất cấm còn nhẹ khiến người tiêu dùng chưa yên tâm...
Phạm pháp, vô đạo đức
Tuần qua, sau nhiều lần hứa hẹn, Sở Y tế và Sở Công Thương TP.HCM đã công bố và
xử phạt hơn 60 triệu đồng đối với 3 cơ sở sản xuất các sản phẩm bún tươi, bánh
phở, bánh hỏi có chứa chất cấm Tinopal, acid Oxalic. Trao đổi với phóng viên
chiều 13.8, bác sĩ Nguyễn Xuân Mai - nguyên Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh y tế
công cộng TP.HCM cho rằng, việc công khai cho công chúng biết các nhà sản xuất
sản phẩm độc hại trên là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, việc công bố này vẫn còn
chậm và xử lý chưa thỏa đáng.
Ông Mai bức xúc: “Tôi không đồng ý với quan điểm cho rằng việc công bố cần phải
cân nhắc đến lợi ích của các doanh nghiệp trong trường hợp này. Tôi thấy trước
tiên phải quan tâm đến lợi ích của người tiêu dùng là số đông đã. Tại sao phải
bảo vệ các cơ sở làm trái pháp luật, không có nhân tính và gián tiếp tham gia
vào mạng lưới ngầm mua bán, tiêu thụ, sử dụng hóa chất cấm làm hại sức khỏe con
người”.
Cũng theo phán đoán của ông Mai, lý do trên địa bàn TP.HCM phát hiện nhiều “bún
bẩn” là vì quá đông dân: 10 triệu dân. Các loại hình sản xuất kinh doanh đa dạng,
phân tán rộng khắp trên địa bàn lớn, phức tạp để đáp ứng cho nhu cầu về lương
thực, thực phẩm của hơn 10 triệu người. “Để sản xuất số lượng nhiều, họ phải
nghĩ mọi cách để làm cho nhanh, bắt mắt” - ông Mai nói.
TS Lâm Quốc Hùng - Trưởng phòng giám sát ngộ độc thực phẩm (Cục An toàn thực phẩm)
cho biết, các chất tẩy trắng Tinopal, acid Oxalic đều không được phép dùng
trong chế biến thực phẩm. Vì vậy, việc các chất độc hại này có trong bún, bánh
phở, bánh canh tươi... sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu
dùng.
Có thể truy cứu trách nhiệm hình sự?
Bác sĩ Mai cho rằng, ngoài thu hồi, tiêu hủy sản phẩm và phạt tiền, cần phải
thu hồi giấy phép kinh doanh, đình chỉ hoạt động các cơ sở sản xuất thực phẩm bẩn,
chứa chất cấm vừa qua. Ông quả quyết: “Đối với doanh nghiệp lớn nhỏ gì thì cũng
phải xử lý dứt khoát, không nương tay, nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
Thực phẩm độc hại sẽ tiềm ẩn những bệnh lâu dài, tạo ra gánh nặng bệnh tật cho
người dân...”.
Tuy nhiên, sau các thông tin chỉ phạt tiền các cơ sở sản xuất bún chứa tinopal ở
TP.HCM, nhiều người tiêu dùng đã đặt vấn đề tại sao không truy cứu trách nhiệm
hình sự những người có hành vi này? Luật An toàn thực phẩm có quy định tại Điều
6 về “Xử lý vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm” có quy định: “Vi phạm pháp
luật về an toàn thực phẩm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi
phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự”.
Ông Vương Ngọc Tuấn - phụ trách Văn phòng Tư vấn hỗ trợ giải quyết khiếu nại người tiêu dùng (Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam) cho biết, quyền lợi người tiêu dùng chưa được bảo vệ thỏa đáng. Việc đánh giá ảnh hưởng sức khỏe con người sau khi dùng các thực phẩm bẩn cũng chưa được đề cập đến, chưa có số liệu cụ thể, rõ ràng, nên người tiêu dùng khó tự tìm được các dấu hiệu “tức thì” khi chất độc gây bệnh mãn tính.
Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), kiểm tra vừa qua tại 4 địa phương (TP.HCM, Tây Ninh, Cần Thơ, Bà Rịa - Vũng Tàu) đã phát hiện 8 mẫu bún, bánh có chất Tinopal. Trong khi đó tại Hà Nội: giám sát 24 mẫu tại 12 chợ (trong 2 lần) không phát hiện mẫu nào bị ô nhiễm. Tại Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nam, Yên Bái, Bắc Kạn, Hà Tĩnh, Lào Cai đều không phát hiện mẫu nào có Tinopal. Diệu Linh |
Theo Quốc Ngọc - Tuấn Kiệt