MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xuất khẩu thực phẩm vào Mỹ: Doanh nghiệp "toát mồ hôi" vì FSMA

02-10-2014 - 14:07 PM |

Từ 1/10 đến 31/12/2014, các doanh nghiệp (DN) thực phẩm và dược phẩm khi xuất khẩu (XK) vào Mỹ sẽ phải đăng ký lại theo Luật hiện đại hoá an toàn vệ sinh thực phẩm (FSMA).

Quy định khá chi tiết và chặt chẽ này đã khiến nhiều DN XK vào Mỹ gặp không ít khó khăn trong việc đáp ứng các yêu cầu thủ tục của Luật mới.

Mặc dù có kinh nghiệm gần 5 năm XK các mặt hàng rau quả vào Mỹ, song Công ty Thực phẩm GOC vẫn không khỏi lúng túng khi Luật FSMA chính thức có liệu lực vào năm 2012, không những đặt ra yêu cầu cao hơn về an toàn vệ sinh thực phẩm và chất lượng hàng hoá, mà còn đưa ra quy định về việc đăng ký cơ sở kinh doanh với hàng hoá XK vào thị trường này.

Yêu cầu cao, DN khó đáp ứng

Theo ông Nguyễn Trung Thành, Giám đốc bán hàng của Công ty Thực phẩm GOC: "Khi có Luật FSMA, chúng tôi đã nghiên cứu rất rõ các quy định liên quan đến an toàn thực phẩm, song vẫn gặp không ít khó khăn trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn về sản phẩm, hoàn thiện các thủ tục giấy tờ theo quy định. 

Mặc dù cơ quan của Mỹ có cơ chế mở để các DN có thể tự đăng ký theo quy định, song các quy định này đưa ra rất chi tiết, nên nếu các DN mà tự đăng ký thì mất rất nhiều thời gian, mà đôi khi là không đúng. Nhất là những yêu cầu khai báo về mặt kỹ thuật với sản phẩm, khai báo trong hệ thống cơ quan FDA nhiều khi không đúng, nên DN rất khó để có thể tự đăng ký".

Luật FSMA chính thức có hiệu lực vào năm 2012 yêu cầu tất cả các DN khi XK hàng thực phẩm và đồ uống, dược phẩm cho người và động vật vào thị trường Mỹ phải đăng ký cơ sở sản xuất và đăng ký người đại diện tại Mỹ. 

Ngoài ra, cứ hai năm một lần, nghĩa là vào các năm chẵn, các DN XK vào thị trường này sẽ phải đăng ký lại cơ sở sản xuất và người đại diện tại Mỹ với Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) để được cấp mã số kinh doanh hợp lệ mới. Như vậy, thời gian tiến hành đăng ký lại cho năm nay là từ 1/10 đến hết 31/12/2014. 

Cũng theo quy định của FSMA, nếu trong khoảng thời gian nêu trên, DN Việt Nam không tiến hành đăng ký lại với FDA, khi XK hàng vào Mỹ có thể bị từ chối không cho vào cảng và không cho nhận hàng.

Ông David Lennarz, Phó Chủ tịch công ty Registrar Corp (chuyên tư vấn các DN XK sang Mỹ), còn cho biết thêm thông tin là với những DN đăng ký lại, FDA sẽ thẩm tra lại DN cũng như nhà máy sản xuất. Cơ quan FDA thường chọn thanh tra đối với cơ sở có nguy cơ cao, hàng hoá đặc thù, từng từ chối bị nhập khẩu, nhà XK mới hoặc xuất với số lượng lớn. 

Được biết, có nhiều DN "mắc lỗi" khi xuất hàng sang thị trường này, chịu thiệt hại lớn do chưa tiếp cận đầy đủ và cặn kẽ các quy định an toàn thực phẩm, dược phẩm của FDA, chủ yếu là thực phẩm có axit, hải sản, trái cây và rau quả tươi, gia vị… Nguyên nhân đầu tiên mà sản phẩm bị lưu giữ là do quy cách ghi nhãn không chính xác, nguyên liệu không được chấp nhận, ghi chú cảnh báo sức khỏe không được cho phép…

Cần có đại diện thương mại

Bởi theo FSMA, nếu hàng hoá nhập khẩu vào thị trường này không tuân thủ các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo chất lượng và đăng ký cơ sở sản xuất, không những hàng hoá sẽ bị thu giữ hoặc tiêu huỷ mà DN XK có thể phải chịu một khoản tiền phạt, hoặc thậm chí là bị khởi tố hình sự vì phía Mỹ coi đây là hành động "bị cấm nhưng vẫn làm". 

Đặc biệt, tháng 10/2015 FDA sẽ ban hành những quy định mới liên quan đến XK thực phẩm, dược phẩm như yêu cầu về đóng gói, chỉ định đại diện thương mại tại Mỹ, kết nối chuyển hàng trước khi đến Mỹ hay ghi nhãn phải phù hợp, DN phải xây dựng kế hoạch an toàn thực phẩm và phát triển thành hệ thống…

Với những yêu cầu ngày càng cao và chặt chẽ, đại diện của Công ty Thực phẩm GOC cho biết chỉ đến khi hợp tác với một công ty tư vấn XK, hoạt động XK vào Mỹ của GOC mới "thuận buồm xuôi gió". Bởi theo ông Thành, việc đại diện thương mại tư vấn và làm thủ tục đăng ký sẽ giúp DN giảm thời gian, chi phí và không gặp nhiều khó khăn, sai sót khi làm các thủ tục, đáp ứng các tiêu chuẩn, tiêu chí của phía Mỹ. 

Hoặc khi phía Mỹ cử đoàn sang thanh tra, kiểm tra nhà máy và DN, quy trình sản xuất sản phẩm, đại diện thương mại cũng sẽ hỗ trợ giúp DN chuẩn bị tốt nhất các vấn đề liên quan, nhằm đáp ứng các yêu cầu về quản lý của nước nhập khẩu.

Theo thương vụ Việt Nam tại Mỹ, FSMA quy định phạm vi các sản phẩm bị kiểm tra gồm tất cả các mặt hàng để chế biến ra đồ ăn, thức uống hoặc chỉ một thành phần trong đồ ăn thức uống. 

Các cơ sở làm hàng thực phẩm XK của Việt Nam gồm cơ sở sản xuất, đóng gói hoặc lưu kho hàng thực phẩm để tiêu thụ tại Mỹ sẽ không phải làm thủ tục đăng ký nếu hàng thực phẩm đó trước khi XK vào Mỹ tiếp tục được chế biến, đóng gói tại một cơ sở khác ở nước ngoài. Tuy nhiên, nếu cơ sở khác tại nước ngoài chỉ đóng vai trò rất nhỏ trong việc tạo ra sản phẩm cuối cùng như chỉ dán nhãn sản phẩm thì cả hai cơ sở trong nước và nước ngoài đều phải làm thủ tục đăng ký.

Còn theo khuyến cáo của ông David, DN XK của Việt Nam phải thông báo cho cơ quan FDA trước khi chuyến hàng đến Hoa Kỳ thay vì sau khi đến mới thực hiện thủ tục; đồng thời phải khai báo cho tất cả các chuyến hàng bằng đường biển, hàng không, chuyển phát nhanh hay đường bộ. 

DN cần có đại diện thương mại làm cơ quan tư vấn, hỗ trợ DN trong việc hoàn thiện các quy trình, thủ tục liên quan, đồng thời tăng cường tham gia các hội chợ, hội thảo xúc tiến thương mại để tìm kiếm các nhà tư vấn có uy tín, nhà nhập khẩu lớn.

Xuất khẩu vào Mỹ: Mặt hàng nào dễ bị thanh tra?

Theo Cẩm An

khanhnt

Thời báo kinh doanh

Trở lên trên