Hàng triệu người già Trung Quốc không dám nghỉ hưu
Sau ba thập kỷ bán bánh sữa tự làm trên đường phố Tây An, Trung Quốc, ông Hu Dexi, 67 tuổi, lẽ ra phải có cuộc sống an nhàn hơn.
- 14-04-2024Người già Trung Quốc gây sốt trên TikTok
- 11-05-2023Người già Trung Quốc ung dung tận hưởng tuổi xế chiều: Phía sau là câu chuyện nỗi lo của giới trẻ
- 23-11-2022Người già Trung Quốc 'hết thời' trông cháu, dọn nhà: Hàng ngày quay TikTok, đọc rap và kiếm cả trăm nghìn đô sau mỗi lần livestream
Tuy nhiên, ông Hu cùng người vợ lớn tuổi lại phải chuyển đến ngoại ô Bắc Kinh để tiếp tục làm việc. Họ dậy từ 4h sáng hằng ngày để chuẩn bị đồ ăn trưa, sau đó di chuyển đến trung tâm thương mại trong thành phố. Tại đây, mỗi người làm công việc vệ sinh 13 tiếng đồng hồ mỗi ngày và nhận mức lương 4.000 nhân dân tệ (552 USD)/tháng.
Đối với vợ chồng ông Hu và hàng triệu người lao động nông thôn khác sắp đến tuổi nghỉ hưu , họ chỉ có một lựa chọn khác là trở về quê, sống dựa vào mảnh đất nhỏ và khoản lương hưu 123 nhân dân tệ (khoảng 17 USD) hằng tháng.
Chia sẻ với Reuters , ông Hu vừa lau dọn sàn vừa cho biết vợ chồng ông không thể dựa vào ai. “Tôi không muốn trở thành gánh nặng cho hai đứa con, cũng không thể sống dựa vào lương hưu”.
Thế hệ từng đổ xô về các thành phố Trung Quốc vào cuối thế kỷ trước giờ đây phải đối mặt với cuộc sống vất vả khi về già. Họ là thế hệ xây dựng nên nhiều công trình hạ tầng và làm việc tại các nhà máy để góp phần đưa Trung Quốc trở thành nước xuất khẩu lớn nhất thế giới.
Reuters đã phỏng vấn nhiều lao động nông thôn di cư, các nhà nhân khẩu học, nhà kinh tế học và cả cố vấn chính phủ, họ đều cho rằng hệ thống an sinh xã hội của Trung Quốc hiện nay không phù hợp để giải quyết cuộc khủng hoảng dân số ngày càng nghiêm trọng hơn. Nhu cầu về dịch vụ xã hội cũng gia tăng nhanh chóng khi dân số dần già hóa.
Fuxian Yi, một chuyên gia về nhân khẩu học tại Đại học Wisconsin-Madison, cho rằng nhiều người già ở Trung Quốc sẽ phải sống vất vả. Ngày càng nhiều công nhân di cư trở về nông thôn. Một số người chấp nhận việc làm lương thấp để mưu sinh.
Nếu những người di cư này chỉ dựa vào mức lương hưu cơ bản ở nông thôn Trung Quốc, mức sống của họ vẫn thấp hơn chuẩn nghèo của Ngân hàng Thế giới, tức là 3,65 USD/ngày, dù nhiều người cố gắng kiếm thêm thu nhập bằng cách làm việc ở các thành phố hoặc bán nông sản.
Thống kê mới nhất của Trung Quốc cho thấy, khoảng 94 triệu người lao động (tương đương 12,8% lực lượng lao động của Trung Quốc) đã trên 60 tuổi từ năm 2022. Con số này tăng đáng kể so với mức 8,8% năm 2020.
Mặc dù vẫn thấp hơn so với các quốc gia phát triển như Nhật Bản và Hàn Quốc, tỷ lệ này dự kiến sẽ tăng mạnh khi có thêm hơn 300 triệu người Trung Quốc bước vào tuổi 60 trong thập kỷ tới.
Một phần ba trong nhóm này là những người di cư từ nông thôn, những người thiếu kỹ năng chuyên môn trong nền kinh tế đang hướng tới nâng cao chuỗi giá trị.
Reuters dẫn ý kiến của một cố vấn Chính phủ Trung Quốc cho biết, lý do chính khiến Trung Quốc chưa xây dựng được mạng lưới an sinh vững chắc hơn cho những người lao động như vậy là do các nhà hoạch định chính sách lo ngại nền kinh tế có thể rơi vào bẫy thu nhập trung bình, vì thế nhà nước vẫn ưu tiên mở rộng việc làm hơn là chia sẻ của cải.
Tiền Phong