Hàng tỷ USD từ nước ngoài sẵn sàng đổ vào Thị trường chứng khoán Việt Nam
Xu hướng các DN nước ngoài tham gia hoạt động M&A tại thị trường Việt Nam, các quỹ đầu tư rót tiền mua cổ phiếu cổ phần hóa niêm yết vẫn đang được kỳ vọng sẽ tiếp tục tích cực.
Nửa năm đã đi qua, thi trường chứng khoán Việt Nam vẫn đang trên hành trình chinh phục các mức đỉnh cao trong nhiều năm và tiến về mức đỉnh cao nhất trong lịch sử của 10 năm trước.
Chỉ số VN-index kể từ đầu năm nay đã có mức tăng trưởng lên 19,5%, vươn lên mốc 793 điểm vào cuối phiên giao dịch ngày 07/8. Theo nhận định của giới phân tích, đóng góp rất lớn vào sự tăng trưởng của thị trường từ đầu năm là sự tham gia rất tích cực của nhà đầu tư nước ngoài.
Tính đến hết phiên 7/8, lượng mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài trên sàn HOSE đạt trên 11.700 tỷ đồng. Riêng thị trường trái phiếu, số liệu của Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia cho thấy, khối ngoại đã mua ròng 700 triệu USD trái phiếu. Như vậy, tính chung cả 2 thị trường, khối ngoại đã mua ròng trên thị trường chứng khoán Việt khoảng 1,2 tỷ USD.
Chỉ số VN Index (nguồn: fireant.vn)
Bằng quan sát của mình cùng với việc trực tiếp tham gia nhiều thương vụ đầu tư, ông Sử Ngọc Khương - Giám đốc Bộ phận Đầu tư Savills dự báo rằng: Trong 2 quý còn lại trong năm nay, từ nhiều lĩnh vực khác nhau như sản xuất, thương mại, dịch vụ, bán lẻ và kể cả bất động sản sẽ có những thay đổi đáng kể và có sự bứt phá về nguồn vốn gián tiếp và trực tiếp.
Nguyên nhân được ông Khương đưa ra dự báo trên là thứ nhất, trong giai đoạn từ nay đến cuối năm thì các DN sẽ quyết liệt đạt chỉ tiêu tăng trưởng của DN đề ra; Thứ hai, để thu hút được nguồn vốn thì áp lực từ cuối năm đẩy lên rất là cao. Do đó, cung cầu sẽ gặp nhau, các DN ở nước ngoài thì cho thấy rằng, đây là cơ hội để họ tham gia mua vào. Ngoài ra, đây cũng là thời điểm mà thông thường các nhà đầu tư nước ngoài thấy thích hợp nhất để giải ngân và kỳ vọng một tỷ lệ lợi nhuận trong vòng 6 tháng đến 1 năm.
“Khả năng nguồn vốn sẽ tăng lên khá nhiều từ các NĐT nước ngoài. Đặc biệt là nguồn vốn từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Hong Kong và mới đây thậm chí nhà đầu tư Trung Quốc cũng đang đổ tiền vào tài chính và bất động sản…” Ông Khương cho biết.
Theo số liệu của UBCKNN, các quỹ đầu tư nước ngoài đang còn 1,5 tỷ USD tiền mặt sẵn sàng giải ngân trong 6 tháng cuối năm.
“Tiền thì đã sẵn sàng, nhưng tốc độ giải ngân còn tùy thuộc vào cổ phiếu của các công ty niêm yết và sự tăng trưởng trên thị trường hiện nay có đáp ứng nhu cầu của các NĐT NN giải ngân hay không?”, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển nhận xét.
Nhìn xa hơn về xu thế của dòng tiền nhà đầu tư nước ngoài, có thể phân ra thành 2 nhóm chính: một đường là vốn ngắn hạn vào nhanh rút nhanh và dòng tiền trung dài hạn vào đều đặn.
“Trước mắt, dòng tiền ngắn hạn thì phụ thuộc rất nhiều vào tỷ giá, chính sách vĩ mô của chính phủ kể cả sự cạnh tranh với các nước khu vực kể các các nước phát triển khác. VN sẽ không thua các nước khác trong việc cạnh tranh dòng vốn này.
Còn về nguồn vốn trung dài hạn, tôi tin rằng nguồn vốn này sẽ tiếp tục vào VN bởi vì dư địa phát triển của chúng ta vẫn còn rất lớn.” TS. Hiển nhận định.
Lý giải về nhận định trên, TS. Hiển cho rằng: Thứ nhất, NĐT NN nhìn vào giá trị gia tăng VN vẫn còn rất lớn. Một mặt nào đó, VN vẫn đang còn những yếu kém so với các nước trong khu vực. Những yếu kém đó là đúng nhưng cũng chính đó trở thành tiềm năng mà những NĐT trung dài hạn nhận thấy. Chính vì còn yếu kém mới có thể tiếp tục tăng trưởng và phát triển khi chúng ta sửa đổi được, khi sửa đổi được sẽ tạo ra lợi nhuận cao.
Thứ hai, TS. Hiển cho rằng nguồn vốn đối ứng từ thị trường nội địa rất lớn của người dân chưa tham gia là cơ sở để các NĐTNN tin rằng, thị trường chứng khoán còn nhiều nguồn lực để tăng trưởng.
Thứ 3, mỗi thị trường có rủi ro và sinh lời nhất định. Thị trường VN đang có mức rủi ro cao hơn những nước phát triển. Nhưng ngược lại thị trường như vậy thì mức độ sinh lời cao hơn. Nhiều nhà đầu tư đã thắng lớn trong 6 tháng đầu năm nay, các quỹ đầu tư cũng có những mức sinh lời khoảng 30% chỉ trong 6 tháng. Trong khi đó, những thị trường phát triển như Nhật thì không thể nào có được mức sinh lời đó. Do vậy, các NĐT trung dài hạn vẫn tiếp tục đưa vốn sang VN, nhận thấy điều đó, dòng vốn ngắn hạn của các quỹ đầu tư, ETFs cũng vào theo.
Bên cạnh những nhận định khá tích cực của các chuyên gia về kịch bản dòng vốn ngoại trong 2 quý còn lại trong năm, thì sắp tới, thị trường chứng khoán phái sinh cũng dự kiến sẽ ra mắt sản phẩm đầu tiên là hợp đồng tương lai chỉ số VN30. Dự kiến thời gian đầu mở cửa, thị trường phái sinh sẽ thu hút chủ yếu các tổ chức đầu tư, các nhà đầu tư chuyên nghiệp.
“Qua các lần tiếp xúc với các tổ chức đầu tư trên thị trường, chúng tôi nhận thấy mối quan tâm của họ rất lớn. Các CTCK Hàn Quốc, Nhật Bản cũng tỏ ý quan tâm và đang tiếp xúc tìm hiểu về các quy định pháp lý trên thị trường phái sinh. Việc mở cửa thị trường phái sinh sẽ thu hút thêm dòng vốn khốn ngoại vào TTCK Việt Nam cũng như tạo các chiến thuật và công cụ đầu tư hiện đại hơn cho các nhà đầu tư trong thị trường.” nhóm phân tích CTCK BSC dự báo.