MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hàng Việt nỗ lực lấy lòng người Việt

Những nỗ lực vận động "Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt", kết nối tiêu dùng… vẫn chưa thể giúp sản phẩm nội tìm được chỗ đứng vững chắc hơn ngay ở sân nhà.

Cánh cửa hội nhập mở toang, hàng ngoại tràn vào ngày càng nhiều đồng nghĩa với "đất sống" cho các sản phẩm thuần Việt càng bị thu hẹp.

Hàng Thái Lan, Nhật, Hàn được chuộng

Kết quả khảo sát hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC) của Hội Doanh nghiệp (DN) HVNCLC vừa công bố trước Tết 2018 cho thấy những thay đổi đáng ngại: sản phẩm trong nước dù còn chiếm ưu thế trên thị trường với tỉ lệ số đông người tiêu dùng yêu thích và thường mua dùng (51% và 60%) nhưng tỉ lệ này đã giảm đáng kể so với kết quả khảo sát năm 2017.

Hàng Việt nỗ lực lấy lòng người Việt - Ảnh 1.

Sản phẩm nội dần yếu thế trước làn sóng hàng ngoại đang ồ ạt vào Việt Nam Ảnh: Hoàng Triều

Trong khi đó, các sản phẩm ngoại nhập có xuất xứ Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc... đang dần lấy được niềm tin, chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng Việt khi hàng Trung Quốc bị quay lưng. Ở đợt khảo sát trước, sản phẩm ngoại nhập từ Thái, Nhật, Hàn được người tiêu dùng thường mua chỉ dưới 3% thì năm 2017 đã tăng lên 8%-10%, thậm chí có những sản phẩm như bánh kẹo, đồ uống, tỉ lệ mua dùng khá cao.

Sự trỗi dậy của hàng ngoại, đặc biệt là hàng Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc..., thể hiện rõ ngay trong dịp Tết nguyên đán 2018. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong tháng 1-2018, Việt Nam chi hơn 167 triệu USD để nhập hoa quả các loại kim ngạch tăng hơn 70% so với cùng kỳ năm trước và tăng cao nhất so với các nhóm hàng nông lâm thủy sản. Đến cao điểm Tết, lượng nhập rau quả càng tăng, trong đó nhập khẩu từ Thái Lan lớn nhất, đến 73 triệu USD; tiếp theo là Trung Quốc với 38 triệu USD và Mỹ với hơn 18 triệu USD; xếp sau đó là Hàn Quốc, Úc, New Zealand...

Còn theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 1-2018, Việt Nam ước nhập siêu 300 triệu USD. Hàng hóa nhập khẩu trong tháng 1 ước tính tăng 47,4% so với cùng kỳ năm 2017, chủ yếu do nhu cầu nhập khẩu hàng hóa phục vụ sản xuất, tiêu dùng trong tháng giáp Tết. Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước tính đạt 5,7 tỉ USD, tăng 45,6% so với cùng kỳ năm 2017; Hàn Quốc đứng thứ hai với 4,2 tỉ USD, tăng 54,2%; ASEAN đứng thứ ba đạt 2,6 tỉ USD, tăng 46,3%.

Mất dần lợi thế

Tổng giám đốc một hệ thống phân phối lớn tại Việt Nam thừa nhận hàng hóa nhập khẩu từ Nhật, Hàn, Thái đang tăng nhanh và có phần lấn lướt hàng cùng chủng loại sản xuất trong nước bởi ngoài yếu tố tương đồng về văn hóa thì DN các nước này đang đầu tư vào Việt Nam rất mạnh. "DN họ đi trước chúng ta đến mấy bậc về công nghệ sản xuất, chất lượng sản phẩm nên vượt trội. Các DN Việt cũng đang ráo riết nâng cấp công nghệ nhưng đa phần là đầu tư chưa tới hoặc thiếu tiềm lực tài chính, thiếu tầm nhìn dài hạn và tâm lý muốn đầu tư ngắn hạn, chi phí thấp, thu hồi vốn nhanh nên không thể chạy đua đường dài với họ" - vị này phân tích.

Một ưu thế không nhỏ khác của các DN ngoại là mạng lưới bán lẻ. Các chuyên gia của Hội DN HVNCLC đã chỉ ra chính việc thâu tóm hệ thống kênh bán lẻ đã tạo lợi thế cạnh tranh rất lớn cho sản phẩm ngoại. Đến thời điểm hiện tại, 4 hệ thống bán lẻ được coi là lớn nhất Việt Nam, gồm: Mega Market (tên gọi cũ là Metro) với 19 siêu thị, B’smart với 75 cửa hàng tiện lợi (định hướng mở 3.000 cửa hàng), Big C có 32 siêu thị, Robinson với chuỗi siêu thị thuộc DN Thái Lan, chưa kể Central Group nắm 49% cổ phần hệ thống siêu thị điện máy Nguyễn Kim. Tương tự, Nhật Bản có hệ thống đại siêu thị Aeon Mall, trung tâm thương mại Saigon Centre, hệ thống cửa hàng tiện ích như Family Mart, mới nhất là hệ thống 7-Eleven. Hàn Quốc gắn liền với tên tuổi của Lotte, Emart và mới đây nhất là SG25...

Hệ thống bán lẻ là nhân tố quan trọng tạo được không gian để sản phẩm có thể tiếp cận, kết nối và từng bước chinh phục người tiêu dùng. Theo ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Vinamit, sự biến mất của một số hệ thống phân phối nội địa cũng như áp lực cạnh tranh đè nặng lên những hệ thống hiện hữu đã góp phần làm giảm đất sống của hàng Việt.

"Người tiêu dùng mua sắm ở kênh chợ truyền thống vẫn còn tâm lý thích hàng giá rẻ; mua sắm ở kênh hiện đại thì thích hàng ngoại. Các DN Việt muốn có chỗ đứng trong hệ thống phân phối của người Nhật, Hàn, Thái... phải đáp ứng được yêu cầu chất lượng, thị hiếu tiêu dùng theo tiêu chuẩn của họ và sản phẩm phải khác biệt. Trong khi đó, từ Chính phủ, hiệp hội đến DN chưa có bài toán thương mại rõ nét nên khó tạo sự khác biệt và lợi thế cho hàng Việt" - ông Viên nêu.

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN HVNCLC, cho rằng các DN ngoại không chỉ thâu tóm không gian kết nối người tiêu dùng với sản phẩm mà còn chủ động thực hiện nhiều chương trình kích hoạt nhằm đánh động "xúc cảm" để thu hút và chinh phục người tiêu dùng. Cùng với đó là sự hỗ trợ thiết thực và hiệu quả từ các cơ quan nhà nước của họ. Trong cuộc đua trên thị trường, sản phẩm của DN, quốc gia nào chinh phục được niềm tin của người tiêu dùng thì sẽ có nhiều lợi thế.

Thua vì đánh mất uy tín

Theo Hội DN HVNCLC, niềm tin của người tiêu dùng vào thương hiệu Việt có phần bị lung lay, khi nhiều DN Việt làm ăn không minh bạch và thiếu chân chính, gây ảnh hưởng đến uy tín của hàng Việt. Như trường hợp một chiếc khăn 2 nhãn mác của thương hiệu Khaisilk; hay những thương hiệu Việt càng có uy tín trên thị trường lại phải đối diện với mức độ rủi ro nhiều hơn bởi nạn hàng gian, hàng giả. Đó không chỉ là câu chuyện riêng lẻ của từng DN, từng vụ việc mà còn là câu chuyện của các cơ quan quản lý, kiểm duyệt và cả người tiêu dùng. Niềm tin của người tiêu dùng vào uy tín của hàng Việt bị xói mòn, sẽ càng tạo ra những lỗ hổng.T.Phương

Sổ tay

Đổi tư duy, thay cách làm

Không ai phủ nhận chủ trương cuộc vận động "Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt" đã góp phần tạo nên làn sóng dùng hàng nội, một cách để ủng hộ cộng đồng DN "nhỏ bé" trong nước trước sự lấn át của hàng ngoại nhập, của các đại gia nước ngoài đã và đang ồ ạt đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. 17 năm cuộc vận động ưu tiêu dùng hàng Việt, không dài nhưng cũng không quá ngắn để chúng ta đủ nhận ra rằng: Đã đến lúc cần chuyển từ lượng sang chất, từ sự yêu mến và ủng hộ hàng Việt sang trách nhiệm của DN đối với những sản phẩm mình làm ra, với cộng đồng xã hội.

Vì sao? Vì một lẽ đơn giản, gần đây rất nhiều sản phẩm trong nước được đóng mác "hàng xịn" và xem đó như bảo chứng khả tín đối với người tiêu dùng nhưng chất lượng chẳng tới đâu. Ngay cả trong siêu thị, nhiều hàng hóa đã cận hoặc hết "date", DN vẫn xóa nhãn cũ, dán nhãn mới. Nhiều DN ỷ lại, chủ quan, thiếu ý thức tư duy tổ chức lại sản xuất, làm vội làm vàng, "ăn xổi, ở thì" vì tin rằng sản phẩm đã đi vào lòng người tiêu dùng. Vụ nước tương nhiễm 3-MCPD, nước mắm "bẩn", nhiều vụ thực phẩm bẩn, đặc biệt gần đây nhất là vụ Khaisilk, đến lúc này, người tiêu dùng mới té ngửa ra mà than: "À, thì ra là thế!".

Bước vào hội nhập kinh tế quốc tế, hàng hóa Việt Nam cũng như các DN nội địa không đủ sức đứng vững nói chi đến cạnh tranh với hàng hóa chất lượng cao được nhập từ nước ngoài. "Thua ngay trên sân nhà" là cụm từ quen tai được lặp đi lặp lại trên các diễn đàn, báo chí và cả trong nội bộ các DN. Từ chỗ thiếu vắng hàng hóa nhập khẩu chất lượng cao đến chỗ người tiêu dùng được tiếp cận những sản phẩm chất lượng cao được nhập ồ ạt hoặc do chính các DN FDI sản xuất…, đẩy hàng hóa nội địa đứng trước một thử thách vô cùng to lớn: Thay đổi hay là chết? Thay đổi như thế nào?

Trước hết, phải thay đổi tư duy từ phía cộng đồng DN. Phải chuyển nhà sản xuất, DN thành chủ thể có trách nhiệm đối với người tiêu dùng, đối với xã hội. DN phải tập trung nghiên cứu, cải tiến, đổi mới sản xuất. Sản phẩm làm ra không chỉ để thỏa mãn sức sáng tạo của DN mà còn phải đủ sức cạnh tranh và cạnh tranh ngang ngửa với hàng ngoại, lúc đó mới có khả năng chinh phục được người tiêu dùng trong nước ngày càng thông minh, sẵn sàng bỏ nhiều tiền hơn để sở hữu những sản phẩm, dịch vụ tốt hơn. Lúc ấy, DN không chỉ thành công mà là "trả ơn" lại người tiêu dùng.

Trần Xuân Thái

Theo Thái Phương - Thanh Nhân

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên