Hành trình phụng sự giáo dục Việt Nam của Hiệu trưởng trường đại học CMC
Sau những đóng góp trong công tác giáo dục đại học tại Nhật Bản, PGS.TS Nguyễn Ngọc Bình quyết định quay trở về Việt Nam với khát vọng nâng cao chất lượng giáo dục nước nhà. Mong muốn đào tạo nên thế hệ công dân số tinh hoa cho đất nước luôn thôi thúc trên hành trình trở về của Hiệu trưởng Trường Đại học CMC.
Trước khi được bổ nhiệm vị trí Hiệu trưởng tại Trường Đại học CMC (tiền thân là Trường Đại học MTCN Á Châu), PGS.TS. Nguyễn Ngọc Bình đã có hơn 40 năm công tác tại các cơ sở giáo dục trong và ngoài nước như: Trưởng bộ môn Công nghệ phần mềm, Giám đốc Thư viện và Mạng Thông tin - Trường Đại học Bách khoa Hà Nội (1982-2006); Phó Hiệu trưởng, Bí thư Đảng ủy - Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ - ĐH Quốc gia Hà Nội (2006-2014); Viện trưởng Viện Quốc tế Pháp ngữ (2014-2016); Giáo sư Đại học Hosei (2016-2019), Giáo sư Phó Hiệu trưởng Trường Sau Đại học Công nghệ Thông tin Kyoto (KCGI, Nhật Bản) (3/2019-3/2022). Ông cũng tham gia nhiều hội đồng chuyên môn CNTT-TT ở trong nước và quốc tế, là thành viên Ban cố vấn quốc tế của Viện CNTT-TT Nhật Bản (NICT) (4/2014-3/2019), là Chủ tịch Hội Vô tuyến - Điện tử Việt Nam (REV) (2014-2018) và tham gia các ban chuyên môn của các tổ chức học thuật CNTT-TT quốc tế như ACM/IEEE, IEICE, APEN, TEIN2, NAIS, ...
Ông cũng là người Việt Nam đầu tiên được một Trường Đại học của Nhật Bản (Trường Sau Đại học Công nghệ Thông tin Kyoto, Nhật Bản - KCGI) mời và bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Hiệu trưởng và phong Giáo sư. Trong sự nghiệp của mình, nhờ những đóng góp quan trọng trong việc thúc đẩy giao lưu, hợp tác, tăng cường quan hệ hữu nghị giữa Nhật Bản và Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục đại học, PGS. TS Nguyễn Ngọc Bình đã được Thủ tướng Chính phủ trao tặng Bằng khen năm 2009. Trong vai trò Chủ tịch Hội cựu lưu học sinh Việt Nam tại Nhật Bản (VAJA) (2004-2013) sau đó là Chủ tịch danh dự của VAJA, ông đã có vinh dự nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nhật Bản năm 2014.
PGS.TS. Nguyễn Ngọc Bình chia sẻ, sau thời gian công tác và làm việc tại Nhật Bản, ông đã lĩnh hội và rút ra được nhiều kinh nghiệm trong quá trình chuyển đổi số giáo dục khi trực tiếp tham gia vào hoạt động đào tạo, trao đổi học thuật giữa hai nước Việt – Nhật. Tuy nhiên, dù đã đạt được những thành công nhất định tại cường quốc công nghệ, nhưng Hiệu trưởng Trường Đại học CMC luôn trăn trở mong muốn được quay trở về quê hương, góp phần cống hiến cho nền giáo dục đại học Việt Nam và thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia.
Nói về quyết định quay trở về Việt Nam và đảm nhiệm chức vụ Hiệu trưởng Trường Đại học CMC, PGS.TS. Nguyễn Ngọc Bình cũng chia sẻ một số kế hoạch phát triển Nhà trường trong thời gian tới theo hướng tiên phong xây dựng Đại học số, xây dựng môi trường học thuật khai phóng và tiên tiến, trở thành một trường đại học được xã hội tin cậy… Đồng thời, ông cũng đề cập đến nhiệm vụ xây dựng đại học số để giải quyết bài toán tăng quy mô đào tạo nhân lực bậc cao và luôn đảm bảo chất lượng theo các chuẩn kỹ năng chuyên môn được thế giới tin dùng...
PGS. TS. Nguyễn Ngọc Bình nhận quyết định bổ nhiệm chức vụ Hiệu trưởng Trường Đại học CMC (tiền thân là Trường Đại học MTCN Á Châu)
Trong nhiệm kỳ công tác, PGS.TS Nguyễn Ngọc Bình đặt ra mục tiêu hàng đầu của Nhà trường là xây dựng đội ngũ và tiên phong ứng dụng công nghệ số trong đổi mới quản trị đại học và đổi mới chất lượng giảng dạy; nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, chất lượng đầu ra cho sinh viên; nâng cao các chỉ số về mức độ hài lòng của người học và nhà tuyển dụng trong tương lai.
Với năng lực lãnh đạo đã được minh chứng qua các thành tựu trong lĩnh vực giáo dục, PGS.TS.Nguyễn Ngọc Bình được kỳ vọng sẽ có nhiều đóng góp cho sự phát triển của Trường Đại học CMC trên con đường chuyển đổi số và thực hiện tiêu trở thành đại học số hàng đầu châu Á, nằm trong top đầu thế giới về một số ngành khoa học, công nghệ mới vào năm 2033 và trở thành đại học đẳng cấp thế giới vào năm 2043, góp phần đáp ứng nhu cầu nhân lực trình độ cao cho Việt Nam và thế giới trong cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Đồng thời, Hiệu trưởng Trường Đại học CMC cũng tin tưởng rằng, với sự hỗ trợ của Tập đoàn Công nghệ CMC cùng mạng lưới hợp tác và chia sẻ giữa các trường đại học công nghệ kỹ thuật uy tín ở Việt Nam, Trường Đại học CMC sẽ là một không gian sáng tạo và học tập không ngừng cho người Việt Nam.
Về trường Đại học CMC (mã trường: MCA): Là một thành viên thuộc Tập đoàn Công nghệ CMC, Trường Đại học CMC được nâng cấp, mở rộng và phát triển theo hướng đại học đa ngành, trong đó đặc biệt tập trung vào những ngành công nghệ và kỹ thuật mũi nhọn. Với khoản đầu tư hơn một ngàn tỷ đồng của giai đoạn một, Trường Đại học CMC ưu tiên nâng cấp cơ sở vật chất, mở các ngành đào tạo mới, xây dựng đội ngũ giảng viên trình độ cao và hỗ trợ sinh viên giỏi.