MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hấp dẫn thứ 2 Đông Nam Á, đầu tư tư nhân tại Việt Nam hứa hẹn tiếp tục thăng hoa

So với các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam được đánh giá có mức độ hấp dẫn đầu tư cao thứ hai, với 28% ý kiến đồng tình, chỉ sau Myanmar.

Cuộc khảo sát với của hãng tư vấn Grant Thornton thực hiện tháng 3 vừa qua với những người tham gia quyết định đầu tư, bức tranh đầu tư tư nhân tại Việt Nam có những nét phác thảo tươi sáng. Theo ý kiến của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, nền kinh tế Việt Nam sẽ tiến triển tích cực hơn. Cụ thể tỷ lệ người dự báo tích cực tăng 23% so với khảo sát năm 2016.

Hấp dẫn thứ 2 Đông Nam Á

Giới đầu tư đều cho rằng, năm 2016 được đánh giá là một năm khó khăn cho nền kinh tế Việt Nam, với các sự kiện như thảm họa môi trường cùng sự giảm sút lựơng khách du lịch. Ngoài ra, tình hình thời tiết, thiên tai bất thường gây giảm sút trong sản lượng nông nghiệp. Tất cả những vấn đề này đã ảnh hưởng làm giảm tốc độ tăng trưởng GDP.

Tính đến 6 tháng cuối năm 2016, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 6,21%, cao hơn so với mức tăng trưởng nửa đầu năm 2016 là 0,69% và vượt dự đoán của Ngân hàng Thế giới (6%). Tuy nhiên, con số này thấp hơn so với mức 6,68% cùng kỳ năm 2015, đánh dấu sự tăng trưởng chậm đầu tiên trong vòng 4 năm gần đây và thấp hơn so với mục tiêu Nhà nước đặt ra cho năm 2016 là 6,7%. Về lạm phát, chỉ số CPI năm 2016 là 4,47%, được kiềm chế dưới mức 5%. Lãi suất được giữ ở mức ổn định 6,5% và tốc độ tăng trưởng tín dụng đạt 18,71%, tăng so với cùng kỳ năm ngoái và nằm trong mức mục tiêu 18% đến 20%.

Mặc dù đứng trước những khó khăn và biến động về kinh tế chính trị toàn cầu, Việt Nam vẫn cho thấy sự kiên cường, với niềm tin tích cực của các nhà đầu tư. Những công ty tư nhân và doanh nghiệp Nhà nước mới niêm yết hứa hẹn sẽ tạo nhiều cơ hội tốt cho lĩnh vực Đầu tư tư nhân.

Về dự đoán mức độ đầu tư tại Việt Nam, 87% ý kiến cho rằng hoạt động này sẽ tăng đáng kể trong vòng 12 tháng tiếp theo. Với hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài, Theo Cục Đầu tư Nước ngoài – Bộ Kế hoạch Đầu tư, trong năm 2016 tổng vốn FDI đăng ký mới và tăng thêm đạt 15,8 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2015 và là kỷ lục trong nhiều năm qua. Tăng trưởng đầu tư FDI từ những nhà đầu tư Hàn Quốc là rất lớn, với tổng số vốn cam kết cao nhất trong năm 2016.

Triển vọng đầu tư tích cực đã đạt được nhờ các FTA với các nước, trong đó có Hàn Quốc, Nhật, EU và Nga. Việc thành lập của AEC cũng kỳ vọng sẽ mang đến nhiều cơ hội đầu tư hơn. Mặc dù các nhà đầu tư thất vọng với việc TPP bị phá vỡ, nhưng sức ảnh hưởng có vẻ như không đáng kể.

Về độ hấp dẫn, 72% ý kiến khảo sát cho rằng mức độ hấp dẫn đầu tư ở Việt Nam là "Hấp dẫn" và "Rất hấp dẫn", tương tự so với 2016. Tuy nhiên, đánh giá ở mức "Rất hấp dẫn" giảm xuống với chỉ 2% ý kiến tán thành, giảm 7% so với khảo sát trước.

Các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục đầu tưvào Việt Nam vì đội ngũ lao động dồi dào, chi phí thấp, cũng sự tăng trưởng mạnh mẽ của tầng lớp trung lưu

So với các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam được đánh giá có mức độ hấp dẫn đầu tư cao thứ hai, với 28% ý kiến đồng tình, chỉ sau Myanmar. Nước này nắm vị trí cao nhất với tiềm năng đến từ tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, lĩnh vực cơ sở hạ tầng đang là trọng điểm, cùng với sự ban hành luật đầu tư mới với nhiều ưu đãi cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Nỗi nghi ngại từ kinh tế Trung Quốc

Mặc dù có cái nhìn lạc quan vào đầu tư tư nhân nhưng 80% người tham gia khảo sát lo lắng về việc kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm gần đây có tác động tiêu cực đáng kể đến môi trường kinh doanh ơ Việt Nam.

Những mối nghi ngại tiếp theo được Grant Thornton chỉ ra là sự kiện Giá dầu thấp kỷ lục nhiều năm giữ vị trí thứ 2 với nhận định từ 65% người tham gia; trong khi đó Bầu cử Tổng thống Mỹ được cho rằng có tác động không đáng kể.

Là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam từ năm 2007, Trung Quốc được coi là có ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế nước ta. Việc giảm sút của nền kinh kế nước này có khả năng dẫn đến việc tăng mạnh thâm hụt thương mại của Việt Nam. Hàng xuất khẩu của Việt Nam hiện nay phải cạnh tranh khốc liệt với hàng hóa Trung Quốc có giá thành rất thấp, đặc biệt là sản phẩm nông nghiệp.

Số liệu từ Tổng cục thống kê cho thấy thâm hụt thương mại với Trung Quốc là 28 tỷ USD trong năm 2016, với kim ngạch nhập khẩu đạt 49,8 tỷ USD trong khi kim ngạch xuất khẩu chỉ ở mức 21,8 tỷ USD. Tuy tốc độ tăng trưởng nhập khẩu từ thị trường này có giảm, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Tháng 11 đánh dấu chiến thắng bất ngờ của Donald J. Trump khi ông được bầu chọn trở thành Tổng thống lần thứ 45 của Hoa Kỳ. Trong ngày đầu tiên nhậm chức, ông đã ký sắc lệnh rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Điều này gây nên những quan ngại sâu sắc đối với những nước thành viên TPP, trong đó có Việt Nam. Khi TPP được ký kết và đưa vào hoạt động, Việt Nam được dự đoán là một trong những nước sẽ hưởng nhiều lợi ích nhất trong việc giao thương với Mỹ và Nhật. Ngoài ra, TPP hứa hẹn sẽ làm cân bằng cán cân thương mại với Trung Quốc, giảm bớt ảnh hưởng của Trung Quốc đối với nền kinh tế Việt Nam.

Tuy đứng trước viễn cảnh TPP có nguy cơ thất bại, nhiều nhà đầu tư tư nhân cho rằng việc không gia nhập TPP cũng không ảnh hưởng đáng kể vì hiện Việt Nam đang là đối tác thương mại với 16 hiệp định thương mại tự do với Hàn Quốc, EU, Nga và các nước ASEAN.

Theo Thảo Nguyên

Trí thức trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên