MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hậu Brexit, kinh tế Anh sẽ theo con đường nào?

25-06-2016 - 08:39 AM | Tài chính quốc tế

Anh có một số hình mẫu khác nhau để lựa chọn phát triển kinh tế dựa trên kinh nghiệm của các nước không nằm trong khối liên minh EU, nhưng việc kinh doanh qua lại của họ với EU vẫn diễn ra. Dưới đây là bốn lựa chọn, với những ưu và khuyết điểm riêng:

1. Na Uy / Iceland / Liechtenstein

Ưu điểm: Trong nhiều cách, đây sẽ là lựa chọn ít để lại rắc rối nhất. Nauy, Iceland và Liechtenstein là thành viên của Khu vực kinh tế Châu Âu (European Economic Area – EEA), một cơ chế cho phép các nước tiếp cận với thị trường chung Châu Âu miễn là họ đồng ý hoạt động theo luật của EU.

Các quy tắc thỏa thuận sẽ được tự động sửa đổi chừng nào EU có sự thay đổi, do đó việc liên tục đàm phán lại sẽ không xảy ra. Cả ba quốc gia trên hiện đều thành công trong khối EEA.

Nhược điểm: Nếu mục đích của Anh khi rời khỏi EU là để có được quyền dân chủ, đây sẽ không phải là cách phù hợp. Các nước bên ngoài khối liên minh có thể tiếp cận kỹ thuật-công nghệ bên ngoài EU, nhưng trong thực tế họ vẫn còn chịu sự ảnh hưởng của Brussels, cũng như tiếng nói của các quốc gia này sẽ không có trọng lượng trong quyết sách của EU.

Những thành viên EEA phải chấp nhận các nguyên tắc cơ bản của EU, bao gồm cả việc dịch chuyển lao động một cách tự do. Điều này có nghĩa là động lực chính của chiến dịch Brexit – sự lo ngại về người nhập cư – vẫn sẽ không được giải quyết.

2. Thụy Sĩ

Ưu điểm: Hình mẫu Thụy Sĩ là tương tự như EEA, trong đó Thụy Sĩ được EU cho phép tham gia giao dịch miễn là tuân theo quy tắc của EU. Nhưng Thụy Sĩ có được tính linh hoạt cao hơn, với các hiệp định song phương cho phép họ được chọn các đối tác thương mại mà họ muốn giao dịch và những quy định mà họ muốn tuân theo.

Trong năm 2014, các cử tri Thụy Sĩ được lựa chọn để áp đặt giới hạn về người nhập cư từ bên trong khối EU, đây là cái mà thành viên trong EEA không thể làm.

Nhược điểm: Cách tiếp cận của Thụy Sĩ như việc “gọi món ăn” mà mình thích, do đó khiến quá trình đảm phán sẽ xảy ra liên tục. Một ví dụ là, cho dù tiếng nói của cử tri Thụy Sĩ có trọng lượng về việc xuất nhập cảnh của người lao động, các cơ quan chức năng của Thụy Sĩ và EU vẫn chưa đi đến một thỏa thuận thống nhất về cách hạn chế người nhập cư, một việc đã kéo dài được 2 năm.

Hình mẫu của Thụy Sĩ đã gây nhiều phiền toái cho Brussels khiến các nhà chức trách EU cho biết họ sẽ không bao giờ cho phép Anh được tùy chọn các nước để liên hiệp giao thương. Giống như trong khối EEA, Thụy Sĩ sẽ không có tiếng nói chính thức trong quyết sách của hầu hết các quy tắc của EU.

Thỏa thuận của Thụy Sĩ và EU cũng loại trừ thương mại dịch vụ, một lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế nước Anh.

3. Canada

Nếu mô hình tại Châu Âu chưa vừa ý, Anh có thể nhìn qua Đại Tây Dương để thấy Canada, người hàng xóm của Hoa Kỳ ở phía Bắc đã đàm phán một thỏa thuận thương mại tự do với EU, theo đó loại bỏ gần như tất cả thuế quan đối với hàng hóa và sẽ có hiệu lực trong năm nay.

Boris Johnson, cựu thị trưởng London là một trong những người cổ xúy cho việc phát triển theo mô hình kinh tế của Canada và truyền lửa cho các đồng nghiệp nên giữ vững lập trường của mình cũng như không sợ hãi bởi những người chống đối. Johnson cho rằng Canada đã chứng minh họ có thể giao dịch thương mại với Châu Âu trong khi vẫn kiểm soát được biên giới quốc gia.

Nhược điểm: Canada đã mất 5 năm để đàm phán, và một thỏa thuận với Anh chắc chắn sẽ phức tạp hơn. Tại Canada, phần lớn thỏa thuận thương mại của họ với Châu Âu là dịch vụ. Và ngành tài chính của Anh Quốc sẽ có bị giáng một đòn đau nếu có được một thỏa thuận tương tự Canada.

Bộ Tài chính Anh đã ước tính rằng nếu áp dụng mô hình Canada sẽ làm mỗi người dân Anh mất đi 2.500 USD doanh thu từ sản phẩm nội địa cũng như các hợp đồng kinh tế của Anh Quốc.

4. Anh chỉ đơn giản là một thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)

Ưu điểm: Nếu vẫn chưa vừa ý, Anh sẽ mặc định tuân theo các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới để giao dịch với các thành viên khối EU. Với 162 thành viên, cơ chế thương mại toàn cầu này đặt ra một giới hạn về mức trần của những rào cản thương mại có thể có giữa hai quốc gia bất kỳ.

Chọn WTO, đồng nghĩa nước Anh sẽ không cúi đầu tuân theo các quy tắc được viết bởi Brussels. Một lý do nên chọn WTO, như một người dẫn đầu phe ủng hộ Brexit, Nigel Farage đã chỉ ra rằng mức thuế của WTO đã giảm đáng kể trong những năm gần đây.

Nhược điểm: Bộ Tài chính Anh đã ước tính rằng nền kinh tế của Anh sẽ nhỏ hơn 7,5% vào năm 2030 trong trường hợp chọn theo WTO, do mức thuế cao hơn và cách tiếp cận thị trường bị hạn chế. Chưa kể, một thỏa thuận tại sân chơi WTO có thể được yêu cầu đàm phán kiểu “marathon”, tức là kéo dài trong nhiều năm, theo một giám đốc của WTO.

Người Anh cũng có thể mất quyền lợi của mình để sống, làm việc và học tập tại lục địa châu Âu trong khi không có một thỏa thuận cho phép người châu Âu làm điều tương tự ở Anh.

Đinh Lộc

Washington Post

Từ Khóa:
Trở lên trên