MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hậu Giang dẫn đầu cả nước về tăng trưởng kinh tế

Hậu Giang, tỉnh được tái lập muộn nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Từ một địa phương có xuất phát điểm thấp, thuần nông nhưng Hậu Giang đã lập nên kỳ tích khi liên tiếp trong 9 tháng đầu năm nay luôn ở vị trí dẫn đầu cả nước về tăng trưởng kinh tế.

Hậu Giang dẫn đầu cả nước về tăng trưởng kinh tế - Ảnh 1.

Hậu Giang thu hút nhiều dự án đầu tư quy mô lớn. Ảnh BHG

Theo ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang , nếu như năm 2022 tốc độ tăng trưởng GRDP trên địa bàn đạt 13,94%, chỉ đứng thứ tư cả nước; thì trong 9 tháng năm 2023, tăng trưởng kinh tế của địa phương đã vươn lên dẫn đầu cả nước khi đạt 13,3%.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Nghiêm Xuân Thành: Để đạt được kết quả tăng trưởng kinh tế dẫn đầu cả nước là nhờ địa phương thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, nâng cao tỷ trọng khu vực sản xuất công nghiệp, xây dựng, thương mại dịch vụ.

Trong đó, Tỉnh luôn xác định phát triển công nghiệp là động lực tăng trưởng, là hướng đi chính yếu của tỉnh trong nhiệm kỳ 2020 - 2025 và các nhiệm kỳ tiếp theo.

Từ đó, Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo, định hướng, Ủy ban nhân dân tỉnh điều hành có trọng tâm, trọng điểm, bám sát phương hướng chung đã được xác định.

Công tác quy hoạch, mở rộng, phát triển các khu, cụm công nghiệp được đặc biệt quan tâm. Tỉnh đã phê duyệt phương án phát triển cụm công nghiệp tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, theo đó hầu hết các huyện, thị, thành phố đều có cụm công nghiệp để kêu gọi đầu tư phát triển kinh tế cho địa phương.

Đồng thời, Chính phủ đồng ý bổ sung 02 khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hậu Giang vào Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp ở Việt Nam, đã mở rộng không gian phát triển chiến lược của Hậu Giang trong giai đoạn mới, làm cơ sở cho việc triển khai thực hiện chủ trương ưu tiên phát triển công nghiệp của tỉnh.

Tỉnh Hậu Giang cũng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt diện tích đất công nghiệp lớn đứng thứ hai ở trong các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và để thu hút các nhà đầu tư hiệu quả thì Tỉnh đặt ra những tiêu chí đó là thu hút các doanh nghiệp là đóng góp nhiều ngân sách, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động trên địa bàn và phải là công nghiệp sạch, xanh.

Hậu Giang dẫn đầu cả nước về tăng trưởng kinh tế - Ảnh 2.

2 khu công nghiệp hiện có của tỉnh đã cơ bản lấp đầy dự án đầu tư. Ảnh NK

Từ một tỉnh thuần nông, Hậu Giang đã vươn lên là địa phương có ngành công nghiệp rất phát triển; giá trị sản xuất công nghiệp năm sau luôn cao hơn năm trước, tính đến cuối năm 2022, GRDP lĩnh vực công nghiệp của tỉnh Hậu Giang đã tăng 43,86%, khẳng định vị trí hàng đầu trong phát triển kinh tế của tỉnh; chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp (IIP) tăng bình quân 13%/năm, trong đó, ngành chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng trên 88,8% trong toàn ngành, tăng 10%/năm; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 286%/năm.

Đặc biệt là giai đoạn 2021- 2025, riêng khu vực Nam Sông Hậu có 2 tuyến cao tốc đang được đầu tư, với khoảng 300km (gồm tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau và tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng), trong đó qua đoạn quan địa bàn tỉnh Hậu Giang chiếm 1/3 với hơn 100km.

"Với điều kiện thuận lợi về hạ tầng do các tuyến cao tốc sẽ mang lại, Tỉnh cũng đã đưa vào quy hoạch phát triển các khu, cụm công nghiệp, đô thị, du lịch theo hướng tận dụng tối đa lợi thế các đường cao tốc đi qua nhằm chuẩn bị sẵn quỹ đất để bố trí cho nhà đầu tư, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế diễn tiến nhanh hơn trong thời gian tới.

Định hướng Chiến lược phát triển tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hậu Giang xác định công tác thu hút đầu tư vào 04 trụ cột: “Công nghiệp, Nông nghiệp, Đô thị và Du lịch”. Mục tiêu cụ thể được địa phương đề ra là phấn đấu đưa tỉnh Hậu Giang là tỉnh phát triển khá của khu vực vào năm 2025; tỉnh phát triển khá của cả nước vào năm 2030. Tổng thu ngân sách mỗi năm tăng khoảng 1.000 tỷ đồng, phấn đấu tự cân đối thu, chi vào năm 2028", ông Thành chia sẻ.

Theo Ninh Khang

Nhà đầu tư

Trở lên trên