MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hãy quên lãi suất thấp đi, nếu còn muốn tăng trưởng

13-10-2016 - 09:14 AM | Tài chính quốc tế

Thực tế cho thấy, lãi suất thấp không phải là động lực chính để thúc đẩy tăng trưởng. Tuy nhiên, tâm lý ngại rắc rối của giới chính trị gia đã khiến chính sách tiền tệ phải è mình gánh vác nhiệm vụ vốn không phải của nó.

8 năm sau khủng hoảng tài chính toàn cầu, đà hồi phục của kinh tế thế giới vẫn yếu ớt một cách không bình thường. Thậm chí, một số người còn hy vọng vào một cú hích tăng trưởng trong tương lai. Đáng lo ngại là, kinh tế thế giới đang bắt đầu bước vào một trạng thái cân bằng tăng trưởng chậm mới thay vì hồi phục chậm chạp.

Một lời giải thích cho trạng thái “bình thường mới” – vốn thu hút nhiều sự chú ý kể từ sau Diễn đàn kinh tế năm 2010 - có lẽ chính là tốc độ tăng trưởng năng suất suy giảm. Nhưng, mặc dù nhiều số liệu và nghiên cứu đã chứng minh, vai trò của năng suất trong giai đoạn khó khăn hiện tại không có vẻ quan trọng như nhiều người nghĩ.

Đương nhiên, tăng trưởng năng suất chậm không tốt cho nền kinh tế trong dài hạn, và có lẽ là nguồn lực kìm nén Mỹ tiếp cận với mô hình thất nghiệp 0%. Nhưng đối với phần còn lại của thế giới, một vài yếu tố khác có vẻ quan trọng hơn như: dư thừa sản lượng, nguồn lực không được tận dụng (trong đó có cả con người).

Điển hình tại nhiều quốc gia thành viên khu vực đồng tiền chung euro, khi tài khoản vãng lai thặng dư lớn – chiếm đến 8,5% GDP, tổng cầu của nền kinh tế buộc phải tăng. Tổng cầu cao hơn cùng với việc sử dụng nguồn lực hiệu quả, các nền kinh tế có thể đạt được một động lực thúc đẩy tăng trưởng quan trọng trong trung hạn ngay cả khi năng suất không tăng trưởng.

Mặc dù không có một nhà kinh tế nào lên tiếng thờ ơ với tăng trưởng năng suất, nhưng sự thực là năng suất không phải là vấn đề thiết yếu hiện nay.

Để giải quyết những vấn đề cấp bách đối với nền kinh tế toàn cầu, rất cần thiết có sự chung tay góp sức của nhiều thành phần khác nhau, không chỉ có NHTW. Trách nhiệm giải quyết hậu quả khủng hoảng tài chính vốn từ lâu được mặc nhiên gán cho các nhà làm chính sách tiền tệ. Thứ nhất, họ can thiệp để ngăn cản thị trường tài chính sụp đổ. Sau này, cũng chính những người này đứng ra ngăn chặn khủng hoảng ngân hàng và nợ công châu Âu. Cho đến nay, họ lại tiếp tục kiểm soát lãi suất và đường con lãi suất, nâng giá tài sản nhằm kích cầu thông qua hiệu ứng tài sản.

Mặc dù đây là cách tiếp cận tự nhiên nhất, sau một thời gian dài áp dụng, lãi suất thấp – thậm chí là âm – đã không thể khôi phục tổng cầu hoặc kích thích đầu tư. Bên cạnh đó, kênh chuyển giao tỷ giá hối đoái sẽ không có tác dụng nhiều, bởi nó không làm tăng tổng cầu, mà chỉ di chuyển đường cầu giữa các ngành có thể thương mại của các quốc gia. Lạm phát trở thành tia hy vọng cuối cùng, nhưng ngay cả biện pháp tiền tệ mở rộng nhất cũng không thể đưa lạm phát đến mục tiêu mà Nhật Bản là trường hợp điển hình. Một lý do cho vấn đề này chính là thiếu tổng cầu.

Đã đến lúc, giới chức không nên đặt kỳ vọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ổn định vào chính sách tiền tệ. Và thực tế, nó cũng chưa bao giờ có thể làm được như vậy: chính sách tiền tệ rõ ràng cố tình mua giờ cho hộ gia đình, ngành tài chính, các quốc gia để họ chỉnh sửa bảng cân đối kế toán và giúp các chính sách tăng trưởng tỉnh ngộ.

Không may, chính phủ không đủ kiên nhẫn để theo đuổi bộ giải pháp tài khóa kết hợp cải cách cấu trúc. Lý do là các nhà hoạch định chính sách tài khóa ở nhiều quốc gia, đặc biệt là Nhật Bản và châu Âu phải chịu sức ép nợ công cao. Hơn nữa, trong môi trường lãi suất thấp, họ có thể sống với nợ công đeo trên đầu.

Đối với các quốc gia có nợ công cao, lãi suất thấp rất quan trọng để giữ tỷ lệ nợ ổn định và xóa bỏ áp lực tái cấu trúc nợ cũng như tái tư bản hóa ngân hàng. Nếu chuyển sang mô hình lợi suất trái phiếu chính phủ cao, các quốc gia sẽ không thể đạt được cân bằng tài khóa.

Tình trạng trì trệ kéo dài đến 8 năm sau khủng hoảng cũng có phần của giới chính trị gia. Về cơ bản, họ chỉ ưa thích duy trì gánh nặng đối với chính sách tiền tệ và lảng tránh việc theo đuổi khó khăn hoặc những chính sách không bình thường, trong đó có cải cách cấu trúc, cải cách nợ công và tái tư bản hóa ngành ngân hàng mà có tác dụng tăng cường tính linh động và khả năng gia nhập vào thị trường, thậm chí còn có thể thoái bẫy tăng trưởng trung bình.

Kết quả là, những nền kinh tế vẫn đang bị tắc trong cái gọi là trạng thái cân bằng Nash, trong đó không một thành viên nào có thể chiến thắng nhờ đơn phương hành động. Nếu các NHTW nỗ lực thoái ra khỏi bộ chính sách điều tiết quá tải mà không có hành động bổ sung để tái cấu trúc nợ hoặc phục hồi tổng cầu, tăng trưởng và đầu tư, mục tiêu tăng trưởng sẽ phải gánh chịu hậu quả và NHTW sẽ mất đi sự tín nhiệm thậm chí là tính độc lập.

Thay đổi là điều chắc chắn phải làm, bởi chính sách tiền tệ mở rộng đã đạt đến điểm mà nếu tiếp tục khai thác, hại sẽ nhiều hơn lợi. Bằng cách đè nén lợi nhuận dành cho người tiết kiệm và nắm giữ tài sản, lãi suất thấp đã tạo nên một cuộc săn lùng lợi suất điên rồ.

Điều này tạo nên 2 vấn đề. Thứ nhất, nợ công toàn cầu tăng - vốn đã tăng khoảng 70.000 tỷ USD kể từ năm 2008 (trong đó Trung Quốc chiếm phần lớn). Thứ hai, dòng vốn di chuyển bị bất ổn. Dòng vốn là đối tượng đưa các nhà định chính sách theo đuổi chính sách tiền tệ nới lỏng hoặc thi hành các biện pháp quản lý tài sản nhằm ngăn chặn yếu tố tác động xấu đến tăng trưởng của các ngành thương mại.

Đã qua rồi cái thời giới lãnh đạo tỏ ra can đảm thi hành cải cách - thứ có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng trong ngắn hạn nhưng sẽ có tác dụng vô cùng to lớn trong dài hạn. Nói tóm lại, các nhà hoạch định chính sách tài khóa cần phối hợp nhiều hơn với các đồng sự của mình trong mảng tiền tệ cả ở trong nước lẫn nước ngoài.

Anh Sa

Project Syndicate

Trở lên trên