MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

HDBank ghi điểm ấn tượng

10-10-2019 - 09:57 AM | Tài chính - ngân hàng

HDBank được đánh giá cao ở các tiêu chí quy mô phát triển, tăng trưởng bảng cân đối kế toán, rủi ro, chất lượng hoạt động và thanh khoản…

Trong khuôn khổ Hội nghị thường niên về thanh toán quốc tế Sibos diễn ra tại London hồi cuối tháng 9/2019 vừa qua, Tạp chí The Asian Banker đã tổ chức Lễ vinh danh 500 ngân hàng lớn và mạnh nhất thế giới với sự tham dự của đại diện các ngân hàng, định chế tài chính lớn của khu vực và thế giới. Trong danh sách 500 ngân hàng lớn và mạnh nhất khu vực năm nay, Việt Nam góp mặt với 19 thành viên, trong đó 10 thành viên có thứ hạng cao nhất thuộc về Vietcombank, MB, Techcombank, SCB, BIDV, Agribank, ACB, TPBank, HDBank và VietinBank.

Giải thưởng ngân hàng mạnh nhất tại mỗi quốc gia được tiến hành kể từ năm 2007 nhằm bình chọn ra các ngân hàng mạnh nhất trong khu vực dựa trên bảng cân đối tài chính. Đây là bảng xếp hạng đầu tiên và uy tín trên thế giới căn cứ quá trình bình chọn chi tiết, minh bạch nhằm ghi nhận thành tích của các ngân hàng thương mại trên các tiêu chí gồm quy mô phát triển, tăng trưởng bảng cân đối kế toán, kiểm soát rủi ro, chất lượng hoạt động và thanh khoản.

Dấu ấn một ngân hàng tư nhân

Trong nhóm ngân hàng cổ phần tư nhân lọt top cao nhất, HDBank là cái tên được chú ý khi đã giữ nhịp độ tăng trưởng liên tục suốt 10 năm qua (từ 2008 – 2018) với mức tăng trưởng tổng cộng gấp 22 lần; chất lượng tài sản thuộc nhóm tốt nhất toàn ngành; các chỉ số sinh lời trên tổng tài sản ROA và tỷ suất lợi nhuận trên vốn ROE luôn duy trì ở mức cao.

Không chỉ ấn tượng trong hoạt động mà HDBank còn đặc biệt "ghi điểm" trong lĩnh vực M&A. Với tầm nhìn độc đáo, năng lực triển khai hiệu quả, đến nay M&A đã trở thành nét đặc trưng của HDBank trong mắt giới chuyên gia và thị trường.

Cụ thể, sau khi sáp nhập DaiABank vào HDBank hồi năm 2013, ngân hàng sau sáp nhập nhanh chóng đi vào ổn định và tăng trưởng vượt bậc, bình quân 30%/năm trong giai đoạn 2013 - 2017. Trong 5 năm qua, dù ngành ngân hàng đã chứng kiến thêm nhiều thương vụ sáp nhập nhưng theo ghi nhận của thị trường, ít có thương vụ nào đạt được thành công trọn vẹn như HDBank, đặc biệt ở khía cạnh phát triển mạnh mẽ và nhanh chóng sau sáp nhập.

Đối với thương vụ mua lại Công ty Tài chính SGVF, HDBank cũng tạo dấu ấn trong lịch sử hệ thống các tổ chức tín dụng tại Việt Nam khi trở thành định chế tài chính trong nước đầu tiên mua lại một công ty 100% vốn nước ngoài rồi lại liên kết với đối tác Saison của Nhật Bản để chuyển đổi thành HD Saison hiện nay. Trong giai đoạn 2013 - 2017, quy mô tài sản của HD Saison tăng trưởng gấp 9 lần, hiện giữ vị trí số một về mạng lưới điểm giao dịch tài chính với gần 13.000 điểm phủ khắp 63/63 tỉnh, thành phố, phục vụ gần 5 triệu khách hàng.

Sau các thương vụ M&A, HDBank trở thành một trong những ngân hàng thương mại có tốc độ tăng trưởng mạnh và bền vững nhất trong hệ thống các ngân hàng thương mại Việt Nam những năm gần đây.

Điển hình như năm 2018, HDBank ghi nhận lợi nhuận cao kỷ lục của nhà băng này ở mức hơn 4.000 tỷ đồng, cao hơn gần 66% so với năm 2017 và tốc độ tăng trưởng tiếp tục được duy trì trong các tháng vừa qua của năm 2019 khi lợi nhuận 6 tháng tại báo cáo tài chính soát xét đã vượt 2.200 tỷ đồng. Trên thị trường chứng khoán, HDBank thuộc Top 20 doanh nghiệp có giá trị vốn hóa lớn nhất. Cổ phiếu HDB gia nhập rổ chỉ số VN30, gồm các cổ phiếu có thanh khoản và vốn hóa tốt nhất thị trường. Mới đây, HDBank cũng chính thức được Thống đốc NHNN Việt Nam quyết định cho áp dụng đạt chuẩn Basel II từ ngày 01/10/2019 – là 1 trong 10 ngân hàng đầu tiên "về đích" Basel II sớm so với mốc kế hoạch 2020.

Và những nền tảng của ngân hàng bán lẻ hàng đầu

Năm 2020 là cột mốc quan trọng với bản thân các ngân hàng nói riêng và ngành ngân hàng nói chung. Không chỉ là các chuẩn quốc tế về hoạt động, về quản trị rủi ro mà các nhà băng còn đặt cho mình những mục tiêu lớn hơn, đồng thời coi đó là một bản lề để bước vào kỷ nguyên mới. Tuy nhiên để bước vào mốc quan trọng ấy, nhiều ngân hàng ngay từ năm 2017-2018 đã tự đặt ra cho mình một bản lề để có thể tiến nhanh hơn.

HDBank cũng là một ví dụ. Theo lãnh đạo ngân hàng chia sẻ, năm 2018 là năm bản lề để hoàn thành những mục tiêu lớn trong chiến lược phát triển kế tiếp của giai đoạn 2017-2022 theo định hướng trở thành một trong những ngân hàng dẫn đầu, tập trung bán lẻ, tài chính tiêu dùng và SME.

Và cũng không chỉ là mục tiêu đặt ra cho có như một số nơi, ngân hàng này đang có những nền tảng vững chắc để kế hoạch sớm trở thành hiện thực.

Chẳng hạn với mục tiêu ngân hàng bán lẻ hàng đầu, HDBank có lợi thế mạnh mẽ khi đang sở hữu lợi thế từ hệ sinh thái xung quanh như Vietjet, HD Saison. Trong đó, ngân hàng có kênh phân phối rộng khắp với 285 điểm giao dịch ngân hang cùng hơn 14.000 điểm giao dịch của công ty tài chính tiêu dùng HD Saison. Cùng với đó, việc tham gia sáng lập Vietjet cũng giúp ngân hàng có data hàng chục triệu khách hàng. Với hệ sinh thái này HDBank đang khai thác, tạo sự đa dạng khác biệt với các ngân hàng còn lại, giúp ngân hàng có lợi thế hơn trong việc xây dựng chiến lược hướng đến ngân hàng bán lẻ hàng đầu ở Việt Nam, đồng thời có mạng lưới quốc tế.

Năm 2019, HDBank đang nỗ lực "xanh hóa" các hoạt động – xu hướng của các ngân hàng phát triển trên toàn cầu hiện nay. Là ngân hàng đi đầu trong triển khai tích cực gói tín dụng xanh, HDBank còn đi tắt đón đầu chuyển đổi công nghệ số. Mọi trải nghiệm của khách hàng sẽ được số hóa và tự động hóa một cách tối đa để trải nghiệm khách hàng nhanh hơn, tốt hơn, tiện hơn đồng hướng với mục tiêu công nghệ hóa nhiều hoạt động và chiến lược phát triển Xanh mà Chính phủ đang thực hiện.

Ngọc Toàn

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên