MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hé lộ những khoản nợ phải trả hàng nghìn tỷ đồng của hệ thống Phương Trang

09-06-2016 - 15:23 PM | Doanh nghiệp

Theo số liệu mà CafeF có được, công ty mẹ Futa Corp chỉ có vốn điều lệ 770 tỷ đồng nhưng có tài sản tương đối lớn, lên đến gần 7.200 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2014.

Sau hơn chục năm hiện diện trên thị trường, Xe khách Phương Trang là một trong những thương hiệu vận tải hành khách đường bộ được biết đến nhiều nhất trên cả nước. Đội xe của họ lên đến cả nghìn chiếc, phủ dày đặc các tỉnh miền Nam, miền Tây.

Bên cạnh sự nổi tiếng đó, Phương Trang cũng được biết đến bởi không ít tai tiếng trong phong cách làm ăn. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng ít có doanh nghiệp vận tải hành khánh đường bộ nào gây dựng được quy mô như Phương Trang. Nhà xe này vẫn là sự lựa chọn hàng đầu của không ít hành khách khi muốn di chuyển bằng đường bộ.

Chính vì vậy thông tin Ngân hàng Xây dựng (CBBank) khởi kiện Phương Trang để thu hồi 3.000 tỷ đồng nợ khó đòi không khỏi khiến dư luận xôn xao.

Tình hình nợ nần của Phương Trang hiện ra sao? Công ty vay nợ lớn như vậy để làm gì? Trước khi chúng tôi cung cấp những số liệu để độc giả có câu trả lời, hãy nhìn lại doanh nghiệp nổi tiếng này một chút.

“Ông trùm” vận tải ngã ngựa với Bất động sản

Công ty trung tâm của hệ thống Phương Trang là CTCP Đầu tư Phương Trang (Futa Corp) do ông Nguyễn Hữu Luận làm chủ.

Futa Corp cùng các cổ đông sáng lập của mình đầu tư vào rất nhiều công ty khác như CTCP Xe khách Phương Trang (Futa Buslines), Chuyển phát nhanh Phương Trang (Futa Express), Bất động sản Phương Trang (Futa Land), Taxi Phương Trang (Futa Taxi), Quảng cáo… Trong đó, Futa Buslines là công ty đảm nhận hoạt động kinh doanh vận tải xe khách của hệ thống.

Tuy nhiên cũng giống như nhiều doanh nghiệp khác, Phương Trang đã bị cuốn vào trào lưu đầu tư bất động sản. Hàng loạt dự án được công ty ấp ủ như Khu đô thị mới Phương Trang – Vịnh Đà Nẵng, các dự án New Pearl, The Landmark City tại thành phố Hồ Chí Minh…

Khi thị trường bất động sản đóng băng, hầu hết các dự án bất động sản của Phương Trang bị đình trệ trong khi công ty vẫn đang phải ôm khoản nợ cả nghìn tỷ đồng chưa có hướng giải quyết trong nhiều năm qua.

Theo số liệu mà CafeF có được, công ty mẹ Futa Corp chỉ có vốn điều lệ 770 tỷ đồng nhưng có tài sản tương đối lớn, lên đến gần 7.200 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2014. Trong phần tài sản, Futa Corp đã đầu tư gần 1.950 tỷ đồng vào các công ty con, công ty liên kết. Phần còn lại chủ yếu là các khoản phải thu ngắn hạn và hàng tồn kho.


Đơn vị: Tỷ đồng

Đơn vị: Tỷ đồng

Tổng nợ phải trả cuối năm 2014 là hơn 6.500 tỷ đồng, nhưng chỉ có khoản vay dài hạn 3.044 tỷ đồng và không có vay nợ ngắn hạn. Nhiều khả năng đây chính là khoản nợ khó đòi mà ngân hàng Xây dựng đã đề cập. Còn lại bao gồm 1.000 tỷ đồng người mua trả tiền trước và 2.400 tỷ đồng phải trả.

Khoản nợ hơn 3.000 tỷ đã tồn tại từ cuối năm 2009. Như vậy có thể hiểu, Phương Trang đã vay khoản tiền này để đầu tư bất động sản nhưng bị "kẹt".

Bất ngờ lỗ lớn trong năm 2014

Doanh thu của riêng công ty mẹ Futa Corp trong mấy năm gần đây khá khiêm tốn do các hoạt động kinh doanh chính do các công ty con đảm nhiệm. Riêng doanh thu của Futa Buslines trong năm 2013 đạt gần 1.400 tỷ.

Năm 2014, doanh thu của công ty mẹ Futa Corp chỉ đạt gần 90 tỷ, trong khi đó công ty hạch toán khoản chi phí tài chính hơn 664 tỷ đồng dẫn đến kết quả cả năm 2014 lỗ 612 tỷ đồng – tức mất đi ½ vốn chủ sở hữu.

Tuy nhiên, đây chỉ là số liệu của riêng công ty mẹ nên chưa phản ánh được đầy đủ hoạt động của hệ thống Phương Trang.


Đơn vị: Tỷ đồng

Đơn vị: Tỷ đồng

Như vậy, Phương Trang lại trở thành một ví dụ tiêu biểu cho những đại gia ngã ngựa bởi dùng đòn đẩy tài chính để đầu tư bất động sản. Dù kiện nhưng để "đòi" được 3.000 tỷ đồng đang nằm trong các dự án bị kẹt, bài toán của Ngân hàng Xây dựng quả không đơn giản.

Bảo Bối

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên