Hé lộ những lĩnh vực, doanh nghiệp có giá trị thương hiệu bùng nổ, thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng kinh tế
Dù thị trường đầy thách thức và nhu cầu trong nước yếu hơn, bảng xếp hạng 100 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam vẫn có những điểm sáng với nhiều doanh nghiệp tăng trưởng mạnh về giá trị thương hiệu, đặc biệt là trong ngành viễn thông - công nghệ, ngân hàng và thực phẩm.
Ngày 11 tháng 10 năm 2024, Diễn đàn “Phát Triển Bền Vững, Chinh Phục Toàn Cầu” và Lễ vinh danh “100 Thương Hiệu Giá Trị Nhất Việt Nam Năm 2024” đã được tổ chức tại TP.HCM bởi Vietnam Brand Purpose và Brand Finance.
Đây là sự kiện quan trọng, mang đến cho các doanh nghiệp cơ hội khám phá các yếu tố chiến lược nhằm nâng cao giá trị thương hiệu và chuẩn bị cho sự phát triển bền vững ở thị trường trong nước, khu vực và toàn cầu. Sự kiện có sự góp mặt của nhiều doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam và chuyên gia ngành, mang lại những góc nhìn sắc sảo, cập nhật chiến lược phát triển thương hiệu bền vững.
Chia sẻ tại sự kiện, các chuyên gia đánh giá, mặc dù thị trường đứng trước nhiều thách thức và nhu cầu nội địa suy yếu, các doanh nghiệp lớn tại Việt Nam vẫn vượt qua những khó khăn, nỗ lực tăng giá trị thương hiệu của mình. Các thương hiệu trong top 100 cho thấy sự vượt trội của các lĩnh vực: viễn thông công nghệ, ngân hàng và thực phẩm.
Brand Finance là công ty tư vấn định giá thương hiệu hàng đầu thế giới. Hàng năm, công ty tư vấn định giá thương hiệu hàng đầu Brand Finance đánh giá 6.000 thương hiệu lớn nhất và công bố hơn 100 báo cáo, xếp hạng thương hiệu trên tất cả các lĩnh vực và quốc gia. 100 thương hiệu giá trị nhất và mạnh nhất Việt Nam được đưa vào báo cáo Brand Finance Vietnam 100 2024 .
Hai trong số ba thương hiệu giá trị nhất Việt Nam nằm trong lĩnh vực viễn thông - công nghệ. Viettel dẫn đầu bảng xếp hạng với giá trị thương hiệu đạt 8,9 tỷ USD, giữ vị trí thương hiệu giá trị nhất Việt Nam trong 9 năm liên tiếp kể từ năm 2015, trong khi VNPT đứng thứ ba với giá trị 2,6 tỷ USD, dù giảm 3% so với năm trước. Lĩnh vực này cũng chứng kiến sự bứt phá của FPT khi tăng 6 bậc so với bảng xếp hạng năm 2023, với giá trị thương hiệu đạt xấp xỉ 1 tỷ USD.
Lĩnh vực ngân hàng có tới 20 thương hiệu có mặt trong bảng xếp hạng, cho thấy sự phát triển bền vững của ngành, bất chấp những thách thức từ thị trường tài chính toàn cầu. Vietcombank tiếp tục dẫn đầu ngành ngân hàng với giá trị thương hiệu tăng 7%, đạt 2 tỷ USD, khẳng định vị thế vững chắc của mình, trong khi ngân hàng tăng trưởng giá trị thương hiệu nhanh nhất năm vừa qua là VIB với 51% (lên 273 triệu USD). VPBank tiếp tục chuỗi các năm bứt phá tiến vào top 10 thương hiệu giá trị nhất và là năm thứ hai lọt vào bảng xếp hạng, TPBank và OCB đều ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ cả về giá trị và sức mạnh của thương hiệu. Nhìn chung, các thương hiệu ngành ngân hàng đã ghi nhận sự tăng trưởng ấn tượng với tổng giá trị thương hiệu tăng 10% trong năm 2024, đạt 13,8 tỷ USD.
Trong khi đó, thực phẩm là một ngành hàng luôn có nhu cầu cao, và các thương hiệu lớn như Vinamilk và Chin-Su tiếp tục dẫn dắt thị trường nhờ vào khả năng đổi mới sản phẩm và chiến lược tiếp cận khách hàng hiệu quả. Hơn 50% các thương hiệu thực phẩm có mặt trong bảng xếp hạng có mức tăng trưởng thương hiệu hai chữ số, và Chin-Su dẫn đầu với mức tăng 71%.
Cùng với đó, ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) cũng có nhiều chuyển biến tích cực trong bảng xếp hạng 2024. Với sự gia tăng nhu cầu tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ trong nước, các thương hiệu trong lĩnh vực này đang mở rộng quy mô và tối ưu hóa chiến lược tiếp thị số. Việc tận dụng các nền tảng thương mại điện tử và kênh bán hàng đa dạng đã giúp các thương hiệu FMCG tiếp cận gần hơn với người tiêu dùng, đặc biệt là trong bối cảnh người tiêu dùng Việt Nam ngày càng ưa chuộng mua sắm trực tuyến.
Các yếu tố khác như sự đổi mới trong sản phẩm, chiến lược quảng cáo sáng tạo, và khả năng đáp ứng nhanh chóng nhu cầu của người tiêu dùng cũng sẽ là yếu tố quyết định sự bứt phá của các thương hiệu trong lĩnh vực hàng tiêu dùng nhanh. Với thị trường tiêu thụ nội địa mạnh mẽ và sự gia tăng thu nhập bình quân đầu người, các thương hiệu hàng tiêu dùng nhanh đang đứng trước cơ hội lớn để phát triển và gia tăng giá trị thương hiệu trong thời gian tới.
Tại sự kiện, ông Alex Haigh, Giám đốc điều hành Brand Finance Châu Á Thái Bình Dương, đã đề cập đến các trụ cột chính của định giá thương hiệu và chia sẻ cách thức doanh nghiệp có thể tận dụng công cụ chiến lược này để phát triển bền vững. Giám đốc điều hành này nhận định: "Nghiên cứu từ Brand Finance cho thấy một phần đáng kể các thương hiệu Việt Nam từ lĩnh vực thực phẩm và ngân hàng thể hiện sự kiên cường trong tình hình nhu cầu thị trường khó khăn, ghi nhận sự cải thiện về giá trị thương hiệu. Mức tăng giá trị thương hiệu lớn nhất trong số các thương hiệu thực phẩm Việt Nam là của thương hiệu nước sốt Chin-Su là rất đáng khen ngợi. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi chứng minh sự cần thiết của chiến lược duy trì sức mạnh thương hiệu”.
Báo cáo Brand Finance Vietnam 100 năm 2024 không chỉ là bức tranh toàn diện về sức mạnh và giá trị thương hiệu của các doanh nghiệp Việt Nam, mà còn là nguồn cảm hứng cho các doanh nghiệp tiếp tục nỗ lực và cải thiện. Các chia sẻ bổ ích từ các chuyên gia thương hiệu toàn cầu tại diễn đàn không chỉ mang đến nguồn cảm hứng và động lực mạnh mẽ, mà còn mở ra nhiều cơ hội lớn để doanh nghiệp vươn ra thị trường quốc tế.
Nhịp sống thị trường