Hé lộ thu nhập khủng của Hamas: Lọt danh sách Forbes, kiếm cả chục triệu USD dễ dàng qua Internet
Tạp chí Forbes đã xếp Hamas vào một trong những nhóm vũ trang giàu có nhất thế giới vào năm 2014, khi doanh thu hàng năm ước tính lên tới 1 tỷ USD đến từ thuế, phí cũng như các nguồn tài trợ và quyên góp.
- 15-10-2023Át chủ bài giúp Hamas "nắm đằng chuôi", đẩy Israel đứng trước lựa chọn đau đớn nhất lịch sử
- 13-10-2023Thương mại toàn cầu có thể chịu tác động lớn nếu xung đột Israel - Hamas lan rộng
- 13-10-2023Xung đột với Hamas khiến thỏa thuận giữa Israel và Saudi Arabia có nguy cơ tan vỡ
Theo hãng thông tấn DW (Đức), xung đột Israel-Hamas bùng nổ mới đây đặt ra câu hỏi rằng Hamas đã gây dựng nguồn lực như thế nào để nhắm vào một trong những lực lượng được trang bị tốt nhất thế giới?
Theo các nhà phân tích, tiền điện tử đóng một vai trò quan trọng.
Hàng triệu USD tài trợ bằng tiền điện tử
Theo DW, Hamas phải đối mặt với các lệnh trừng phạt và bị loại khỏi hệ thống ngân hàng quốc tế. Mặc dù vậy, các báo cáo cho thấy, Hamas nhận được tài trợ đáng kể dưới dạng tiền điện tử trong những năm qua.
Theo công ty phần mềm và phân tích tiền điện tử BitOK có trụ sở tại Tel Aviv, Hamas đã nhận được 41 triệu USD từ tháng 8/2021 đến tháng 6/2023 dưới dạng tiền điện tử .
Theo phân tích của tổ chức nghiên cứu tiền điện tử Elliptic có trụ sở tại London, Lữ đoàn al-Qassam - cánh quân sự của Hamas, cũng nhận được hàng triệu USD chuyển khoản bằng tiền điện tử. Các giao dịch chuyển tiền này diễn ra dưới dạng bitcoin, stablecoin tether và các tài sản tiền điện tử khác.
Elliptic cho biết, nhóm vũ trang này thậm chí có thể còn tham gia vào hoạt động khai thác tiền điện tử, điều này cho phép họ kiếm được nhiều tiền hơn.
Lách cấm vận bằng tiền điện tử
Theo DW, dưới sự kiểm của lực lượng Hamas, khu vực Gaza đã phải chịu sự cô lập về kinh tế nghiêm trọng, bao gồm sự di chuyển của hàng hóa và con người.
Ngay cả với những hạn chế này, tạp chí Forbes (Mỹ) vẫn xếp Hamas vào một trong những nhóm vũ trang giàu có nhất thế giới vào năm 2014, khi doanh thu hàng năm của Hamas ước tính lên tới 1 tỷ USD . Điều này đến từ thuế và phí cũng như các nguồn tài trợ và gây quỹ. Phần lớn nguồn tài trợ cho Hamas đến từ người nước ngoài hoặc các nhà tài trợ tư nhân ở vùng Vịnh.
Tiền điện tử đã giúp những người ủng hộ Hamas ở những khu vực thù địch với nhóm này dễ dàng vượt qua các lệnh trừng phạt hơn. Ngay từ năm 2019, trên kênh truyền thông xã hội Telegram, Lữ đoàn al-Qassam đã kêu gọi những người ủng hộ mình gửi bitcoin.
“Thực tế của thánh chiến là sự tiêu tốn công sức và năng lượng, và tiền là xương sống của chiến tranh”, Hamas viết trong một bài đăng, đính kèm địa chỉ ví điện tử đã nhận được khoảng 30.000 USD bitcoin vào năm đó.
Giao dịch tiền điện tử bị giám sát chặt chẽ
Theo DW, vào tháng 4/2023, Hamas tuyên bố sẽ ngừng gây quỹ bằng bitcoin do “sự gia tăng gấp đôi các nỗ lực thù địch” chống lại những người cố gắng hỗ trợ cho nhóm chiến binh thông qua loại tiền điện tử này.
Sau vụ tấn công ngày 7/10, các nhà chức trách Israel thông báo đã đóng băng một số tài khoản tiền điện tử có liên quan đến Hamas, đồng thời cho biết nhóm này đã tổ chức một hoạt động kêu gọi tài trợ khác trên mạng xã hội.
“Đơn vị Cảnh sát Mạng và Bộ Quốc phòng [Israel] đã ngay lập tức hành động để xác định và đóng băng các tài khoản này, với sự hỗ trợ của sàn giao dịch tiền điện tử Binance, nhằm chuyển tiền vào kho bạc nhà nước [Israel]”, một tuyên bố của Cảnh sát Israel cho biết.
Theo DW, Binance là sàn giao dịch tiền điện tử lớn nhất thế giới. Mặc dù đang hợp tác với các nhà chức trách Israel nhưng sàn giao dịch này vẫn đang bị giám sát chặt chẽ vì vai trò gián tiếp nhưng quan trọng của nó trong việc tài trợ cho các nhóm vũ trang.
Theo báo cáo từ Wall Street Journal, trong những năm gần đây, các nhà chức trách đã cố gắng thu giữ tiền điện tử được lưu giữ trên hàng chục tài khoản Binance có liên kết với Hamas.
Bộ Tư pháp Mỹ cũng đang điều tra sàn giao dịch tiền điện tử này vì không ngăn chặn được hoạt động rửa tiền.
Tiền điện tử chiếm 20% nguồn tài trợ khủng bố trên thế giới
Theo DW, thông tin liên lạc nội bộ của Binance được tiết lộ trong quá trình tố tụng tại tòa cho thấy, mặc dù Binance có thể không chủ động tìm kiếm nhóm khách hàng tội phạm, nhưng họ biết và vẫn chấp nhận nhóm khách hàng này.
Trong một cuộc trao đổi nội bộ, Samuel Lim - cựu Giám đốc pháp lý của Binance - viết rằng, những kẻ khủng bố thường gửi những khoản tiền nhỏ vì số tiền lớn sẽ cấu thành hành vi rửa tiền.
Liên Hợp Quốc ước tính rằng, tiền điện tử chiếm 20% nguồn tài trợ khủng bố trên thế giới.
Các chuyên gia cho rằng, tiền điện tử là công cụ tài trợ hoàn hảo cho bọn tội phạm vì các khoản thanh toán có thể khó theo dõi và có thể trốn tránh các quy định tài chính.
Thượng nghị sĩ Mỹ Elizabeth Warren viết trên mạng xã hội X (trước đây là Twitter) rằng: “Thật đáng báo động và nên là lời cảnh tỉnh cho các nhà lập pháp và cơ quan quản lý rằng ví kỹ thuật số được kết nối với Hamas đã nhận được hàng triệu USD tiền điện tử.”
Nhịp sống thị trường