Hệ lụy nào nếu Uber, Grab rời khỏi Việt Nam?
Việc tăng trưởng quá nóng có thể gây áp lực lên hạ tầng và ách tắc giao thông, nhưng sẽ ra sao nếu Uber, Grab rời khỏi Việt Nam (khi không được tiếp tục đề án thí điểm hợp đồng điện tử) và để lại hàng chục nghìn tài xế đang "kiếm sống" bằng nghề lái xe Uber, Grab?
- 23-07-2017Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô: Cần giảm đi một số ràng buộc để taxi truyền thống cạnh tranh với Uber, Grab
- 22-07-2017Cạnh tranh không lại Uber - Grab, Vinasun đẩy rủi ro về phía tài xế?
- 21-07-2017Thủ tướng trả lời chất vấn về Grab và Uber
Trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về việc cho thử nghiệm Uber, Grab, Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc (Đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh Đồng Nai) đã nêu lên hai 2 hệ lụy từ việc chấp nhận hay không chấp nhận Uber, Grab tại Việt Nam.
Đại biểu Dương Trung Quốc đã nêu trong văn bản kiến nghị Thủ tướng chính phủ của mình: “Về góc độ quản lý Nhà nước, chủ trương cho phép Uber, Grab tham gia thử nghiệm vào thời điểm sự phát triển của taxi truyền thống trên những địa bàn đô thị quan trọng ở nước ta đã tới ngưỡng của sự cần thiết phải giới hạn về số lượng tương quan với nhu cầu và hạ tầng giao thông.
Với Grab, Uber được hoạt động thử nghiệm thì số lượng xe tham gia vận chuyển hành khách cả dưới dạng taxi truyền thống hay hợp động vận chuyển sẽ tăng lên gấp bội. Từ đó nảy sinh xung đột lợi ích và nhất là xung đột với mục tiêu quản lý nhà nước trên cơ sở quy hoạch về số lượng, sẽ làm trầm trọng hơn áp lực quá tải lên hạ tầng và ách tắc giao thông”.
Đại biểu Dương Trung Quốc cũng cho rằng: “Đáng lo ngại hơn là thử nghiệm nào cũng phải đi đến kết cục là chấp nhận hay không chấp nhận cho hoạt động chính thức”. Cả hai đều đi đến hệ lụy tiêu cục.
Hai hệ lụy này được diễn giải ra là nếu chấp nhận cho Uber, Grab hoạt động như một phương thức kinh doanh mới thì đương nhiên số lượng xe tham gia vận chuyển hành khách chính thức sẽ tăng vọt đi ngược lại mục tiêu quản lý của Nhà nước và tiếp tục gia tăng sự xung đột giữa taxi truyền thống và 2 phương thức mới.
Trong khi đó, nếu không chấp nhận cho 2 phương thức này hoạt động tại Việt Nam thì hàng vạn người lao động có xe nhưng không có quyền hoạt động.
Lý giải từ đại biểu Dương Trung Quốc cho hay: “Lý thuyết quảng cáo là xe tham gia Uber, Grab là xe nhàn rỗi nhưng thực tế có biết bao nhiêu người mua xe để hành nghề. Do vậy, càng thử nghiệm lâu thì sự tích tụ những hệ lụy càng lớn và khi đó, trách nhiệm quản lý Nhà nước của ngành GTVT và chính phủ sẽ phải gánh chịu và mục tiêu quản lý lĩnh vực giao thông quan trọng này ngày càng bế tắc”.
Tất nhiên, đây chỉ là ý kiến của Đại biểu Dương Trung Quốc về việc thử nghiệm của Uber và Grab tại Việt Nam dưới hình thức hợp đồng điện tử. Tuy nhiên, mọi trường hợp cần được tính đến, nhất là khi lượng tài xế và phương tiện tham gia vào mạng lưới Uber, Grab tại Việt Nam lại không chỉ là các phương tiện nhàn rỗi. Tại Việt Nam, rất nhiều người chạy Uber, Grab để kinh doanh.
Thực tế cho thấy, số lượng xe tham gia vào mạng lưới chạy Uber, Grab đang phát triển nóng. Tại Việt Nam, dù chưa có một con số thống kê chi tiết nào về lượng xe tham gia Uber, Grab. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng phương tiện quá nhanh mà hệ thống của Grab, Uber đang sở hữu ở Hà Nội và TP.HCM đều đang khiến các địa phương này lo ngại.
Con số được nêu ra trong một cuộc họp của Bộ GTVT, hiện số phương tiện kinh doanh theo hợp đồng tại TP.HCM đã tăng lên khoảng 22.000 xe, gấp đôi lượng taxi truyền thống. Và con số này tại TP.Hà Nội là hơn 10.000 xe. Việc tăng trưởng quá nóng có thể dẫn đến tình trạng khó kiểm soát. Đây cũng là lý do các địa phương đều xin kết thúc sớm đề án đồng thời đưa ra các giải pháp để hạn chế lượng xe tham gia mới.
Mới đây, UBND TP. Hà Nội đã lấy ý kiến vào dự thảo Nghị quyết về tăng cường quản lý phương tiện, hạn chế ô nhiễm môi trường giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn 2030. Trong đó cho biết Hà Nội sẽ không áp dụng biện pháp hành chính để hạn chế số lượng phát triển ô tô. Tuy nhiên, với xe dưới 9 chỗ ngồi, TP sẽ lập quy hoạch taxi, quản lý số lượng, chất lượng, phạm vi hoạt động. Trong đó, taxi và xe sử dụng phần mềm hoạt động tương tự taxi (Uber, Grab…) sẽ được đưa vào quy hoạch, cấp hạn ngạch phù hợp với điều kiện giao thông và hạ tầng.
Ngay sau đó, Sở GTVT Hà Nội cũng dã kiến nghị trong thời gian chờ ban hành quy hoạch về số lượng phương tiện taxi công nghệ (như Uber, Grab ) thì cho phép Hà Nội tạm dừng việc bổ sung thêm đơn vị mới đồng thời không tăng thêm số lượng phương tiện tham (từ ngày 15/7).
Sở này cũng đề xuất cho phép Sở và Công an Hà Nội quản lý biểu trưng (logo) dành cho phương tiện tham gia thí điểm và quy định về màu sắc, kích thước, vị trí niêm yết trên xe, bảo đảm dễ dàng nhận biết để phục vụ quản lý, tổ chức giao thông và xử lý vi phạm; đồng thời xem xét rút ngắn thời gian thí điểm trong năm 2017 để đánh giá kết quả và rút kính nghiệm công tác thực hiện thí điểm.
Lý do là trong quá trình thực hiện thí điểm, số lượng phương tiện tham gia kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng liên tục tăng nhanh chưa kiểm soát tốt và vượt quá yêu cầu mà thành phố mong muốn.
ICTNews