Hết dịch bệnh lại đến biểu tình, kinh tế Thái Lan tệ hơn cả khủng hoảng 1998
Nhiều chuyên gia phân tích dự báo năm nay kinh tế Thái Lan sẽ suy giảm mạnh hơn cả thời kỳ khủng hoảng châu Á năm 1998, khi GDP sụt giảm 7,6%.
- 15-10-2020Cảnh "hoang lạnh" tại thiên đường du lịch Thái Lan giữa đại dịch
- 18-09-2020Kinh tế Thái Lan "chìm sâu" vì COVID-19
- 13-09-2020Chân dung gia tộc đứng sau CP Group và tỷ phú giàu nhất Thái Lan
Những người biểu tình chống chính phủ ở Thái Lan đang kêu gọi người dân Thái hãy rút tiền ra khỏi Siam Commercial Bank – ngân hàng có cổ đông hàng đầu là nhà vua Mahaa Vajiralongkorn. Kể từ khi các cuộc biểu tình bắt đầu nổ ra vào tháng 9, cổ phiếu của ngân hàng này đã giảm khoảng 6%.
Những doanh nghiệp mua quảng cáo trên các kênh truyền hình được cho là ủng hộ chính phủ cũng đang bị "tấn công". Kết quả là nhiều công ty, trong đó có ông lớn trong mảng giao đồ ăn Foodpanda, phải nhanh chóng rút quảng cáo.
Các cuộc biểu tình khiến toàn bộ tuyến đường sắt trên cao BTS Skytrain cũng như hệ thống tàu điện ngầm và nhiều tuyến đường phải đóng cửa, ảnh hưởng nặng nề đến các hoạt động kinh tế. Bất ổn chính trị trở thành điều tồi tệ mới nhất trong danh sách những áp lực đang đè nặng lên chính phủ Thái Lan, trong bối cảnh dịch bệnh vốn đã gây ra những thiệt hại nặng nề.
"Vì cấm đường, chúng tôi phải đóng cửa từ 6h30 chiều (tức sớm hơn 3,5 tiếng so với thường lệ)", trung tâm mua sắm CentralPlaza Ladprao ở ngoại ô Bangkok thông báo cuối tuần trước.
CentralWorld, một trong những trung tâm thương mại lớn nhất ở Bangkok, cũng phải đóng cửa sớm. Các cửa hàng bán đồ trang sức lo sợ các cuộc biểu tình có thể biến thành bạo lực và cướp bóc. Một chủ nhà hàng ăn cho biết những ngày này, biểu tình khiến doanh thu sụt giảm 60 – 80%.
Vì du lịch đóng góp tới gần 20% GDP Thái Lan, thu hút du khách trở lại là điều đặc biệt quan trọng đối với đà hồi phục của nền kinh tế. Chính phủ Thái Lan cũng đang có kế hoạch nới lỏng các biện pháp hạn chế du khách nước ngoài có kế hoạch ở lại dài hạn. Tuy nhiên tình trạng biểu tình sẽ khiến du khách sợ hãi. Một chủ chuỗi khách sạn ở Bangkok cho rằng ngành du lịch khó tránh khỏi ảnh hưởng nếu như các cuộc đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình biến thành bạo loạn.
Các nhà đầu tư trên TTCK Thái Lan đang tỏ ra rất thận trọng. Chỉ số SET Index tiếp tục rơi. "Nỗi lo tiếp tục tăng lên khi không ai biết bao giờ tình trạng hỗn loạn hiện nay mới chấm dứt", phó chủ tịch của công ty chứng khoán Kasikorn nhận định. "Chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư nên theo dõi thêm, chờ đợi thêm cho đến khi tình hình rõ ràng hơn".
Theo số liệu thống kê, tại khu mua sắm Ratchaprasong nổi tiếng, các cuộc biểu tình năm 2010 đã gây ra thiệt hại về doanh thu lên đến 174 triệu baht (tương đương 5,6 triệu USD theo tỷ giá hiện hành) chỉ trong 1 ngày.
Nhiều chuyên gia phân tích dự báo năm nay kinh tế Thái Lan sẽ suy giảm mạnh hơn cả thời kỳ khủng hoảng châu Á năm 1998, khi GDP sụt giảm 7,6%.