‘Hết đường’ đầu cơ bất động sản?
Bộ Tài chính được yêu cầu nghiên cứu đề xuất bổ sung một số loại thuế liên quan đến thị trường bất động sản như thuế tài sản nhà ở nhằm ổn định thị trường, hạn chế đầu cơ.
- 25-12-2021Khó xảy ra sốt đất trong thời gian tới
- 24-12-2021Phân khúc bất động sản nào sẽ sôi động trong thời gian tới?
- 24-12-2021Nhà đầu tư tự tin xuống nhiều tiền vào bất động sản, kỳ vọng thị trường "dậy sóng" sau Tết Nguyên đán
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa ký Quyết định 2161/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Một trong những mục tiêu quan trọng được đặt ra tại Chiến lược đó là phát triển thị trường bất động sản nhà ở theo hướng bền vững, minh bạch dưới sự điều tiết, giám sát của Nhà nước, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, chiến lược, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở; hạn chế tình trạng đầu cơ, lãng phí tài nguyên đất trong phát triển nhà ở.
Tại văn bản, Phó Thủ tướng giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương tổ chức triển khai thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045; hướng dẫn, đôn đốc việc triển khai thực hiện xây dựng chương trình phát triển nhà ở của các địa phương.
Cùng với đó theo dõi, tổng hợp tình hình triển khai thực hiện Chiến lược để báo cáo Thủ tướng Chính phủ và tổ chức sơ kết, tổng kết việc thực hiện Chiến lược theo định kỳ; đề xuất sửa đổi, bổ sung Chiến lược cho phù hợp với tình hình thực tế trong từng giai đoạn.
Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng phải chủ trì đề xuất, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về xây dựng, phát triển đô thị, pháp luật về nhà ở và pháp luật về kinh doanh bất động sản phù hợp với định hướng chiến lược phát triển nhà ở và tình hình thực tế; nghiên cứu, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn liên quan đến phát triển nhà ở; xây dựng các cơ chế, chính sách và giải pháp hỗ trợ cải thiện nhà ở cho từng nhóm đối tượng chính sách xã hội gặp khó khăn về nhà ở...
Với Bộ Tài chính, Chiến lược đặt ra nhiệm vụ chủ trì nghiên cứu chính sách khuyến khích phát triển đa dạng nguồn vốn dài hạn dành cho phát triển nhà ở như quỹ đầu tư bất động sản, quỹ đầu tư tín thác bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp bất động sản và các công cụ tài chính dài hạn khác.
Đáng chú ý, Bộ này cũng được yêu cầu nghiên cứu đề xuất bổ sung một số loại thuế liên quan đến thị trường bất động sản như thuế tài sản nhà ở nhằm ổn định thị trường, hạn chế đầu cơ, khai thác có hiệu quả bất động sản nhà ở và đảm bảo quyền lợi của Nhà nước.
Đồng thời hướng dẫn thực hiện các ưu đãi liên quan đến chính sách tài chính, thuế, tín dụng, chế độ miễn tiền sử dụng đất, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền quy định chế độ miễn, giảm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và các thuế khác liên quan đến hoạt động phát triển nhà ở xã hội.
Với Bộ Tài nguyên và Môi trường, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng và các bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật về đất đai theo các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong Quyết định này.
Đồng thời chủ trì, bổ sung các quy định nhằm xác nhận quyền sở hữu hợp pháp đối với các bất động sản nhà ở mới, sản phẩm bất động sản hình thành hợp pháp có chức năng lưu trú.
Chủ trì rà soát hoàn chỉnh quy định theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính trong quá trình giao đất cho các loại dự án phát triển nhà ở theo quy định.
Chiến lược đặt ra nhiệm vụ Chỉ đạo, điều hành hệ thống tín dụng đảm bảo chính sách tín dụng an toàn, ổn định cho lĩnh vực bất động sản nhà ở cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Cơ quan này cũng được giao hoàn thiện cơ chế chính sách liên quan tới thế chấp bất động sản nhằm khai thác khả năng huy động vốn phục vụ nhu cầu phát triển bất động sản nhà ở.
Kịp thời hướng dẫn các tổ chức tín dụng cho vay nhà ở xã hội, chỉ đạo Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai chương trình cho vay nhà ở xã hội theo Luật Nhà ở và các quy định pháp luật có liên quan. Phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính trong quá trình các đơn vị này đề xuất, xây dựng cơ chế tạo nguồn tài chính dài hạn cho phát triển nhà ở.
Còn Bộ Tư pháp có nhiệm vụ phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng, bổ sung quy định pháp luật trong lĩnh vực nhà ở và kinh doanh bất động sản để đảm bảo tính đồng bộ, tương thích, tránh chồng chéo với các pháp luật khác có liên quan nhằm phát triển nhà ở theo các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong Quyết định này; thực hiện việc kiểm soát các thủ tục hành chính, thủ tục đầu tư lĩnh vực nhà ở và kinh doanh bất động sản.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan tổng hợp trình Chính phủ, Thủ tướng Chính bố trí nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước để thực hiện các chương trình mục tiêu, đề án, dự án hỗ trợ phát triển nhà ở quy định tại Quyết định này sau khi được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt...
Theo Chiến lược, đến năm 2025, diện tích nhà ở bình quân đầu người toàn quốc phấn đấu đạt khoảng 27 m2 sàn/người, trong đó: diện tích nhà ở bình quân đầu người tại khu vực đô thị đạt 28 m2 sàn/người và tại khu vực nông thôn đạt 26 m2 sàn/người.
Đến năm 2030, diện tích nhà ở bình quân đầu người toàn quốc phấn đấu đạt khoảng 30m2 sàn/người, trong đó: diện tích nhà ở bình quân đầu người tại khu vực đô thị đạt 32 m2 sàn/người và tại khu vực nông thôn đạt 28 m2 sàn/người.