MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hết thời Apple nhận đặc quyền tại Trung Quốc: Người dân yêu nước chỉ mua điện thoại Huawei, chuỗi cung ứng tạo ra 5 triệu việc làm nguy cơ đi vào dĩ vãng

20-06-2024 - 19:08 PM | Thị trường

Thời kỳ hoàng kim của Apple tại Trung Quốc đã qua?

Bài thuyết trình về AI của Apple cho thấy cách người dùng Mỹ có thể sớm tận hưởng các công cụ trí tuệ nhân tạo như biểu tượng cảm xúc tùy chỉnh. Thế nhưng, không ai nhắc đến Trung Quốc - thị trường lớn thứ hai dành cho iPhone.

Theo WSJ, ChatGPT của OpenAI và các mô hình AI phương Tây khác không có sẵn ở Trung Quốc và điều này khiến Apple phải tìm kiếm một đối tác Trung Quốc để giúp cung cấp các dịch vụ Apple Intelligence của mình. Cho đến nay, vẫn chưa có thỏa thuận nào được công bố trong khi mẫu iPhone tiếp theo vài tháng nữa là được phát hành.

Tại Trung Quốc, Apple đang tụt hậu so với các đối thủ địa phương. Theo Counterpoint Research, dòng smartphone này đã tụt xuống vị trí thứ ba về thị phần thiết bị cầm tay thông minh ở Trung Quốc trong quý I, sau 2 thương hiệu ‘cây nhà lá vườn’.

Apple đã tổ chức đàm phán với một số công ty Trung Quốc sản xuất mô hình AI, bao gồm Baidu, Alibaba và một công ty khởi nghiệp có trụ sở tại Bắc Kinh có tên Baichuan AI. Tại Mỹ, hãng đang theo đuổi chiến lược hai hướng để cung cấp dịch vụ AI, xây dựng năng lực AI của riêng mình đồng thời hợp tác với OpenAI. Tiềm năng các dịch vụ liên quan đến AI trong tương lai đã giúp đẩy vốn hóa thị trường Apple trở lại mốc trên 3 nghìn tỷ USD.

Tại Trung Quốc, các công ty phải xin phép giới chức Bắc Kinh trước khi giới thiệu các chatbot AI được xây dựng trên mô hình ngôn ngữ lớn được đào tạo với cơ sở dữ liệu văn bản, hình ảnh và video khổng lồ lấy từ internet và các nguồn khác. Các cơ quan quản lý sẽ kiểm tra các mô hình để đảm bảo chúng không gây ra những ảnh hưởng tiêu cực.

Tính đến tháng 3, cơ quan giám sát internet của Bắc Kinh, Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc, đã phê duyệt 117 sản phẩm AI có tính sáng tạo. Không có sản phẩm nào do nước ngoài phát triển.

Theo WSJ, vị trí của Apple đang bị đe dọa bởi các công ty địa phương. Năm nay, Huawei dự kiến chiếm 17% thị trường điện thoại thông minh Trung Quốc, tăng từ mức 13% của năm ngoái, trong khi thị phần của Apple dự kiến sẽ giảm từ 18% xuống 16%, theo Counterpoint. Dẫu vậy, đại diện hãng vẫn tự tin mình có lợi thế.

“Trung Quốc là thị trường cạnh tranh nhất trên thế giới và chúng tôi cảm thấy khá tự tin về vị thế của mình”, Giám đốc tài chính Luca Maestri nói với The Wall Street Journal.

Ở Trung Quốc, cũng như ở Mỹ, các nhà sản xuất điện thoại thông minh đang tận dụng AI trong quảng cáo để lôi kéo người dùng nâng cấp. Vào tháng 1, Samsung giới thiệu loạt điện thoại thông minh Galaxy S24 với các tính năng AI tổng quát như dịch cuộc gọi và tin nhắn văn bản theo thời gian thực, chỉnh sửa ảnh do AI cung cấp và tìm kiếm Google được kích hoạt bằng cách khoanh tròn hình ảnh trên điện thoại.

Hết thời Apple nhận đặc quyền tại Trung Quốc: Người dân yêu nước chỉ mua điện thoại Huawei, chuỗi cung ứng tạo ra 5 triệu việc làm nguy cơ đi vào dĩ vãng- Ảnh 1.

Apple từ lâu đã có được vị trí tương đối đặc quyền tại thị trường Trung Quốc. Việc hầu hết iPhone đều được lắp ráp tại đây đã giúp tạo ra khoảng 5 triệu việc làm ở đại lục, bao gồm cả chuỗi cung ứng và hệ sinh thái App Store.

Tuy nhiên, sự trỗi dậy của lòng yêu nước ở Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến vị thế của Apple, Tom Kang, giám đốc nghiên cứu tại Counterpoint, cho biết. “Trung Quốc đang ngày càng nhắm mục tiêu vào từng công ty Mỹ. Liệu Apple có trở thành mục tiêu hay không – đó sẽ là vấn đề then chốt”, ông nói.

Trong một thập kỷ, Trung Quốc là thị trường quan trọng nhất của iPhone khi chiếm tới 20% doanh số bán hàng. Thực tế đó giờ đã khác khi từ phía chính phủ, sức ép ngày càng tăng còn người tiêu dùng thì thờ ơ với các thiết bị đến từ Mỹ. Nhà vô địch quốc gia Huawei đã hồi sinh.

“Thời kỳ hoàng kim của Apple tại Trung Quốc đã qua”, Linda Sui, giám đốc cấp cao của TechInsights, một công ty nghiên cứu thị trường, nói và cho biết nếu không giảm bớt đáng kể căng thẳng địa chính trị, Apple khó lòng giữ được vị thế của mình. “Vấn đề không chỉ nằm ở người tiêu dùng. Đó là về bức tranh toàn cảnh, khi hai siêu cường cạnh tranh với nhau”.

Theo Counterpoint Research chuyên phân tích thị trường điện thoại thông minh, trong sáu tuần đầu tiên của năm, thời điểm người tiêu dùng Trung Quốc vốn đổ xô đi mua điện thoại mới, doanh số bán iPhone lại giảm 24% so với một năm trước đó. Trong khi đó, doanh số Huawei - một trong những đối thủ Trung Quốc lâu đời của Apple lại tăng 64%.

Lucas Zhong, nhà phân tích của Canalys, một công ty nghiên cứu thị trường có trụ sở tại Thượng Hải, cho biết: “5 năm trước, Apple là một thương hiệu thực sự mạnh ở Trung Quốc. Mọi người sẵn sàng mang lều chờ suốt đêm bên ngoài Apple Store cho mỗi lần ra mắt sản phẩm mới tiếp theo”. Tuy nhiên, thiết kế iPhone 15 có vẻ không nhiều sức hút cho lắm.

Đối với một số người dùng ở Trung Quốc, mua điện thoại còn gắn liền với yếu tố chính phủ. Họ sợ bị chính phủ Mỹ theo dõi. Số khác thì bị cấm không được sử dụng iPhone cho mục đích công việc.

Theo ông Guo Tianxiang, chuyên viên phân tích cấp cao tại công ty nghiên cứu thị trường IDC Trung Quốc, Apple đang dần cảm nhận rõ hơn sự cạnh tranh rõ ràng hơn từ phía các nhà sản xuất như Huawei. “Doanh số bán iPhone yếu dần từ đầu năm. Trong khi đó, các đối thủ Android cao cấp, giá trên 4.000 tệ lại được đón nhận tốt”, ông Guo Tianxiang cho biết.

Theo: The New York Times, WSJ

Theo Vũ Anh

An ninh tiền tệ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên