Hết thời ông lớn ‘đi cửa sau’ móc túi khách hàng
Luật Cạnh tranh 2018 (sửa đổi) có nhiều quy định mạnh tay với các hành vi cạnh tranh không lành mạnh.
Tại hội thảo phổ biến Luật Cạnh tranh (LCT) sửa đổi 2018 diễn ra ngày 19-9 ở TP.HCM, các chuyên gia cho rằng luật mới đã đưa ra nhiều “đơn thuốc” nhằm điều trị “bệnh” cạnh tranh không lành mạnh trong nền kinh tế vốn đã kéo dài suốt thời gian qua.
Chế tài quan chức ra văn bản kiểu “bán bia tỉnh nhà”
Bà Trần Phương Lan, Trưởng phòng Kiểm soát tập trung kinh tế, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (CT&BVNTD, Bộ Công Thương), khẳng định: “LCT 2018 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2019 đã đưa ra nhiều điểm mới, đáp ứng được xu hướng phát triển kinh tế cũng như mục tiêu bảo vệ môi trường cạnh tranh, bảo vệ các chủ thể doanh nghiệp trên thị trường”.
Bà Lan dẫn chứng: Luật đã sửa đổi, bổ sung và làm rõ những hành vi bị cấm đối với cơ quan nhà nước. Lý do là trong thời gian qua có khá nhiều cơ quan quản lý nhà nước như UBND các tỉnh, sở, bộ, ngành đã ban hành những văn bản gây tác động bất lợi và có sự phân biệt đối xử, hạn chế cạnh tranh trên thị trường.
“LCT 2004 đã điều chỉnh những hành vi này nhưng lại không có bất cứ một hình thức xử lý, chế tài nào. Điều này khiến cho các quy định rất khó đi vào cuộc sống. Chính vì vậy, LCT 2018 bên cạnh việc bổ sung thêm hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để can thiệp trái pháp luật vào hoạt động cạnh tranh thì cũng quy định rõ về mức xử lý vi phạm đối với loại hành vi này. Đây là điểm mới nhằm nâng cao hiệu quả thực thi của LCT một cách toàn diện” - bà Lan nhấn mạnh.
Điều này cũng có nghĩa là tới đây, khi LCT 2018 có hiệu lực, các cơ quan nhà nước không thể vô tư ra lệnh cấm bán cát cho khách ngoại tỉnh, yêu cầu uống bia nội tỉnh, nông dân phải dùng thuốc trừ sâu tỉnh nhà… như trước đây. Điển hình như việc UBND các địa phương ở Hà Tĩnh từng có văn bản yêu cầu các hộ kinh doanh, nhà hàng, khách sạn trên địa bàn cam kết ưu tiên tiêu thụ bia Sài Gòn… là trái luật và sẽ bị xử lý.
Đại diện Cục CT&BVNTD cũng cho hay kể từ khi LCT 2018 có hiệu lực, tất cả dạng hành vi thỏa thuận giữa doanh nghiệp sản xuất, nhà phân phối đều sẽ bị kiểm soát, bị kiềm tỏa. Ví dụ như nhà sản xuất yêu cầu nhà phân phối không được bán những sản phẩm cạnh tranh trực tiếp với nhà sản xuất.
Một ví dụ khác là tại khu vực tỉnh Khánh Hòa có một công ty đưa khách Nga vào Việt Nam và ký với các khách sạn từ ba sao trở lên kèm theo yêu cầu các khách sạn này chỉ được tiếp nhận các khách Nga do công ty trên đưa về. Các khách sạn nói rằng họ thấy lợi ích và cam kết với doanh nghiệp đưa khách Nga. Tuy nhiên, thỏa thuận này có thể bị xem là hành vi vi phạm nếu như căn cứ theo quy định của LCT 2018.
Bà Trần Phương Lan cho rằng Luật Cạnh tranh mới có thể hạn chế cạnh tranh thiếu lành mạnh. Ảnh: THÙY LINH
Cấm thỏa thuận để trục lợi
Ông Phùng Văn Thành, Phó Trưởng phòng Điều tra hành vi hạn chế cạnh tranh Cục CT&BVNTD (Bộ Công Thương), nhận xét thỏa thuận hạn chế cạnh tranh của LCT 2018 là vô cùng hà khắc. Cụ thể theo Điều 11, thỏa thuận hạn chế cạnh tranh cấm toàn bộ các dạng hành vi về ấn định giá hàng hóa, dịch vụ một cách trực tiếp hoặc gián tiếp; thỏa thuận phân chia khách hàng, thị trường tiêu thụ, nguồn cung cấp hàng hóa, cung ứng dịch vụ...
Ông Thành cho rằng việc thay đổi này phù hợp với thực tế và thế giới. Bởi thực tế cho thấy với nước ta có dân số 90 triệu người, nếu các công ty bắt tay nhau tăng giá, phân chia thống lĩnh thị trường thì hành vi này sẽ ảnh hưởng rất nhiều NTD. Hơn nữa, cho dù thỏa thuận chỉ tăng 1 đồng nhưng khoản lợi nhuận mang tính trục lợi mà doanh nghiệp thu được là rất lớn.
“Đặc biệt, nếu các công ty “đi cửa sau”, thỏa thuận ngầm với nhau để móc túi khách hàng thì không một NTD nào có thể nhận biết được, trừ khi hành vi đó tự được bộc lộ ra. Đây thực sự là sự nguy hại của hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh. Vì vậy, lần đầu tiên tại Việt Nam, các nhà điều hành đã đưa vào LCT 2018 một nguyên tắc cấm mọi hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh” - ông Thành nhấn mạnh.
Ông Phùng Văn Thành kể: Trước đây đã có rất nhiều cuộc điều tra về hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh. Trong đó có nhiều cuộc điều tra đã thu được chứng cứ về việc các công ty ngồi với nhau thỏa thuận thống nhất giá, ký với nhau bằng biên bản; hay ở một tỉnh, các doanh nghiệp taxi ngồi với nhau để thống nhất giá mở cửa.
Thậm chí có một nhóm doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng thỏa thuận với nhau là các sản phẩm của tôi sẽ bán ở vùng núi phía Bắc, sản phẩm của anh sẽ bán ở vùng Đông Nam bộ và sản phẩm của anh kia sẽ bán ở khu vực miền Trung. Đây là thỏa thuận phân chia thị trường.
Đáng tiếc là khi có được chứng cứ trên thì cơ quan chức năng vẫn phải xác minh thị phần của các doanh nghiệp trên thị trường liên quan lớn hay nhỏ hơn 30% để từ đó xác định hành vi có vi phạm hay không vi phạm. Nhưng với LCT 2018 thì không cần nữa, chỉ cần nhóm doanh nghiệp ngồi với nhau thỏa thuận cũng đã cấu thành hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh.
“Bất kỳ một doanh nghiệp nào trên thị trường được thành lập cũng không có quyền ngăn cản hay bóp chết doanh nghiệp khác. Cái quyền đó bị cấm một cách tuyệt đối dưới mọi hình thức, bao gồm cả thỏa thuận dọc, thỏa thuận ngang. Đây là điểm rất khác biệt của Việt Nam so với LCT trên thế giới, do xuất phát từ thực tế, từ điều kiện của nước ta” - ông Thành nhấn mạnh.
Có thể bắt tay nhau mua bản quyền bóng đá
Theo đại diện Cục CT&BVNTD (Bộ Công Thương), Điều 14 của LCT để ra một cơ hội trong một số trường hợp thỏa thuận hạn chế cạnh tranh sẽ được miễn trừ. Ví dụ có những công ty xuất khẩu hàng nông sản, thủy sản ngồi lại với nhau thỏa thuận tăng giá bán tại thị trường Việt Nam thì đó là hành vi vi phạm LCT. Tuy nhiên, nếu các doanh nghiệp ngồi với nhau để tăng giá các sản phẩm xuất khẩu sang Mỹ, châu Âu… thì rõ ràng trong trường hợp này là mang lại nguồn lực cho đất nước, tạo ra công ăn việc làm.
Một ví dụ khác là vừa qua khán giả chịu thiệt thòi do truyền hình không thể nào mua nổi bản quyền chiếu các giải bóng đá. Lý do là doanh nghiệp nắm bản quyền truyền hình nước ngoài có tiềm lực về tài chính, có sức mạnh đàm phán, ép giá bất kỳ quốc gia nào bao gồm cả Việt Nam. Trong khi giá thành bản quyền rất lớn, nếu từng đơn vị truyền hình nhỏ lẻ đàm phán sẽ dễ thua cuộc. Do đó, trong một chừng mực nào đó, các đơn vị có thể cùng ngồi với nhau, tạo ra sức mạnh đàm phán để mua được bản quyền truyền hình thể thao với giá tốt nhất.
"Thậm chí chính phủ Thái Lan hay Singapore còn đứng ra kêu gọi các đơn vị truyền hình hãy ngồi lại với nhau để đàm phán mua lại bản quyền truyền hình nước ngoài" - đại diện Cục CT&BVNTD dẫn chứng.
Pháp luật Tp Hồ Chí Minh