MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hiện thực phũ phàng của những công việc được hứa trả 18-30 triệu đồng ở nước ngoài: Ngày làm gần 20 tiếng, bị quản thúc, bạo hành

09-06-2024 - 18:41 PM | Kinh tế số

Vừa qua, Công an tỉnh Hà Tĩnh đã phối hợp các đơn vị giải cứu thành công 36 người về nước an toàn; bắt giữ 4 đối tượng về hành vi mua bán người, lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Hiện thực phũ phàng của những công việc được hứa trả 18-30 triệu đồng ở nước ngoài: Ngày làm gần 20 tiếng, bị quản thúc, bạo hành- Ảnh 1.

Thời gian qua, lợi dụng người lao động có nhu cầu tìm việc làm, một số đối tượng đã dùng nhiều thủ đoạn tinh vi để mời gọi, lôi kéo, dụ dỗ người lao động có công ăn việc làm với vỏ bọc “việc nhẹ lương cao”. Cũng từ đó, một số người lao động đã trở thành nạn nhân trong các đường dây mua bán người xuyên quốc gia.

Trước thực trạng trên, Công an tỉnh Hà Tĩnh đã tham mưu huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia phòng, chống mua bán người…; phối hợp với các sở, ngành, địa phương thực hiện các nhóm nhiệm vụ, và tổ chức hiệu quả nhiều văn bản chỉ đạo về phòng, chống mua bán người, với mục tiêu cao nhất là bảo vệ "quyền con người", bảo vệ "an ninh con người". Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các tầng lớp Nhân dân về phương thức, thủ đoạn của các đối tượng buôn bán người, nhất là dưới hình thức tuyển lao động, tìm kiếm việc làm.

Qua triển khai đấu tranh với tội phạm mua bán người, Công an Hà Tĩnh nhận được đơn cầu cứu của nhiều gia đình nạn nhân bị các đối tượng lừa đưa sang Lào, Thái Lan lao động, với chiêu thức “ việc nhẹ lương cao”. Thực chất, những nạn nhân này đã bị bán cho các tổ chức tội phạm người Trung Quốc đang hoạt động tại Lào.

Sau một thời gian điều tra, Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Hà Tĩnh phát hiện đối tượng Lê Xuân Thành (SN 1989, ở xã Kỳ Lợi, Thị xã Kỳ Anh) cùng đồng bọn đã thông qua mạng xã hội sử dụng danh nghĩa tuyển dụng lao động sang làm việc tại Thái Lan với mức lương từ 18 - 30 triệu đồng để móc nối, tổ chức đưa người Hà Tĩnh sang Lào để bán cho các đường dây hoạt động phạm tội lừa đảo quốc tế trên không gian mạng do người Trung Quốc cầm đầu ở khu vực Đặc khu kinh tế Tam giác vàng (tại tỉnh Bò Kẹo, Lào).

Khi sang đó, số người này bị chúng khống chế, cưỡng bức lao động, ép buộc thực hiện hành vi lừa đảo, tổ chức đánh bạc trực tuyến; ngày làm gần 20 tiếng, có trường hợp không được trả lương, bị các đối tượng đánh đập, quản thúc không cho ra ngoài. Khi người lao động không muốn thực hiện công việc được giao, họ bị giam giữ, ép nạn nhân gọi điện về người nhà tại Việt Nam để đòi tiền chuộc.

Trước tình hình trên, Ban Giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo phòng Cảnh sát hình sự xác lập chuyên án, huy động tối đa lực lượng, phương tiện, triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để đấu tranh. Sau một thời gian điều tra kết hợp với những thông tin của người bị hại; phối hợp chặt chẽ với Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh; Cục Phòng chống mua bán người - Bộ Công an Lào và Công an tỉnh Bò Kẹo theo dõi phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng trong đường dây và thống nhất kế hoạch phối hợp bắt giữ và giải cứu số người Việt Nam bị bán sang Lào.

Sau gần 1 tháng triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp, ngày 22/5/2024, Tổ công tác của Công an tỉnh Hà Tĩnh đã phối hợp với các Cục nghiệp vụ - Bộ Công an, Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh, Công an Thị xã Kỳ Anh, Đoàn công tác của Bộ Công an đang công tác tại Lào, Cục Cảnh sát mua bán người Bộ Công an Lào, Công an tỉnh Bò Kẹo - Lào phá thành công chuyên án, bắt giữ 4 đối tượng cầm đầu đường dây gồm Lê Xuân Thành (SN 1989); Lê Anh Tuấn (SN 1990), trú xã Kỳ Lợi; Dương Anh Điện (SN 1986), trú phường Kỳ Thịnh, TX Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh; Lê Thanh Trầm (SN 1978, trú tại huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An). Giải cứu, đưa 36 người Việt Nam từ trong Đặc khu kinh tế Bò kẹo ở Tam giác vàng về nước an toàn.

Bước đầu cơ quan điều tra xác định, từ cuối năm 2023, Lê Xuân Thành và Lê Anh Tuấn sang Lào làm việc cho một tổ chức tội phạm người Trung Quốc tại Đặc khu kinh tế Tam giác vàng thuộc tỉnh Bò Kẹo - Lào với nhiệm vụ thông qua mạng xã hội lừa đảo người Việt Nam đầu tư vào các app lừa đảo để chiếm đoạt tài sản.

Từ tháng 11/2023 đến 4/2024, Thành và Tuấn được giao nhiệm vụ quản lý, tìm kiếm người từ Việt Nam đưa sang hoạt động nên chúng đã thông qua mạng xã hội tuyển dụng người sang Thái Lan lao động “việc nhẹ lương cao”. Với phương thức, thủ đoạn đó Thành và Tuấn đã đưa 22 người Hà Tĩnh qua cửa khẩu Tây Trang, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên đến Đặc khu kinh tế Tam giác vàng thuộc tỉnh Bò Kẹo, Lào giao cho các đối tượng Trung Quốc. 

Số người này khi sang được cung cấp máy tính, điện thoại và hướng dẫn, đào tạo để lập tài khoản mạng xã hội nhắn tin, gọi điện lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người Việt Nam. Tuy nhiên, sau một thời gian hoạt động bị thu hết Hộ chiếu, “giam lỏng”, đánh đập, không trả lương nên số người này đã liên lạc về nhà để trình báo cầu cứu.

Được biết, Đường dây tổ chức đưa người từ Việt Nam sang Lào do Lê Xuân Thành, Lê Tuấn Anh nằm trong hệ thống đường dây tội phạm xuyên quốc gia với quy mô lớn do các đối tượng người Trung Quốc chỉ đạo, điều hành. Ngoài việc tổ chức hoạt động mua bán người từ Việt Nam sang Lào, Lê Xuân Thành và đồng bọn cũng như 36 người Việt bị bán sang Lào đều tham gia vào hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tổ chức đánh bạc trên không gian mạng.

Hiện vụ việc đang được cơ quan điều tra, làm rõ, hoàn tất hồ sơ để xử lý các đối tượng theo qui định của pháp luật.


Thục Trinh

Đời sống Pháp luật

Trở lên trên