MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hiện tượng thú vị của kinh tế Việt Nam: "Thượng nguồn bị khô còn hạ nguồn bị ngập"

Báo cáo kinh tế Việt Nam 2016 của nhóm nghiên cứu ĐH Kinh tế Quốc dân do GS. Trần Thọ Đạt và GS. Ngô Thắng Lợi làm chủ biên đã nhận định nền kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng nhờ vào "gia công", xu hướng này không chỉ biểu hiện ở ngành công nghiệp mà đã lan sang cả nông nghiệp.

Theo nhóm nghiên cứu của GS. Trần Thọ Đạt, hiệu quả tăng trưởng được đánh giá trên 3 tiêu chí: chênh lệch tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất (GO) và tốc độ tăng trưởng GDP (VA), suất đầu tư tăng trưởng (hiệu quả sử dụng vốn) và năng suất lao động (hiệu quả sử dụng lao động).

Tính toán từ dữ liệu của Tổng cục Thống kê (TCTK), nhóm nghiên cứu chỉ ra qua các năm, tốc độ tăng trưởng GO luôn lớn hơn tốc độ tăng trưởng GDP.

Mức chênh lệch lớn giữa tốc độ tăng trưởng GO và GDP này phản ánh 2 vấn đề:

Thứ nhất, hiệu quả tăng trưởng thấp. Chất lượng giữa giữa tốc độ tăng trưởng GO và GDP năm 2016 là 2,89 điểm phần trăm, giảm đi so với các năm trước của giai đoạn 2011 – 2015 nhưng nhìn chung, tốc độ tăng trưởng GDP vẫn thấp hơn khá nhiều so với tốc độ tăng trưởng GO.

Việc giảm khoảng chênh lệch giữa tốc độ tăng trưởng GO và GDP trong 2 năm gần đấy, theo đánh giá của một số chuyên gia thống kê chủ yếu là do giá đầu vào các yếu tố sản xuất giảm đi khá nhiều so với những năm trước. Theo TCTK (2016), chỉ số giá nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu dùng cho sản xuất giảm 0,78% so với năm trước, chỉ số giá nhập khẩu giảm nhiều hơn so với chỉ số giá xuất khẩu (số liệu tương ứng là giảm 5,35% và 1,83%).

Bên cạnh đó, thông qua tính toán khác, như tỷ lệ VA so với GO và so với chi phí trung gian (IC), nhóm nghiên cứu nhận thấy những tỷ lệ này vẫn còn rất thấp, chứng tỏ chi phí sản xuất vẫn rất cao, hiệu quả thấp.

Thứ 2, nền kinh tế Việt Nam đang là một nền kinh tế tăng trưởng nhờ vào gia công phản ánh qua tốc độ tăng trưởng GO lớn hơn so với tốc độ tăng trưởng GDP.

"Nếu ví nền kinh tế như một dòng sông chảy thì tốc độ tăng trưởng GO lớn hơn GDP đã phản ánh một hiện tượng đang không bình thường trong nền kinh tế Việt Nam, theo đó, 'thượng nguồn' đang bị khô còn 'hạ nguồn' lại bị ngập", nhóm nghiên cứu nhận xét.

Cụ thể, các ngành "thượng nguồn" với chức năng sản xuất hàng hoá trung gian không phát triển, vì thế sản xuất luôn phải nhập khẩu các yếu tố đầu vào. Cũng theo số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2016, nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm 91,1% tổng kim ngạch hàng hoá nhập khẩu, trong đó nhập khẩu máy móc thiết bị chiếm 41,4%, nhóm hàng tiêu dùng chiếm 8,9%.

"Hạ nguồn ở đây phản ánh những ngành công nghiệp chế biến, lắp ráp phía sau, hiện rất phổ biến trong nền kinh tế Việt Nam. Có thể hình dung như một chuỗi giá trị ở ngành dệt may, nếu như ngành bông sợi là ở 'thượng nguồn' thì việc may, lắp ráp thành sản phẩm chính là 'hạ nguồn'. Tốc độ tăng của GO lớn vì giá trị sản xuất của nó nhiều, trong khi giá trị VA ở 'thượng nguồn' đóng góp quá ít khiến cho tốc độ tăng chung bị chậm lại. GO lớn chứng tỏ nền kinh tế Việt Nam gia công là chủ yếu chứ không phải chế biến, chế tạo", ThS. Ngô Quốc Dũng, thành viên nhóm nghiên cứu làm rõ thêm.

Báo cáo cũng đồng thời chỉ ra xu hướng kinh tế gia công không chỉ ở ngành công nghiệp mà còn lan sang cả nông nghiệp. Sản xuất nông nghiệp của Việt nam ngày càng có xu hướng gia công, nhập khẩu cả phân bón, thuốc trừ sâu, giống cây trồng, vật nuôi...

"Đây là yếu tố làm nội ngành nông nghiệp suy giảm về hiệu quả và ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế không chỉ trong năm 2016 mà có thể cả giai đoạn sau nếu không có chính sách khắc phục", các nhà nghiên cứu khuyến cáo.

Tóm lại, nền kinh tế dựa vào gia công không chỉ thể hiện tính kém hiệu quả mà còn phản ánh những dấu hiệu đáng lo ngại hơn, đó là sự phụ thuộc lớn của nền kinh tế đối với bên ngoài. Trong chuỗi giá trị toàn cầu, Việt Nam luôn nằm ở đoạn cuối với nhiều rủi ro và phụ thuộc lớn vào những khâu phía trên trong chuỗi giá trị này.

N.Dương

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên