MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hiệp hội vận tải: VEC 'bịt' cao tốc vừa sai, vừa gây thiệt hại kinh tế

Hiệp hội vận tải: VEC 'bịt' cao tốc vừa sai, vừa gây thiệt hại kinh tế

Đánh giá về việc Tổng Cty Đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cấm đường trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai vừa qua, đại diện các Hiệp hội vận tải khẳng định: Việc làm của nhà đầu tư vừa trái quy định vừa gây thiệt hại kinh tế cho lái xe và doanh nghiệp (DN) vận tải.

Trái quy định, vi phạm pháp lý

Luật sư - Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội - Bùi Sinh Quyền cho rằng việc Tổng Cty VEC cấm đường, buộc phương tiện ô tô thay đổi hướng đi trên cao tốc Nội Bài trên lộ trình Lào Cai về Hà Nội vừa qua là nhà đầu tư sai cả về quy định lẫn pháp lý.

Về nội dung trái quy định, ông Quyền cho rằng, các văn bản mà Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) dẫn ra khi cho rằng VEC làm đúng quy định chỉ là văn bản hướng dẫn chuyên ngành về lĩnh vực thu phí. Văn bản này hướng dẫn VEC nói riêng và các nhà đầu tư BOT nói chung có các phương án để đảm bảo thu phí hoàn vốn trên các tuyến đường mình đầu tư.

Cụ thể, Nhà nước cho phép nhà đầu tư lập trạm, áp dụng các hình thức, công nghệ khác nhau để phục vụ thu phí cho tất cả phương tiện qua lại, tránh thất thoát. “Tuy nhiên, các văn bản này cũng yêu cầu nhà đầu tư phải tuân thủ các quy định pháp luật về lĩnh vực giao thông và hạ tầng đường bộ. Hoàn toàn không có nội dung nào cho phép nhà đầu tư được dựng rào cấm, ngăn phương tiện, trên cao tốc”, ông Quyền nói.

Theo ông Quyền, trong hai văn bản cao nhất về tổ chức và quản lý hạ tầng giao thông đường bộ là Luật Giao thông đường bộ và Nghị định Quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, cũng không có nội dung nào cho phép nhà đầu tư được phép chặn đường, cấm xe đi lại trên cao tốc. Do vậy, việc VEC dựng rào bịt toàn bộ làn cao tốc khu vực ráp ranh với Hà Nội trong những ngày Thủ đô thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 là sai. Kể cả việc này có được Tổng cục ĐBVN cho phép cũng sai vì Tổng cục chỉ là cơ quan tham mưu, giúp việc; Bộ GTVT mới là cơ quan mới đủ thẩm quyền ký văn bản cho cấm phương tiện, phong tỏa quốc lộ, cao tốc nhà nước quản lý.

Với pháp lý, qua phản ánh của một số tài xế và đại diện doanh nghiệp (DN) vận tải, ngoài việc đi sai hành trình đã được DN cài đặt, sai cung đường đã được cơ quan chức năng cấp phép (với xe kinh doanh vận tải), thì việc xe phải vòng ra nút giao cầu vượt Bình Xuyên (Vĩnh Phúc) để trả phí cho VEC tại trạm IC3 mỗi xe phải đi xa thêm khoảng 2 km. Do đường ra hướng cầu vượt Bình Xuyên chỉ 1 làn xe cho mỗi chiều nên khi toàn bộ xe từ cao tốc đổ vào, cộng với phải chờ đợi thu phí khiến tuyến đường này thời gian qua luôn ùn tắc kéo dài.

Hiệp hội vận tải: VEC bịt cao tốc vừa sai, vừa gây thiệt hại kinh tế - Ảnh 1.

Tài xế xe chở hàng phải đi thêm khoảng 2 km ra khỏi cao tốc và phải xếp hàng đứng chờ trả phí tại trạm IC3 - Bìn Xuyên (Vĩnh Phúc) trong hơn 1 tháng vừa qua.

Từ thực tế này, dù chỉ đi vòng thêm 2 km nhưng nhiều hôm tài xế mất từ 30 phút đến 1 giờ mới xong. “Một xe container chở hàng đi trên đường chi phí được tính toán hết từ 3.000 đến 5.000 đồng cho mỗi 1 km, nay cộng thêm tắc đường khoảng nửa giờ nữa thì, một DN vận tải có từ 10 đến 50 lượt xe đi lại hằng ngày thì chi phí bị tăng thêm nhiều. Từ thực tế này, cộng với việc VEC làm sai khi cấm đường trái quy định, DN vận tải, tài xế hoàn toàn có đủ cơ sở để khởi kiện VEC”, ông Quyền nêu rõ.

Cơ quan quản lý dung túng hay không biết đúng, sai?

Luật sư - Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội Bùi Sinh Quyền cho rằng, Tổng cục ĐBVN là cơ quan tham mưu, giúp việc cho Bộ GTVT có trách nhiệm quản lý hạ tầng giao thông quốc lộ, cao tốc, việc VEC bịt đường , cấm xe trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai cả tháng trời mà cơ quan này không có tiếng nói, điều chỉnh là không chấp nhận được.

“Tổng cục ĐBVN có dung túng, bật đèn xanh cho VEC bịt đường để thu phí có lợi cho nhà đầu tư tôi chưa dám khẳng định, nhưng việc VEC phong tỏa đường cao tốc cả một tháng trời tôi cho rằng Tổng cục biết. Nhưng tại sao vẫn để VEC làm sai, thậm chí Tổng cục ĐBVN còn không phân biệt được việc này đúng hay sai thì thật vô trách nhiệm”, Luật sư - Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội Bùi Sinh Quyền.

Thậm chí đến khi báo chí lên tiếng, thay vì có động tác của một cơ quan quản lý - cho dù muộn là chấn chỉnh, xử lý nhưng Tổng cục ĐBVN vẫn không làm.

Thậm chí, lãnh đạo Tổng cục ĐBVN còn ra văn bản ký, khẳng định: “Nhà đầu tư là VEC đã làm đúng chủ trương, quy định”.

Hiệp hội vận tải: VEC bịt cao tốc vừa sai, vừa gây thiệt hại kinh tế - Ảnh 2.

Cao tốc Nội Bài - Lào Cai hướng về Hà Nội bị VEC lập hàng rào chặn ngang, phong tỏa thời gian qua.

Ông Thân Văn Thanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đề nghị: việc này lãnh đạo Bộ GTVT phải có ý kiến và vào cuộc. Cần làm rõ đúng sai từ việc làm của VEC vừa qua. Từ đó xác định trách nhiệm cá nhân, đơn vị được giao nhiệm vụ vì sao để xảy ra việc như vậy.

Theo ông Thanh, Bộ GTVT cần sớm chứng minh cho người dân và DN vận tải biết, Bộ GTVT là cơ quan được giao quản lý hạ tầng giao thông quốc gia và luôn làm đúng vai trò, nhiệm vụ và theo pháp luật chứ không phải là cơ quan có các đơn vị tham mưu, giúp việc không phân biệt được đúng sai, thậm chí ra văn bản nói đỡ cho DN làm sai.

Ngày 15/9, báo Tiền Phong đăng bài "Chặn đường, ép lái xe trên cao tốc về Hà Nội phải đi vòng trả phí", phản ánh nội dung: Là trạm thu phí (tại KM 6 huyện Sóc Sơn, Hà Nội) của tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai hướng về Hà Nội phải dừng hoạt động khi Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Tuy nhiên, để không bị "mất thu", khi phương tiện chạy đến khu vực giáp ranh giữa Vĩnh Phúc với Hà Nội nhà đầu tư VEC đã dựng hàng rào phong tỏa toàn bộ đường cao tốc hướng về Hà Nội.

Tại đây, để tiếp tục hành trình về Hà Nội, phương tiện được yêu cầu rẽ vào hướng tỉnh lộ 310 (Vĩnh Phúc) và thực hiện việc trả phí tại trạm IC3 của VEC, sau đó được hướng dẫn vòng trở lại cao tốc để chạy về hướng Hà Nội. Nhiều ý kiến của lái xe và DN vận tải cho rằng, việc họ đi đường BOT và trả phí là điều hiển nhiên và VEC phải có giải pháp cho việc thu này, nhưng hành động chặn cao tốc, buộc xe thay đổi hành trình là không chấp nhận được.

Theo Nhóm Phóng viên

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên