MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hiểu cách người bán 'làm giá' hàng sale trong Black Friday để tránh mua sắm lãng phí

24-11-2021 - 19:27 PM | Thị trường

Không phải tất cả các món hàng đều giảm giá sâu nhất vào Black Friday nên khách hàng cần rất tỉnh táo để không lãng phí tiền bạc. Nhà bán lẻ có thể đã tăng giá bán trước đó hoặc thậm chí "gài bẫy" bằng chiêu quảng cáo thổi phồng nhắm thu hút sự chú ý của người tiêu dùng.

Về mặt lý thuyết, Black Friday – lễ hội giảm giá lớn nhất năm sẽ rơi vào thứ sáu thứ tư của tháng 11, ngay sau Lễ Tạ ơn nhưng thường thì các nhà bán lẻ đều treo biển sale off ngay từ đầu tuần. Năm nay, Thứ Sáu Đen tối rơi vào ngày 26/11.

Nếu đã tìm hiểu kỹ, khách hàng sẽ mua được món hàng yêu thích với mức giá giảm sâu đáng kinh ngạc nhưng trong một vài trường hợp, với tinh thần mua sắm quá cao thì rất có thể sẽ có một khoản tiền bị tiêu không đúng chỗ. Vì thế, có một vài mẹo nhỏ có thể giúp người tiêu dùng cân nhắc các khoản chi của mình để mua sắm hiệu quả, tránh lãng phí.

Hiểu cách người bán làm giá hàng sale trong Black Friday để tránh mua sắm lãng phí - Ảnh 1.

Không phải đợt giảm giá nào cũng là món hời. Ảnh: Getty


Kiểm tra giá trước khi giảm

Theo The Guardian, người tiêu dùng nên nhìn thẳng vào sự thật đằng sau những món hời thường được quảng cáo để thấy rằng chỉ một số lượng nhỏ sản phẩm trong số đó có giá rẻ nhất vào Black Friday. Tờ báo này nhận ra rằng, Thứ Sáu Đen tối không nhất thiết là thời điểm duy nhất để chờ đợi đợt giảm giá thực sự tốt. Việc này có thể được kiểm chứng bằng cách thực hiện một chút nghiên cứu để loại bỏ những lời quảng cáo thổi phồng.

Người bán đôi khi có thể tăng giá trước thời gian bán hàng vào Black Friday để khiến cho nó trông như thể một đợt đại hạ giá lớn chưa từng có nhằm thu hút số lượng lớn người mua. Vì vậy, hãy kiểm tra giá của món đồ trước đó là bao nhiêu. Ví dụ, để mua hàng trên Amazon, người mua có thể vào website CamelCamelCamel để xem hiển thị giá từ cao nhất, thấp nhất và trung bình cho một mặt hàng. Một trang web khác có thể dùng để so sánh là Pricepy luôn hiển thị lịch sử giá và so sánh các ưu đãi hiện tại trên một loạt các trang web có hàng.

Còn khi muốn ghé thăm một cửa hàng cụ thể để tìm hàng hóa, hãy kiểm tra một số thứ trước khi đi. Các nhà bán lẻ không có nghĩa vụ phải cho người mua biết trước đây hàng của họ có giá bao nhiêu, vì vậy người mua sẽ phải tự so sánh.

Khôn ngoan với các thủ thuật tiếp thị

Các nhà bán lẻ luôn có cách để khiến khách hàng chi tiêu vội vàng nhưng sau đó thì sẽ thấy hối hận. Thủ thuật đó là tạo cảm giác cấp bách với những câu nói kiểu như: “Còn 10 chiếc nữa” hoặc “hãy mua nhanh khi hàng vẫn đang còn”. Hầu hết người tiêu dùng sẽ vô tình chọn những mặt hàng như vậy bởi họ tin rằng, nếu không mua bây giờ thì sẽ không bao giờ có lại cơ hội nữa.

Một thủ thuật khác để khiến khách hàng thấy cần phải mua nhanh chóng là cho người đó biết có bao nhiêu người cũng đang xem mặt hàng mà họ đang chần chừ, có thể là qua tin nhắn. Điều này khiến khách hàng nghĩ rằng món hàng đó được đánh giá cao và sắp hết. Vì thế, hãy tự nhắc nhở bản thân rằng nhiều người trong số đó không có khả năng tiếp tục và mua nó để tránh sa vào bẫy.

Hiểu cách người bán làm giá hàng sale trong Black Friday để tránh mua sắm lãng phí - Ảnh 2.

Ảnh: Pexels

Lên danh sách những thứ muốn mua

Việc viết một danh sách những thứ cần mua là rất cần thiết để kiểm soát túi tiền của mình. Chẳng hạn, nếu khách hàng muốn mua một chiếc tivi thì hãy đảm bảo bản thân muốn nó có những tính năng nào. Một số cửa hàng thường lợi dụng Black Friday như một cơ hội để bán bớt hàng cũ hoặc hàng không còn được ưa chuộng. Vì thế, việc có ý tưởng về những gì muốn mua sẽ giúp người tiêu dùng không bị trả tiền cho những thứ không còn hợp thời.

Ngoài danh sách đồ cần mua thì kế hoạch ngân sách cũng là điều rất đáng quan tâm. Nếu dùng thẻ tín dụng, khách hàng cũng đừng nên lạc quan quá về khả năng chi tiêu của mình bởi vì sắp tới sẽ là mùa mua sắm cuối năm thậm chí còn rộn ràng hơn rất nhiều.

Xem bản thân có thực sự cần món hàng đó hay không?

Sarah Pennells, chuyên gia tài chính tiêu dùng tại công ty tài chính Royal London khuyên rằng: “Đừng mua thứ gì đó vì nó rẻ. Nếu bạn không cần nó, không thực sự muốn hoặc không có khả năng mua nó thì đó chỉ là một sự lãng phí tiền bạc”. Nếu còn nghi ngờ lời khuyên này, Sarah khuyên các khách hàng tương lai nên dành một phút suy nghĩ, xem nếu mua một món đồ thì sẽ tiêu tốn bao nhiêu giờ làm việc, nếu chi phí tương đương 2 ngày công thay vì 2 giờ thì việc cân nhắc xem món hàng có cần thiết hay không là điều rất nên làm.

Hiểu cách người bán làm giá hàng sale trong Black Friday để tránh mua sắm lãng phí - Ảnh 3.

Ảnh: Thinkstock


Nghiên cứu chính sách trả hàng

Một số nhà bán lẻ thường đưa ra những quy định khắt khe cho hàng trả lại, thậm chí là thu phí. Hầu hết các loại mặt hàng đều có chính sách hoàn trả nhưng người bán luôn đề ra quy trình kéo dài nhiều ngày thì khách mới có thể nhận bồi hoàn, điều đó làm một số người thấy ngại và không trả lại nữa.

Hủy đăng ký nhận email

Nếu khách hàng đã từng đăng ký vào danh sách gửi thư của các nhà bán lẻ thì khi gần đến ngày họ sẽ nhận được email thông báo giảm giá. Thường thì có rất ít giao dịch là thứ khách hàng thực sự cần nhưng với những lời quảng cáo được viết khéo léo thì chắc chắn cũng sẽ khiến nhiều người tò mò. Lời khuyên ở đây là hủy đăng ký nhận thư thông báo.

Theo Phương Kim

NDH

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên