MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Him Lam rút khỏi LienVietPostBank, số cổ phần đó ai gom?

05-07-2017 - 14:17 PM | Tài chính - ngân hàng

Sau khi Him Lam rút khỏi LienVietPostBank, đối tác nhận chuyển nhượng lượng cổ phần của Him Lam phần lớn là “người nhà” LienVietPostBank.

Thời gian gần đây, sau cuộc đổi "tướng" cuối tháng 6 vừa qua tại Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) với sự ra đi của ông Dương Công Minh, phía ngân hàng liên tục công bố thông tin về hoạt động giao dịch cổ phiếu của một loạt lãnh đạo cấp cao của ngân hàng cùng những người có liên quan đăng ký mua cổ phần LienVietPostBank với khối lượng lớn.

Theo thống kê của chúng tôi, từ những động thái gần đây, hàng loạt lãnh đạo cấp cao của LienVietPostBank đã thực hiện đăng ký mua vào khoảng 46 triệu cổ phiếu, tương đương 7,1% vốn cổ phần của ngân hàng.

Việc mạnh tay gom cổ phiếu cho thấy lãnh đạo LienVietPostBank và người nhà đều là những người rất giàu có, có thể chi một lúc từ hàng chục tỷ tới cả trăm tỷ để mua vào cổ phiếu.

Cụ thể, ông Nguyễn Đình Thắng, Phó Chủ tịch HĐQT đăng ký mua vào 2 triệu cổ phần theo nhu cầu cá nhân. Thời gian giao dịch từ 5 – 16/7. Nếu các giao dịch thành công, ông Thắng sẽ nâng sở hữu tại ngân hàng từ 4,31% lên 4,62% vốn.

Ông Phạm Doãn Sơn, Phó chủ tịch thường trực kiêm Tổng giám đốc trước đó vừa chi hơn 100 tỷ đồng để mua cổ phiếu trong tháng trước, mới đây lại tiếp tục đăng ký mua thêm 2 triệu cổ phần nữa, nâng tổng số cổ phần sở hữu lên gần 14 triệu, tương đương 2,13% vốn điều lệ.

Với giá cổ phiếu LienVietPostBank trên thị trường quanh 12.000 đồng, số tiền mà hai vị lãnh đạo nói trên của Liên Việt chi ra cho lần thu gom cổ phiếu này là mỗi người hơn 24 tỷ.

Bên cạnh đó, con trai ông Nguyễn Đức Hưởng – Chủ tịch LienVietPostBank, ông Nguyễn Hoàng Duy cũng muốn mua vào 3 triệu cổ phiếu LienVietPostBank với số tiền dự chi khoảng 36 tỷ đồng từ ngày 5-17/7 để nâng sở hữu lên 4,41 triệu cổ phiếu (0,68%). Giao dịch theo phương thức mua bán trực tiếp.

Ông Hưởng hiện nắm khoảng 32 triệu cổ phiếu LienVietPostBank, ứng với tỷ lệ 4,95% và có thị giá gần 400 tỷ đồng. Nếu giao dịch của con trai ông Hưởng thành công thì cha con vị tân chủ tịch sẽ nắm tổng cộng 36,4 triệu cổ phần tương đương hơn 5,63% vốn ngân hàng.

Ngoài ra, bà Nguyễn Minh Trang, con gái ông Nguyễn Đức Cử - Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng cũng thực hiện đăng ký mua vào 3 triệu cổ phần để nâng sở hữu từ 1,35 triệu (0,21%) lên 4,35 triệu cổ phần (0,67%). Được biết ông Cử hiện sở hữu khoảng trên 9,48 triệu cổ phiếu LienVietPostBank (1,47%).

Dự kiến sau giao dịch, ông Cử và hai người con sẽ nắm khoảng 2,82% vốn cổ phần LienVietPostBank.

Cách đây không lâu, hai phó Tổng Giám đốc là ông Hồ Nam Tiến và ông Bùi Thái Hà cũng đăng ký mua vào 6 triệu và 5,2 triệu cổ phiếu, tương ứng với 0,93% và 0,8% vốn của ngân hàng.

Giá cổ phiếu LienVietPostBank đã tăng giá gấp đôi trong vòng nửa năm trở lại đây. Dưới đây là giá trị cổ phiếu mà các lãnh đạo ngân hàng nắm giữ theo giá cp được tính hiện nay trên sàn OTC là 12.000 đồng/cp.


Nguồn: CafeF.

Nguồn: CafeF.

Trước đó, CTCP Him Lam đã thoái sạch 14,98% vốn LienVietPostBank để dọn đường cho ông Dương Công Minh trở thành Chủ tịch Sacombank. Ông Nguyễn Đức Hưởng tiết lộ đối tác nhận chuyển nhượng lượng cổ phần của Him Lam phần lớn là “người nhà” LienVietPostBank.

Theo chia sẻ của ông Hưởng, những người liên quan của ông Dương Công Minh với tỷ lệ nắm giữ nhỏ cũng đang làm thủ tục thoái vốn, ông Hưởng và các thành viên HĐQT sẽ tiếp tục mua vào để cá nhân ông Hưởng và những người liên quan sẽ nắm giữ trên 10% vốn điều lệ. Nếu có điều kiện thuận lợi thì ông Hưởng, những người liên quan và các thành viên HĐQT và những người liên quan sẽ trở thành những cổ đông lớn nhất vì LienVietPostBank là ngân hàng cổ phần tư nhân, cộng hưởng với cổ đông Nhà nước, sẽ giúp ngân hàng phát triển.

Bên cạnh đó, quan điểm của ông Hưởng sẽ tạo điều kiện cho 100% cán bộ nhân viên, từ nhân viên hành chính, lễ tân trở lên sẽ được nắm giữ cổ phiếu ngân hàng để họ có trách nhiệm lo cho “nồi cơm chung” của ngân hàng.

Ông Hưởng cho hay định hướng của LienVietPostBank trong thời gian tới là các thành viên HĐQT, lãnh đạo cấp cao của ngân hàng sẽ là những cổ đông lớn, đồng thời phát triển nhiều cổ đông nhỏ để đảm bảo sự giám sát hoạt động ngân hàng.

Mai Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên