Hộ chiếu vaccine: Lối đi liệu có vướng “rào”?
Hộ chiếu vaccine là điều kiện cần cho các chuyến xuất ngoại đi xa như du lịch, thăm thân, du học, mở rộng quan hệ hợp tác đầu tư, giao thương buôn bán làm ăn…
- 02-04-2022Đã cấp 1.000 hộ chiếu vaccine
- 21-03-2022Việt Nam công bố danh sách 16 nước được công nhận hộ chiếu vaccine
- 19-02-2022Mở cửa quốc tế, 14 nước chính thức công nhận hộ chiếu vaccine của Việt Nam
Bộ Y tế dự kiến cấp hộ chiếu vaccine từ 15/4
Tính đến thời điểm hiện tại dịch bệnh COVID-19 đã bộc lộ được hết các tính chất sinh học, mức độ nguy hiểm. Sau thời gian “thích ứng linh hoạt an toàn”, chúng ta đã chủ động và bình tĩnh hơn khi đối phó dịch bệnh.
Cụ thể, giao thông được khai thông, các ngành dịch vụ bắt đầu mở lại, du lịch đã sẵn sàng phục vụ du khách khi kỳ nghỉ lễ 30/4 gần đến. Số lượng ca nhiễm phát sinh hàng ngày vẫn ở mức cao nhưng số ca chuyển nặng, tử vong thì giảm hẳn, đạt đến mức nhiều người coi COVID-19 chỉ là bệnh thông thường.
Đoàn khách du lịch từ Lào tới Phú Quốc bằng chuyên cơ
Không thể phủ nhận công lao nỗ lực của các cấp lãnh đạo, hệ thống chính trị cán bộ ngành Y tế… làm việc đến quên mình, đến mức xuất hiện cả nhiều thuật ngữ mới như “ngoại giao vaccine”. Cán bộ nhân viên y tế làm thông không có giờ nghỉ chứ đừng nói đến ngày nghỉ. Bộ đồ bảo hộ gây lên khắp các vết hằn sâu trên mặt, trên người. Nhiều bác sĩ, y tá… hy sinh cả mái tóc đẹp, hấp dẫn, cắt ngắn thậm chí cạo trọc để tiện cho thao tác làm việc, tiện cho cả việc vệ sinh cá nhân. Có những khi mồ hôi chảy ướt đẫm, nóng đến phát ban, rộp cả da lưng… để có được kết quả như ngày hôm nay:
“Đến nay, tỷ lệ bao phủ vaccine phòng COVID-19 tại Việt Nam đã đạt mức rất cao trong khu vực và quốc tế. Việt Nam hiện là một trong 6 trong nước có tỷ lệ bao phủ cao nhất trên thế giới.
Thống kê trên Cổng thông tin tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, đến ngày 1/4, cả nước đã tiêm hơn 206 triệu liều vaccine phòng COVID-19. Tỷ lệ bao phủ cho người từ 18 tuổi trở lên mũi một là gần 100%, mũi 2 là 99%, và tỷ lệ người đã tiêm mũi 3 đạt khoảng 50%. Đối với người từ 12 đến 17 tuổi, tỷ lệ mũi một là 99% và mũi 2 là 94%. Bộ Y tế và các địa phương cũng đang chuẩn bị để tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi trong đầu tháng 4”.
Trên bầu trời ầm ì tiếng máy bay do các đường bay được nối lại khai thác, đường phố xe cộ đông đúc tấp nập, dòng chảy cuộc sống dần thích ứng với tình trạng “bình thường mới”. Các hội nhóm lại bắt đầu rủ nhau lập “đội” gặp mặt, đi chơi, khoe ảnh check in khắp nơi. Ở các góc văn phòng, chị em sắm sửa, đặt váy, thử áo cho các chuyến đi du lịch xa. Nhu cầu xuất nhập cảnh tăng lên từng ngày, do vậy hộ chiếu vaccine sẽ là điều kiện cần cho các chuyến xuất ngoại đi xa như du lịch, thăm thân, du học, mở rộng quan hệ hợp tác đầu tư, giao thương buôn bán làm ăn…
Chuẩn bị cấp hộ chiếu vaccine cho 63/63 tỉnh thành
Hy vọng việc triển khai hộ chiếu vaccine sẽ có nhiều thuận lợi.
Theo nhiều nguồn tin: “Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở tiêm chủng trên cả nước triển khai ký số chứng nhận tiêm chủng COVID-19 từ ngày 8/4, để Bộ tiến hành cấp hộ chiếu vaccine cho người dân dự kiến bắt đầu từ ngày 15/4”.
Hy vọng lần triển khai hộ chiếu vaccine này (thực chất là giấy chứng nhận tiêm phòng vaccine điện tử) nhờ tích lũy được kinh nghiệm trong gần ba năm chống chọi với dịch bệnh sẽ triển khai nhanh chóng, đồng bộ, giúp cho người dân có nhu cầu sử dụng, nhanh chóng được cấp mã QR với thông tin đầy đủ chính xác.
Người viết bài trực tiếp làm công tác phòng chống dịch tại công ty hiểu rõ các bất cập khi triển khai các phần mềm sử dụng công tác phòng chống dịch bệnh. Từ Blue Zone đến PC covid. Sổ sức khỏe điện tử, khai báo sức khỏe bằng quét mã QR code… Việc lỗi, sai, thiếu, treo máy, khó khăn trong cập nhật sửa chữa thông tin là việc “thường ngày ơ huyện”, nhất là khi tiêm mũi 1, mũi 2, mũi 3 với các loại vaccine khác nhau, ở địa điểm khác nhau do các cơ sở y tế khác nhau đảm nhiệm.
Ngay cả việc phát giấy chứng nhận cũng có lúc bị sai, thiếu thông tin. Nếu thiếu thông tin về chủng loại, mũi tiêm…, có thể khắc phục bằng các cấp lại. Còn với việc sử dụng phần mềm, việc cập nhật sửa chữa, tưởng đơn giản hóa ra lại khó khăn hơn nhiều. Nhân lực xử lý thông tin trên phần mềm có đủ kĩ năng trình độ để thao tác sữa chữa, cập nhật thì thiếu hụt, người có thể làm được thì làm việc quá tải, dễ dẫn đến sai sót. Đơn cử chỉ một chi tiết sai như ngày, tháng, năm sinh mà phải nhờ đơn vị y tế (có cả sự quen biết từ trước) sửa đi sửa lại đến mấy lần mới có thể cập nhật lại được, trong khi mỗi cá nhân cần điền đầy đủ 11 hạng mục thông tin.
“Tính đến ngày 1/4, cả nước đã tiêm hơn 206 triệu liều. Tuy nhiên trên hệ thống phần mềm tiêm chủng mới ghi nhận thông tin hơn 197 triệu mũi tiêm. Như vậy còn gần 9 triệu mũi tiêm chưa được nhập lên hệ thống (tương ứng với trên 4% tổng số mũi tiêm)”. (Theo Dân trí).
Do vậy, để mở lối đi cho hộ chiếu vaccine điều đầu tiên các bộ phận chức năng, đảm nhiệm kỹ thuật cần làm là xem xét, đánh giá lại toàn bộ các bất cập, sửa chữa khắc phục, chạy thử nhiều lần phát hiện và khắc phục tất cả các điểm bị lỗi. Phải làm sao để khi triển khai được đồng bộ, người dân cảm thấy tiện lợi, dễ dàng, chứ không phải lối đi lại vướng đầy "rào" cùng với rất nhiều ý kiến phàn nàn, trách móc.
Diễn đàn doanh nghiệp