MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hô hào đồng minh cấm vận Iran, vì sao Mỹ vẫn chỉ có thể đứng nhìn Trung Quốc trở thành khách “sộp” mua vàng đen của nhà nước Cộng hòa Hồi giáo?

10-11-2023 - 15:04 PM | Tài chính quốc tế

Xung đột giữa Israel và Hamas khiến hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của Iran bị giới chức Mỹ đặc biệt chú ý.

Hô hào đồng minh cấm vận Iran, vì sao Mỹ vẫn chỉ có thể đứng nhìn Trung Quốc trở thành khách “sộp” mua vàng đen của nhà nước Cộng hòa Hồi giáo? - Ảnh 1.

Với cáo buộc Iran hỗ trợ lực lượng Hamas, những người theo chủ nghĩa diều hâu ở Washington đã yêu cầu Chính quyền Tổng thống Joe Biden phải thắt chặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Tehran. Lý do họ đưa ra là nhà nước Cộng hòa Hồi giáo đã xuất khẩu nhiều dầu hơn trong những tháng gần đây so với trung bình tháng trong các năm qua.

Thế nhưng, dù cho Mỹ có nỗ lực hơn nữa, các biện pháp trừng phạt cũng khó lòng ngăn chặn được dòng chảy của dầu thô Iran ra thị trường quốc tế, nhất là khi dầu giá rẻ lại là mặt hàng rất được Trung Quốc ưa chuộng. Các thương nhân, giới phân tích và cả lãnh đạo trong ngành công nghiệp dầu mỏ của Mỹ tiết lộ mạng lưới vận tải và thanh toán dầu thô Iran tới Trung Quốc nằm ngoài phạm vi mà Mỹ có thể gây ảnh hưởng.

Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân quan trọng năm 2018, Tehran đã phải đối mặt với chiến dịch “gây áp lực tối đa” của Mỹ nhằm buộc nước này phải từ bỏ chương trình làm giàu Uranium cũng như cắt viện trợ cho các lực lượng vũ trang mà nước này ủng hộ trong khu vực. Thậm chí, Washington còn đe dọa trừng phạt những quốc gia tiếp tục nhập dầu thô Iran.

Thế nhưng, trong 3 năm qua, những chuyến hàng chở vàng đen của nhà nước Cộng hòa Hồi giáo vẫn tăng đều đặn bất chấp áp lực từ Mỹ cũng như nhu cầu của Trung Quốc giảm bớt vì dịch bệnh và nền kinh tế tăng trưởng chậm lại. Iran lại một lần nữa chiếm vị trí thứ 3 trong số các nhà xuất khẩu thuộc OPEC. Và phần lớn dầu thô của Iran được bán sang Trung Quốc.

Hô hào đồng minh cấm vận Iran, vì sao Mỹ vẫn chỉ có thể đứng nhìn Trung Quốc trở thành khách “sộp” mua vàng đen của nhà nước Cộng hòa Hồi giáo? - Ảnh 2.

90% lượng dầu xuất khẩu của Iran tới Trung Quốc.

“Việc mua bán rất phức tạp, với nhiều bên trung gian, khiến các biện pháp trừng phạt của Mỹ khó lòng phát huy tác dụng. Mỹ chỉ có thể trừng phạt các công ty công khai hoặc không thể chối cãi các hoạt động làm ăn với Iran. Thế nhưng, rất nhiều trong số này là các thực thể nhỏ”, Homayoun Falakshahi, nhà phân tích cấp cao về dầu mỏ tại Kpler, nhận định.

Điều này khiến Mỹ gặp khó trong việc theo dấu. Trong khi đó, việc trừng phạt các nhà máy lọc dầu của Trung Quốc hoặc công ty dầu mỏ quốc doanh của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới sẽ tạo ra nhiều vấn đề chính trị nghiêm trọng trong bối cảnh mối quan hệ giữa 2 nước đã không thiếu những căng thẳng, Falakshahi nhận định.

Thông thường, Mỹ tận dụng triệt để công cụ trừng phạt tài chính và thương mại với các quốc gia đối nghịch. Tuy nhiên, cách làm của Iran và Nga cho thấy những biện pháp chưa từng có sẽ ra đời để đảm bảo dầu mỏ vẫn chảy khắp thế giới, nhất là khi món hời từ hoạt động này vô cùng lớn.

Tuần qua, Mỹ đã đưa một số công ty của Các tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất vào danh sách đen vì giao dịch với Nga. Họ cũng xử phạt 2 tàu chở dầu và chủ tàu vì vi phạm mức giá trần mà G7 áp đặt. Tuy nhiên, các biện pháp này chỉ gây ra sự khó chịu trong cộng đồng dầu mỏ toàn cầu. Chúng không thể gây ảnh hưởng tới các giao dịch khi có hàng chục, thậm chí là trăm bên khác đang vận hành những “đội tàu bóng tối” để đưa dầu Nga, Iran đi khắp thế giới, nhất là khi vẫn còn những người mua lớn, lựa chọn đặt lợi ích quốc gia của họ lên trên hết thay vì thuận theo những lời kêu gọi cấm vận của Mỹ và đồng minh.

Tham khảo: Bloomberg

Linh Anh

Nhịp sống Thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên