[Hồ sơ] Ngành du lịch 2018: Nở rộ những startup OTA Việt nghìn tỷ, đã có câu trả lời cho thắc mắc "Khi nào du lịch Việt đuổi kịp du lịch Thái"!
Du lịch Việt Nam đã có 2 năm liên tiếp đạt tốc độ tăng trưởng gần 30% - “con số rất nhiều quốc gia thèm muốn” theo lời của đại diện Tập đoàn Tư vấn toàn cầu Boston. Theo đề án cơ cấu lại ngành du lịch mới được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phê duyệt, ngành du lịch Việt đặt mục tiêu doanh thu 45 tỷ USD, đón 30 - 32 triệu lượt khách quốc tế vào năm 2025, tương đương với lượt du khách quốc tế đến Thái Lan năm 2016…
Tổng quan ngành
"Cớ sao du lịch Việt không vượt được du lịch Thái?" là câu hỏi TS. Lương Hoài Nam - nguyên Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn du lịch Thiên Minh - từng đặt ra tại một sự kiện du lịch hồi 2015. Trong phiên chất vấn Quốc hội cuối năm đó, câu hỏi "Bao giờ du lịch Việt Nam bằng Thái Lan, Malaysia" lại được đặt ra, Bộ trưởng Văn hóa - Thể thao và Du lịch lúc bấy giờ là ông Hoàng Tuấn Anh đã xin "không dám trả lời, xin nhường lại nhiệm kỳ sau".
Theo đề án cơ cấu lại ngành du lịch mới được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phê duyệt, ngành du lịch Việt đặt mục tiêu doanh thu 45 tỷ USD, đón 30 - 32 triệu lượt khách quốc tế vào năm 2025. Mục tiêu 32 triệu lượt du khách quốc tế tương đương với lượt du khách quốc tế đến Thái Lan năm 2016.
Chia sẻ bên lề một sự kiện du lịch mới đây, ông Trần Trọng Kiên - Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Du lịch Việt Nam (TAB), Chủ tịch Tập đoàn Thiên Minh cho rằng: "7 năm nữa, chúng ta (du lịch Việt Nam - PV) có thể vượt được Thái Lan bây giờ. Nếu Chính phủ có những chính sách hợp lý và nếu toàn bộ cộng đồng DN và quốc tế có niềm tin thực sự và dành đủ thời gian, chúng ta hoàn toàn có thể vượt Thái Lan bây giờ".
Nguồn: Tổng cục Thống kê.
Từ năm 2016, ngành du lịch Việt Nam liên tiếp đạt tốc độ tăng trưởng gần 30%/năm - "con số rất nhiều quốc gia thèm muốn" theo lời của đại diện Tập đoàn Tư vấn toàn cầu Boston (BCG).
Theo tính toán của tân Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, trong những năm tới nếu chúng ta vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng 20 - 25% mà ngành du lịch của Thái Lan tăng 7% như hiện nay thì khoảng năm 2032 du lịch Việt sẽ đuổi kịp Thái Lan, còn với Singapore, chúng ta có thể đuổi kịp trong năm 2019.
Tuy nhiên, ngành du lịch đã có tốc độ tăng trưởng suy giảm từ quý 3, trừ lượng khách đến từ Hàn Quốc. Theo số liệu mới nhất từ Tổng cục Thống kê, năm 2018, số khách quốc tế đến đạt mức kỷ lục 15,5 triệu lượt người, tăng 19,9% so với năm 2017. Mức tăng trưởng so với cùng kỳ này đã giảm tốc so với mức 26% và 29% của ngành du lịch Việt Nam trong 2 năm trước đó.
Theo số liệu của BCG, khách quốc tế đến Việt Nam "tiết kiệm hơn". Số tiền chi tiêu của khách đến Việt Nam chỉ là 96 USD mỗi ngày, còn ở Thái Lan con số này lên đến 163 USD.
Xu hướng du lịch trực tuyến, mô hình kinh doanh homestay và sự xuất hiện của những Startup nghìn tỷ Việt Nam
Ngoài những cái tên "cây đa cây đề" trong ngành du lịch như Saigon Tourist, Viettravel, ngành du lịch Việt đã ghi nhận thêm nhiều tay chơi mới, chủ yếu là các OTAs (Online Travel Agency - Đại lý du lịch trực tuyến ).
Số liệu của Hiệp hội Thương mại Điện tử (VECOM) cho thấy, các OTAs thương hiệu toàn cầu như Agoda.com, booking.com, Traveloka.com, Expedia.com (bao gồm Trivago.com, hotel.com) đang độc chiếm thị trường Việt Nam, với 80% thị phần.
Trong khi đó, hiện chỉ có trên 10 công ty Việt Nam có kinh doanh du lịch trực tuyến như: Ivivu.com, chudu24.com, mytour.vn, tripi.vn, mytour.vn, gotadi.com, vntrip.vn,… Tuy nhiên các công ty này cũng chỉ phục vụ thị trường khách trong nước và số lượng giao dịch còn thấp.
Theo tập đoàn nghiên cứu thị trường Euromonitor International, doanh thu bán hàng du lịch trực tuyến ti Việt Nam sẽ duy trì mức độ tăng trưởng 12% trong giai đoạn 2015 – 2020.
Năm 2018 cũng là năm có nhiều tin vui với các startup hoạt động trong ngành du lịch của Việt Nam.
- VnTrip được định giá 1.000 tỷ đồng và sáp nhập Atadi
Hệ thống website & ứng dụng đặt phòng khách sạn trực tuyến VnTrip.vn đã huy động vốn thành công từ nhà đầu tư Thụy Sỹ IHAG Holding với mức định giá 45 triệu USD. Trước đó, VnTrip cũng đã huy động thành công 13 triệu USD từ vòng gọi vốn trước.
Chỉ 1 tháng sau khi gọi vốn thành công, VnTrip đã bắt tay với Atadi - một startup OTA đã xuất hiện đầy ấn tượng trong Shark Tank Việt Nam mùa 1. Động thái này được đánh giá là một "nước cờ liên thủ" để các startup Việt chống lại các gã OTA khổng lồ nước ngoài như Booking, Agoda.
- Mô hình homestay nở rộ, Luxstay gọi vốn triệu USD
Airbnb manh nha vào Việt Nam từ năm 2015, thúc đẩy phong trào kinh doanh homestay nở rộ. Nhiều bạn trẻ kinh doanh homestay từ căn hộ của mình, phổ biến hơn cả là đầu tư thuê căn hộ, thiết kế và cho thuê lại.
Khi mô hình kinh doanh Airbnb chưa chính thức vào Việt Nam (vẫn vướng rào cản pháp lý), một startup Việt đã tranh thủ gia nhập thị trường và đã gọi vốn vài triệu USD vòng pre-Serie A - Luxstay. Vòng gọi vốn thành công gần đây nhất của Luxstay là từ CyberAgent Ventures (CAV) của Shark Dzung Nguyễn. Mới đây, Luxstay tiếp tục hợp tác với Rakuten Lifull - thành viên tập đoàn thương mại điện tử Rakuten đến từ Nhật Bản.
Những điểm nghẽn
- Nhân lực
Chia sẻ khó khăn về nhân sự của Tập đoàn Mường Thanh, ông Phạm Hồng Dũng – Phó Tổng Giám đốc tập đoàn - cho biết nhiều em sinh viên mới ra trường, kén chọn công việc. Đặc biệt, các em rất tự tin vào bản thân, mong muốn thành đạt sớm, và không sẵn sàng làm các công việc phổ thông.
"Điều này rất khó cho các khách sạn của chúng tôi", ông Dũng nói.
Ông Nguyễn Xuân Thành - Giám đốc phát triển Đại học Fulbright Việt Nam nhấn mạnh về câu chuyện năng suất lao động Việt Nam đang thấp hơn nhiều so với khu vực, dù quy mô của ngành đã tăng nhiều lần trong những năm gần đây.
Năng suất lao động của mỗi nhân sự trong ngành trong năm 2017 chỉ đạt 77 triệu đồng, tương đương khoảng 3.400 USD, thấp hơn nhiều so với mức 7.600 USD của Malaysia và 8.400 USD của nhân sự ngành du lịch Thái Lan.
- Khai thác du lịch theo "giờ hành chính"
Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ - CEO VietTravel, du lịch Việt Nam mới chỉ khai thác từ 7h sáng đến 5h chiều, nhưng lại bỏ qua "giờ vàng" du khách móc hầu bao là từ 6h tối đến 2h sáng.
Ông Kỳ phân tích, du khách cần các dịch vụ buổi tối và dịch vụ buổi tối mới là "mỏ tiền" để khai thác. Ông Kỳ đưa ra con số rằng 30% doanh thu du lịch đến từ lúc 7h sáng đến 5h chiều. Còn 70% đến từ khoảng thời gian từ 6h tối cho đến 2h sáng hôm sau.
- Visa: Việt Nam hiện đã miễn thị thực cho 24 nước và thực hiện cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam. Tuy nhiên, nhóm công tác của Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) mới đây đề xuất tăng thời gian cho phép lưu trú lên 30 ngày đối với khách du lịch được miễn thị thực, để thu hút khách du lịch đến từ xa như khách châu Âu.
- Hàng không: 80% khách du lịch đến Việt Nam qua đường hàng không là lý do nhiều đại diện muốn Việt Nam có trên 4 hãng hàng không, đặc biệt trong bối cảnh Bamboo Airlines mới được cấp phép.
- Hướng dẫn chính sách: Cung cấp các hướng dẫn cụ thể và rõ ràng để đảm bảo chủ sở hữu của các căn hộ cho thuê trên nền tảng chia sẻ như Airbnb đáp ứng các nghĩa vụ về mặt pháp lý (bao gồm thuế và đăng ký khách lưu trú nước ngoài)…
Trí Thức Trẻ