MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Họ" Sông Đà: Doanh nghiệp lãi thấp, nhiều cổ phiếu giao dịch èo uột

10-11-2016 - 11:33 AM | Doanh nghiệp

Riêng quý 3, 25 doanh nghiệp họ Sông Đà tạo ra vỏn vẹn 62 tỷ đồng lợi nhuận giảm 41% so với cùng kỳ, các cổ phiếu hiện chủ yếu được giao dịch dưới 10.000 đ/CP.

Với lợi thế là nhóm doanh nghiệp dòng họ đông đúc bậc nhất trên sàn chứng khoán hiện nay với gần 30 doanh nghiệp, tuy nhiên những gì mà doanh nghiệp họ Sông Đà thể hiện trong quý 3 có thể nói vẫn tiếp tục gây thất vọng, khoản doanh thu tổng cộng hàng nghìn tỷ khiến khoản lãi tổng cộng vài chục tỷ đồng "bị lọt thỏm", nhiều doanh nghiệp có doanh thu và lợi nhuận cùng sụt giảm trong đó những doanh nghiệp khả quan hơn một chút thì lại không phải đến từ hoạt động sản xuất kinh doanh chính.

Doanh thu đạt tổng cộng 2235,6 tỷ đồng giảm 35% so với cùng kỳ

Theo đó với 25 doanh nghiệp có “họ Sông Đà” đã công bố BCTC quý 3 thì tổng doanh thu thuần đạt được trong kỳ là 2.235,6 tỷ đồng và chỉ có 5 doanh nghiệp là S99, SCI, SD2, SDU và STP là có doanh thu tăng trưởng so với cùng kỳ trong đó SDU là có tỷ lệ tăng trưởng của doanh thu là cao nhất, cao gấp gần 7 lần cùng kỳ do công ty xác nhận doanh thu dự án Nam Án Khánh và dự án 25 Tân Mai.

Mặc dù Sông Đà 5 (SD5) vẫn là doanh nghiệp thu về doanh thu cao nhất với 375,8 tỷ đồng nhưng lại hao hụt tới 42% so với cùng kỳ. ĐT PT đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà (SJS) gây thất vọng khi công bố mức doanh thu sụt giảm tới 94% xuống còn vỏn vẹn hơn 16 tỷ đồng. Theo giải trình, trong quý 3/2016, Sudico tập trung nguồn lực thực hiện việc đầu tư cơ sở hạ tầng và chưa triển khai kinh doanh tại khu đô thị mới Nam An Khánh dẫn tới KQKD kém tích cực.

Lợi nhuận giảm sút 41% đạt 62,4 tỷ đồng

“Họ Sông Đà” mặc dù tạo ra doanh thu hàng ngàn tỷ đồng nhưng con số lợi nhuận lại chỉ có vài chục tỷ, trong kỳ có tới 7 doanh nghiệp báo lỗ trong đó SD7 chịu lỗ cao nhất với con số hơn 17 tỷ đồng, công ty cho biết nguyên nhân là do công trình thủy điện Lai Châu kết thúc nên không có sản lượng và doanh thu thấp, ngoài ra công ty chuyển nhượng vốn đầu tư vào công ty con làm chi phí tài chính tăng.

Một doanh nghiệp thua lỗ đáng chú ý khác là Sông Đà 7.04 (S74) với khoản lỗ ròng hơn 9,4 tỷ đồng. Nguyên nhân là do giảm mạnh giá trị sản lượng, doanh thu tại các công trình thủy điện Lai Châu, Huội Quảng, công ty chưa tìm được công việc mới bổ sung nhưng vẫn phải duy trì hệ thống máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất, con người...Hơn nữa, tỷ lệ chi phí lãi vay lớn so với giá trị sản lượng thực hiện trong kỳ đóng góp vào nguyên nhân lỗ quý 3. Ngoài ra, hoạt động sản xuất tại khu kinh tế Vũng Áng - Hà Tĩnh dừng sản xuất, chi phí đầu tư ban đầu còn lại được phân bổ hết vào trong kỳ; đi cùng với đơn giá xây dựng công trình thủy điện Lai Châu điều chỉnh giảm từ năm 2010 đến năm 2014.

Trong 6 doanh nghiệp có kết quả lợi nhuận tăng trưởng so với cùng kỳ thì các doanh nghiệp tăng trưởng cao lãi cũng chỉ vài tỷ đồng, trong đó SIC mặc dù có lãi tăng cao gấp 5 lần cùng kỳ đạt hơn 11 tỷ đồng thì lại nhờ lãi từ hoạt động chuyển nhượng dự án Nhà máy Thủy Điện ĐamB’ril và bán máy móc thiết bị của nhà máy thủy điện K’rông K’mar.

Với kết quả kinh doanh kém khả quan trong quý 3 lãi ròng 9 tháng đầu năm 2016 của họ Sông Đà đạt hơn 317 tỷ đồng và hiện mới chỉ có 3 doanh nghiệp hoàn thành vượt kế hoạch lợi nhuận cả năm 2016, 2 doanh nghiệp 9 tháng lỗ cao là S74 và SD7 và cũng vượt xa kế hoạch lỗ của cả năm 2016. Các doanh nghiệp Sông Đà còn lại đa phần đều mới chỉ hoàn thành được trên dưới 50% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Nhiều cổ phiếu rớt giá, giao dịch èo uột

Biến động giá cổ phiếu của "họ Sông Đà" thì thật èo uột, hiện chỉ có 7/25 cổ phiếu có giá trên 10.000 đ/CP, còn lại giao dịch dưới mức 10.000 đ/CP trong đó có những cổ phiếu như SDC, SDE, SDU, SDY đã nhiều phiên liên tiếp cổ phiếu không có giao dịch. So với hồi đầu năm hầu hết cổ phiếu "họ Sông Đà" đều đã giảm giá.

Bảng tổng hợp tình hình SXKD của các doanh nghiệp "họ Sông Đà" quý 3/2016

Trang Trần

HNX&HSX

Trở lên trên