Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa: Cần chấm dứt kiểu xin – cho
Theo nhiều chuyên gia, việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa là phải giúp doanh nghiệp giảm chi phí không chính thức, bỏ cơ chế xin-cho.
- 24-06-2016Giải pháp Công nghệ thông tin tăng cạnh tranh cho doanh nghiệp vừa và nhỏ
- 03-06-2016“Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam đang ở thế yếu”
- 18-05-2016Hội nhập TPP: Thách thức lớn với doanh nghiệp vừa và nhỏ
Tại hội thảo về dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa tổ chức, nhiều chuyên gia kiến nghị, việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) cần theo nguyên tắc trực tiếp, giảm chi phí không chính thức, giảm thủ tục hành chính, bỏ cơ chế “xin-cho”, thay vào đó là cơ chế hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp.
Có hỗ trợ rồi, nhưng hiệu quả thấp
Phó Cục trưởng Cục phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Hoa Cương nhận định, mục tiêu của Dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV là tạo điều kiện cho DNNVV có điều kiện phát triển, tạo khung pháp lý để cơ quan, tổ chức cùng tham gia hỗ trợ. Chắc chắn, luật sẽ tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng, chọn lọc những doanh nghiệp có tiềm năng xứng đáng được hỗ trợ. Đồng thời, thông tin sẽ luôn công khai, minh bạch để các doanh nghiệp dễ tiếp cận.
Nhiều chuyên gia cho rằng, để đạt mục tiêu tới năm 2020 nước ta có 1 triệu doanh nghiệp đủ sức cạnh tranh quốc tế thì chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phải thật rõ ràng và có tính khả thi. Do đó, kỳ vọng dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV sẽ thúc đẩy mạnh mẽ phong trào khởi nghiệp, thúc đẩy hộ kinh doanh hiện có thành các doanh nghiệp và kinh doanh bài bản hơn.
“DNNVV đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của hầu hết các quốc gia trên thế giới. Khối doanh nghiệp này vừa là động lực tăng trưởng, và cũng là xương sống của nền kinh tế. Chính vì vậy, công tác hỗ trợ DNNVV được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chính sách phát triển của mỗi quốc gia nhằm thúc đẩy khu vực doanh nghiệp này đổi mới sáng tạo, phát triển, đóng góp ngày càng cao cho nền kinh tế” – ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho hay, các hoạt động xây dựng mạng lưới hỗ trợ doanh nghiệp đã xây dựng rộng khắp, hàng trăm hiệp hội ngành nghề trên cả nước. Đến các xã, phường, huyện cũng có hiệp hội doanh nghiệp. Đây là nơi liên kết, nói lên tiếng nói của doanh nghiệp. Tuy nhiên, thời gian qua, Chính phủ dù triển khai nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng còn tản mạn, hiệu quả chưa cao, mang tính chất hành chính, gắn với cơ quan nhà nước, ít gắn với các hiệp hội.
Theo ông Lộc, dự thảo lần này nhằm hướng tới tạo được khung khổ pháp lý về hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian tới. Đây là hoạt động quan trọng để thực hiện Nghị quyết 35 của Chính phủ là hướng đến năm 2020 có 1 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, dựa trên đổi mới, sáng tạo.
Cả nước hiện có gần 400.000 DNNVV, chưa kể số khoảng 4,5 triệu hộ gia đình kinh doanh. Phần lớn doanh nghiệp này tự chủ sản xuất kinh doanh, nhà nước chỉ hỗ trợ khi họ khó khăn như miễn giảm, hoãn nộp thuế.
Cần bỏ cơ chế xin - cho
“Nếu hộ kinh doanh nghiêm chỉnh đăng ký kinh doanh thì họ cũng thuộc vào nhóm doanh nghiệp siêu nhỏ. Nếu lại áp dụng hỗ trợ đại trà thì nguồn lực nhà nước không đủ và vô cùng phức tạp. Cần xác định mục tiêu của sự hỗ trợ. Và cũng cần chú ý đến trách nhiệm của DNNVV đến đâu khi nhận hỗ trợ. Phải rõ ràng là có vay phải có trả. Việc DN nhận hỗ trợ để làm việc gì thì phải làm đúng việc đó. Luật cần quy định cụ thể là nếu DN nhận hỗ trợ rồi mà vi phạm quy định, không thực hiện đúng công việc cam kết khi nhận hỗ trợ thì phải hoàn trả lại hỗ trợ”- TS. Cấn Văn Lực, Ngân hàng BIDV.
Hoạt động hỗ trợ DNNVV, theo nhiều khảo sát đánh giá, hiện chủ yếu mới tập trung vào việc khi DN gặp khó khăn, chưa hướng đến mục tiêu thúc đẩy DN phát triển bền vững. Bên cạnh đó, hiện nguồn lực của nhà nước có hạn chế nên con số 400.000 DNNVV cũng chưa thể được hỗ trợ hết. Vì thế, các chuyên gia cho rằng, luật mới ra đời cần phải hỗ trợ thúc đẩy DN phát triển, phù hợp nhu cầu nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp nói riêng và của nền kinh tế nói chung.
Về phương thức hỗ trợ, đa số các kiến nghị cho rằng, cần giảm chi phí không chính thức và thủ tục hành chính trong kinh doanh, cần hạn chế hỗ trợ bằng hính thức hành chính, bỏ cơ chế xin - cho. Đặc biệt, phải phát huy cơ chế hỗ trợ trực tiếp, tránh sinh thêm bộ phận chuyên trách hỗ trợ DNNVV. Chẳng hạn không quy định ngân hàng nào phải có chương trình hỗ trợ DNNVV, mà nên quy định các ngân hàng đều phải có chương trình này. Đồng thời phải nhắm tới những doanh nghiệp có tiềm năng phát triển.
“Việc ra đời Luật Hỗ trợ DNNVV sẽ mang lợi ích lớn hơn nhiều so với chi phí để hỗ trợ DN. Mục tiêu đạt 1 triệu DN hoạt động hiệu quả vào năm 2020 là hoàn toàn khả thi. Tuy nhiên, cần tìm cách giảm khoảng cách giữa DN đăng ký kinh doanh nhiều và thực tế DN đang hoạt động ít hơn” - ông Lê Duy Bình, Giám đốc Công ty Economica.
Trong việc hỗ trợ DN, vai trò của hệ thống hiệp hội DN phải là trung tâm, là cánh tay nối dài của nhà nước. Nhà nước chủ yếu giám sát nguồn lực hỗ trợ, thực hiện đúng vai trò nhà nước kiến tạo, phục vụ.
Bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng Thư ký VCCI, nhấn mạnh rằng, “chúng ta đi sau nên rút kinh nghiệm từ các nước khác trong phương pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Thực tế khối doanh nghiệp của nước ta đa phần có quy mô nhỏ và vừa, rất yếu thế trong cạnh tranh với doanh nghiệp quốc tế nên đòi hỏi được hỗ trợ một cách thiết thực, phù hợp. Vì vậy, vừa cần tham vấn ý kiến giới chuyên gia, doanh nghiệp vừa cần tham chiếu kinh nghiệm quốc tế. Đặc biệt là phải thay đổi về tư duy, cách tiếp cận và hành xử của các cơ quan chức năng, cán bộ liên quan đến doanh nghiệp”./.
VOV