MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hỗ trợ hợp tác xã ứng dụng thương mại điện tử

14-06-2022 - 17:30 PM | Kinh tế số

Hỗ trợ hợp tác xã ứng dụng thương mại điện tử

Có thể khẳng định rằng trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thương mại điện tử được ví như một giải pháp hiệu quả và bền vững với các hợp tác xã.

Bởi, thông qua ứng dụng này không những giúp hợp tác xã nâng cao năng lực cạnh tranh mà còn mở ra cơ hội hợp tác, thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu. Tuy nhiên, đến nay số lượng hợp tác xã áp dụng hình thức này vẫn khiêm tốn do gặp những khó khăn nhất định. Do đó, với những giải pháp linh hoạt, kịp thời, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đang nỗ lực hỗ trợ để các hợp tác xã ứng dụng thương mại điện tử thành công.

Hỗ trợ hợp tác xã ứng dụng thương mại điện tử - Ảnh 1.

Huyện Văn Chấn (Yên Bái) lấy thương hiệu chè Suối Giàng để phát triển mạnh giống chè Shan của huyện. Ảnh tư liệu: Đinh Thùy/TTXVN

Chật vật nguồn nhân lực

Nhận định về thương mại điện tử với khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã, ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cho rằng, thương mại điện tử là nhu cầu tất yếu, cần thiết để mở rộng đầu ra. Đáng lưu ý, ứng dụng thương mại điện tử có vai trò quan trọng đến sự thành công của hợp tác xã, tạo sự cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường.

Đơn cử, thông qua gian hàng điện tử của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam trên trang Alibaba, Hợp tác xã Suối Giàng (Yên Bái) đã ký hợp đồng xuất khẩu chè sang Nhật Bản với giá trị lên đến 2 tỷ đồng hay Hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ Vương Ngọc Thảo (Lào Cai) đã thu lợi nhuận hơn 1 tỷ đồng nhờ bán hàng trên trang Tik Tok.

Thống kê cho thấy, chỉ tính riêng 2 thành phố Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh hiện đã có khoảng 26.900 cửa hàng kinh doanh trực tuyến. Ngoài ra, ở các vùng nông thôn hiện có 22,5 triệu người sử dụng facebook và ở thành thị là 23,5 triệu người. Đây là cơ hội lớn cho các hợp tác xã liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác trên cả nước xây dựng các gian hàng trực tuyến.

Ông Bùi Văn Miển, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Sơn Thủy, xã Xuân Thủy (Hòa Bình) cho biết, tiếp nối thành công từ vụ nhãn năm ngoái, năm 2022 này, hợp tác xã sẽ tiếp tục đẩy mạnh bán hàng trực tuyến ở các sàn thương mại điện tử để phát triển chuỗi giá trị, hạn chế tình trạng được mùa mất giá và giảm bớt chi phí.

Theo ông Đoàn Hữu Thắng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hợp tác xã Organic CPA, bên cạnh phương thức truyền thống, hợp tác xã đã từng bước mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm cà phê, mật ong... qua hình thức online.

Vì thế, hợp tác xã đã từng bước quảng bá sản phẩm tại các sàn thương mại điện tử Shopee, Sendo, ocopgialai hay đăng tải thông tin giới thiệu sản phẩm qua Fanpage và Website của hợp tác xã.

Điều này không những giúp khách hàng cập nhật thông tin về hợp tác xã nhanh hơn mà còn có thể dễ dàng so sánh giá cả với các sản phẩm cùng loại của đơn vị khác. Hơn nữa, qua đây hợp tác xã còn đẩy mạnh tương tác trên trang mạng xã hội Facebook để tìm kiếm thêm nguồn khách hàng mới.

Anh Lường Đình Hùng, Bí thư Đoàn xã Như Cố, người sáng lập Hợp tác xã Nông nghiệp Thanh niên Như Cố cho biết, nhu cầu mua sắm online đang ngày càng phát triển là thế mạnh mà hợp tác xã đang tập trung khai thác để tăng cường kết nối với khách hàng, quảng bá sản phẩm.

Đặc biệt, trong quá trình bán hàng trên các kênh thương mại điện tử đã giúp hợp tác xã nắm bắt được thông tin khách hàng, kiểm soát được sản phẩm hàng hóa, không mất tiền thuê mặt bằng làm kho bãi, cửa hàng... từ đó giảm chi phí.

Do đó, tới đây hợp tác xã tiếp tục phát triển sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử lớn và đầu tư chạy quảng cáo để nhiều khách hàng tiếp cận được với sản phẩm hơn.

Tuy nhiên, bên cạnh những hợp tác xã tiêu biểu vẫn còn khá nhiều mô hình đang chật vật trong việc đưa sản phẩm của mình lên sàn thương mại điện tử.

Chia sẻ kỹ hơn về vấn đề này, ông Phạm Xuân Thủy, Giám đốc Hợp tác xã Tân Hoàng Trà (Thái Nguyên) cho hay, mặc dù hợp tác xã đã có vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn VietGAP cũng như đầu tư cho chế biến, mẫu mã nhưng việc bán hàng chủ yếu vẫn theo cách truyền thống vì thành viên chủ yếu là người lớn tuổi, chưa thông thạo trong việc sử dụng công nghệ.

Cùng quan điểm này, theo ông Tạ Viết Hùng, Chủ tịch kiêm Giám đốc Hợp tác xã Nông trại xanh Ba Vì (Hà Nội), dịch COVID-19 kéo dài khiến hoạt động bán hàng online của hợp tác xã đã phát triển. Thế nhưng, khi hợp tác xã muốn đẩy mạnh mảng thương mại điện tử theo hướng chuyên nghiệp lại vướng bởi việc tuyển dụng nhân lực do nhiều người ái ngại việc khó lương lại thấp.

Chính vì vậy, khó khăn trong việc ứng dụng thương mại điện tử là nguyên nhân khiến nhiều hợp tác xã chưa tiếp cận được với các doanh nghiệp bán lẻ, các nhà xuất khẩu do bị thiếu nhiều thông tin về các loại giấy chứng nhận quy trình sản xuất, giấy chứng nhận bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc...

Theo ông Đỗ Nhân Đạo, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Yên Bái, tỷ lệ hợp tác xã của tỉnh sử dụng thành thạo công nghệ thông tin, kết nối nhóm, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử chiếm tỷ lệ chưa cao.

Hơn nữa, số lượng hợp tác xã ứng dụng các phần mềm kế toán, phần mềm khai thuế, quản lý sản xuất, hóa đơn điện tử, chữ ký số, bán hàng còn ít bởi năng lực, trình độ về số hóa, công nghệ thông tin của hợp tác xã còn hạn chế.

Trong khi đó, đội ngũ cán bộ trẻ, có kỹ năng chiếm tỷ lệ rất ít; hạ tầng công nghệ thông tin lạc hậu, thậm chí nhiều hợp tác xã chưa có máy tính, thiết bị kết nối internet.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay đã qua giai đoạn dịch bệnh căng thẳng nên khách hàng nhất là các doanh nghiệp yêu cầu thông tin sản phẩm chính xác và nhất là đáp ứng ngay nếu muốn liên kết đầu ra theo hướng bền vững.

Chú trọng đào tạo

Hỗ trợ hợp tác xã ứng dụng thương mại điện tử - Ảnh 2.

Ông Lâm Ngọc Nhâm (phải), Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp - Thương mại - Du lịch Bàu Mây, huyện Xuyên Mộc, giới thiệu sản phẩm bột hoài sơn đang được bán trên sàn thương mại điện tử của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Ảnh: Hoàng Nhị/TTXVN


Để tận dụng thương mại điện tử hiệu quả, các chuyên gia cho rằng, hợp tác xã cần xác định rõ được thị trường, khách hàng mục tiêu, phân khúc thị trường, tiêu chuẩn chất lượng có thể đáp ứng sau đó số hóa các bước trên, hướng đến phương thức xúc tiến thương mại qua mạng online.

Theo các chuyên gia, việc bán hàng thông qua thương mại điện tử là cần thiết nhưng các hợp tác xã vẫn cần đẩy mạnh bán hàng đa kênh, nhất là trên các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới thay vì chỉ có bán trên một fanpage hay trang facebook cá nhân.

Thực tế cho thấy, nếu hợp tác xã muốn phát triển theo chuỗi hàng hóa quy mô lớn thành công, chỉ có ứng dụng thương mại điện tử mới phát triển được thương hiệu sản phẩm.

Ông Nguyễn Lâm Thanh, Giám đốc Tik Tok Việt Nam cho biết, việc mở gian hàng và số lượt xem trên Tik Tok xảy ra tình trạng quá tải. Tuy nhiên, việc Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và Tik Tok ký kết hợp tác trong việc nâng cao năng lực cho Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và các hợp tác xã thành viên sẽ giúp hợp tác xã được duyệt mở gian hàng và tiếp cận các khóa đào tạo sớm hơn.

Ông Nguyễn Ngọc Bảo khẳng định, sự đa dạng của các sàn thương mại điện tử chính là cơ hội cho các hợp tác xã bởi có sự cạnh tranh giữa các sàn. Điều này mang đến cho các hợp tác xã rất nhiều lựa chọn.

Sớm nhận ra vai trò của thương mại điện tử trong việc sản xuất và mở rộng đầu ra cho hợp tác xã, ngoài xây dựng trang bán hàng trực tuyến trong nước, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam còn thiết kế gian hàng trên trang thương mại điện tử Alibaba.

Theo đó, chỉ số gian hàng đang được đánh giá 3 sao, đang có 39 sản phẩm được quan tâm ở mức độ 5 sao như gạo, phở, hạt tiêu, bột nghệ, cà phê... Thông qua gian hàng này đã hỗ trợ nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã xuất khẩu nông sản thành công.

Nhằm hỗ trợ các hợp tác xã, tới đây Liên minh Hợp tác xã Việt Nam sẽ xây dựng chương trình đào tạo về xúc tiến thương mại và thương mại điện tử.  Song song đó là kết hợp với các doanh nghiệp đào tạo trực tiếp, trực tuyến theo hình thức cầm tay chỉ việc và vào thẳng các dịch vụ mà hợp tác xã đang cần.

Theo Uyên Hương

Báo Tin tức

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên