MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hòa Bình muốn “chia tay” kiểm toán EY sau 12 năm gắn bó

26-12-2023 - 12:28 PM | Doanh nghiệp

Xây dựng Hòa Bình muốn thay đổi đơn vị kiểm toán báo cáo tài chính. Nếu được thông qua, EY sẽ không kiểm toán báo cáo tài chính của Hòa Bình từ năm 2024.

EY là một trong bốn công ty kiểm toán uy tín và lớn nhất thế giới, thuộc nhóm Big4

Nội dung chính:

  • Xây dựng Hòa Bình sắp xin ý kiến cổ đông để thay đơn vị kiểm toán báo cáo tài chính của công ty.
  • EY là công ty kiểm toán thuộc nhóm Big4, đã kiểm toán cho Hòa Bình từ năm 2011 đến năm 2022.
  • Trong báo cáo tài chính năm 2022, EY không đưa ý kiến ngoại trừ, nhưng chỉ ra một loạt vấn đề cần nhấn mạnh.

Công ty cổ phần Xây dựng Hòa Bình (HoSE: HBC) muốn thay đổi công ty kiểm toán báo cáo tài chính. Công ty sẽ tổ chức xin ý kiến cổ đông về vấn đề này vào cuối tháng 1/2024.

Nếu được thông qua, EY sẽ không còn kiểm toán báo cáo tài chính của Hòa Bình từ năm 2024.

EY là một trong bốn công ty kiểm toán uy tín và lớn nhất thế giới, thuộc nhóm Big4. EY đã kiểm toán báo cáo tài chính của Hòa Bình liên tục từ năm 2011 đến năm 2022 vừa qua.

2022 là năm Hòa Bình gặp nhiều biến động. Đến cuối tháng 6/2023, công ty mới công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022.

Từ khoản lỗ 1.140 tỷ đồng trong báo cáo tài chính tự lập, báo cáo do EY kiểm toán đã nâng khoản lỗ lên tới 2.570 tỷ đồng cho năm 2022. Chênh lệch giữa hai báo cáo chủ yếu xuất phát từ các khoản dự phòng cho các khoản phải thu.

Những chênh lệch giữa báo cáo tài chính do doanh nghiệp tự lập và công ty kiểm toán “chốt” - thường xuất phát từ những quan điểm khác nhau giữa hai bên trong việc ghi nhận các khoản chi phí, doanh thu. Nếu doanh nghiệp không chấp nhận quan điểm khác biệt của tổ chức kiểm toán, báo cáo kiểm toán sẽ có ý kiến ngoại trừ.

Báo cáo kiểm toán năm 2022 của Hòa Bình không bị kiểm toán nêu ý kiến ngoại trừ. Điều đó cho thấy công ty đã chấp thuận cách ghi nhận doanh thu, chi phí… của EY. Tuy nhiên, báo cáo của Hòa Bình năm 2022 được kiểm toán chỉ ra một loạt vấn đề cần nhấn mạnh, đặc biệt là về các khoản tạm ứng của công ty.

Chỉ ra các điểm cần nhấn mạnh là cách các tổ chức kiểm toán phải thực hiện để bảo vệ quyền lợi của cổ đông, công chúng, những người có lợi ích liên quan đến các công ty đại chúng, đặc biệt là các doanh nghiệp niêm yết.

Mới đây, HĐQT Hòa Bình vừa thông qua nghị quyết về kế hoạch kinh doanh năm 2024 với doanh thu và lợi nhuận lần lượt 10.800 tỷ đồng và 433 tỷ đồng. So với kế hoạch năm 2023 (doanh thu 12.500 tỷ đồng và lợi nhuận 125 tỷ đồng), kế hoạch năm 2024 của Hòa Bình đã tăng trưởng đáng kể. Kế hoạch kinh doanh năm 2024 sẽ chính thức được chốt tại ĐHĐCĐ thường niên 2024.

Năm 2023, Hòa Bình có khả năng vẫn tiếp tục thua lỗ, khi công ty này đã hụt mất khoản thu từ việc thanh lý công ty con Matec. Trước đó, Hòa Bình đã kỳ vọng việc thanh lý Matec mang lại cho công ty nguồn thu 1.100 tỷ đồng.

9 tháng đầu năm, Hòa Bình lỗ 884 tỷ đồng với doanh thu 5.356 tỷ đồng, theo báo cáo tài chính hợp nhất của công ty.

Theo Quỳnh Anh

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên