Hóa chất Đức Giang (DGC): Lãi 245 tỷ đồng sau khi nhận sáp nhập DGL
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2018 doanh thu đạt 4.327 tỷ đồng, tăng 58% so với cùng kỳ, còn lợi nhuận sau thuế đạt 619 tỷ đồng, gấp 3,4 lần lợi nhuận đạt được 9 tháng đầu năm ngoái.
CTCP Bột giặt và hóa chất Đức Giang (mã chứng khoán DGC) công bố báo cáo tài chính quý 3/2018 – quý đầu tiên sau khi công ty tiến hành sáp nhập thành công CTCP Hóa chất Đức Giang Lào Cai (DGL).
Hầu hết các chỉ tiêu trên báo cáo tài chính quý này của Bột giặt và Hóa chất Đức Giang đều biến động mạnh so với cùng kỳ.
Về kết quả kinh doanh, doanh thu hợp nhất đạt hơn 1.502 tỷ đồng, tăng 58% so với cùng kỳ trong khi chi phí giá vốn chỉ tăng 37% nên lợi nhuận gộp đạt 353 tỷ đồng, gấp 3,2 lần quý 3 năm ngoái.
Chi phí tài chính, mà chủ yếu là chi phí lãi vay và lỗ tỷ giá, tăng gần 13 tỷ đồng so với đầu kỳ. Trong kỳ công ty phát sinh mới khoản vay nợ thuê tài chính ngắn hạn hơn 1.005 tỷ đồng so với con số dư nợ vay tài chính 0 đồng hồi đầu năm. Ngoài ra doanh thu tăng cũng dẫn tới chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng thêm đáng kể.
Không còn khoản lãi từ công ty liên doanh liên kết, quý 3 Bột giặt và Hóa chất Đức Giang vẫn báo lãi sau thuế 244,5 tỷ đồng, tăng đột biến gấp 3,2 lần lợi nhuận đạt được quý 3 năm ngoái. Trong đó lợi nhuận sau thuế ghi nhận về cho cổ đông công ty mẹ còn 246 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2018 doanh thu đạt 4.327 tỷ đồng, tăng 58% so với cùng kỳ, còn lợi nhuận sau thuế đạt 619 tỷ đồng, gấp 3,4 lần lợi nhuận đạt được 9 tháng đầu năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 620 tỷ đồng.
Về các chỉ tiêu khác: Hàng tồn kho tăng đột biến gần 900 tỷ đồng so với đầu năm, lên mức 925 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là tồn kho nguyên liệu và thành phẩm.
Tổng tài sản tăng 3.663 tỷ đồng, lên mức 4.549 tỷ đồng, trong đó giá trị tài sản cố định tăng 2.166 tỷ đồng và lợi thế thương mại được phân bổ gần 3.000 tỷ đồng.
Khoản đầu tư tài chính dài hạn vào công ty liên kết đã giảm về 0 sau sáp nhập.
Nợ phải trả đến cuối kỳ tăng hơn 1.400 tỷ đồng, lên mức 1.628 tỷ đồng, trong đó phát sinh khoản vay nợ thuê tài chính ngắn hạn hơn 1.005 tỷ đồng.
Vốn chủ sở hữu đạt 2.920 tỷ đồng, trong đó vốn góp chủ sở hữu tăng gần gấp đôi, lên 1.078 tỷ đồng.
"Của để dành" của DGC còn có 905 tỷ đồng lợi nhuận chưa phân phối đến cuối kỳ, còn 370 tỷ đồng trong quỹ đầu tư phát triển, còn hơn 1.207 tỷ đồng thặng dư vốn cổ phần. Tuy nhiên khoản vốn khác của chủ sở hữu hiện đang ghi âm 761 tỷ đồng.
Về giá cổ phiếu: Cổ phiếu DGC đang đà tăng mạnh mẽ từ khi có thông ti sáp nhập hơn 1 năm trước. Hiện DGC đang giao dịch ở mức giá 48.600 đồng/cổ phiếu (giá đã điều chỉnh), tăng 57% so với thời điểm đầu năm 2018.
Diễn biến giá cổ phiếu DGC trong 1 năm gần đây.
Trí Thức Trẻ
Tin tức sự kiện về: Công ty cổ phần Cao su Việt Nam
Xem tất cả >>- Có thêm 18 doanh nghiệp báo lãi vượt kế hoạch lợi nhuận cả năm sau 9 tháng
- Sự khác biệt rõ rệt về chất lượng dịch vụ ngân hàng ở tỉnh lẻ và thành thị
- Năng lượng Vinaconex (VCP) vượt 18% kế hoạch lợi nhuận năm 2018 chỉ sau 9 tháng
- Gánh nặng chi phí, Cao su Tân Biên (RTB) báo lãi 170 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm, giảm 17% so với cùng kỳ
- PVN kinh doanh vượt kế hoạch, cổ phiếu họ "P" tạo sóng - Cả nhà dầu khí cùng vui!